Lớp học trên con dốc ngược

(CTG) Hình ảnh người lính biên phòng cứ mỗi tối lại chạy xe ngược lên con dốc cao tít lưng chừng núi dạy học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trở nên quen thuộc trong lòng người dân khu vực Trường Phúc, tổ dân phố 19, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang (Khánh Hòa).



Trung úy Nguyễn Văn Tưởng dạy chữ cho các em - Ảnh: VĂN KỲ



Đã sáu năm qua, ngày nào cũng thế, người thầy ấy là trung úy Nguyễn Văn Tưởng.

Lớp học đặc biệt

Ngày nào cũng vậy, sau bữa cơm chiều ở đơn vị là anh Nguyễn Văn Tưởng lại đến ngay lớp học tình thương. Ở đây, những đứa học trò nhỏ đang đợi thầy.

Anh Tưởng kể lại: “Trước năm 2004, lớp học tình thương này do một cô cán bộ tổ dân phố dạy, tuy nhiên lớp không được duy trì thường xuyên. Thấy tình trạng này không ổn lắm nên mình đã về xin lãnh đạo đơn vị được đứng lớp”.

Tưởng khi ấy vừa đi dạy vừa khảo sát địa bàn, vận động các em và phụ huynh. Cuộc sống quá nghèo khổ, bố mẹ lại không chăm lo, không quan tâm đến việc học mà chỉ muốn các em đi làm kiếm sống là một rào cản vô cùng lớn. “Mình cam đoan các em chỉ cần đến lớp, sách vở và bút viết thầy sẽ cung cấp. Vậy là phụ huynh mới xuôi xuôi, các em cũng bắt đầu đi học” - anh Tưởng kể lại.

Từ 10 học sinh khi Tưởng tiếp nhận lớp, sau một thời gian đã lên đến 40 em, có thời điểm 50 em. Sách, vở và bút cũng do anh vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp. Lớp học đông lên, thầy giáo bắt đầu chia lớp theo trình độ, với mục tiêu phải phổ cập giáo dục tiểu học cho các em. Chia làm ba lớp với ba trình độ khác nhau, nhưng chỉ có một phòng học được chia làm ba dãy bàn ghế để ngồi và chỉ có một thầy giáo.

Thỉnh thoảng Tưởng cũng xin phép địa phương cho các em đi thực tế, tham quan hoặc đi sinh hoạt trong các câu lạc bộ chăm sóc - giáo dục trẻ em lang thang, câu lạc bộ ông - bà - cháu... để các em mở mang kiến thức và biết thêm nhiều điều hay lẽ phải.

Tuy nhiên, khó khăn ở lớp học này là học sinh đi học rất thất thường, có em đang học bỗng đến xin thầy cho nghỉ để theo bố mẹ đánh cá ngoài khơi cả tháng trời. Khi về thầy lại phải kèm riêng vì kiến thức mới không có, kiến thức cũ thì “trôi ra biển rồi”.

Dạy chữ và dạy làm người

“Do khu vực này chủ yếu là dân nhập cư nên địa bàn rất phức tạp với nhiều tệ nạn như trộm cắp, nghiện hút, buôn bán ma túy... Từ nhỏ các em lại không được chăm sóc chu đáo, bố mẹ cũng không có ý thức trang bị kiến thức sống cho con, nên tôi không chỉ dạy chữ mà còn dạy những kỹ năng sống cơ bản”, Tưởng cho biết. Anh phải trang bị cho các em một số kiến thức về biện pháp phòng chống HIV, các quyền cơ bản của trẻ em, về nguy cơ bị lạm dụng tình dục...

Trung úy Tưởng kể: “Có lần một phụ huynh tìm đến lớp học trình bày hoàn cảnh có đứa con trai thường xuyên bỏ nhà theo bạn bè chơi bời, nói mãi không nghe. Mình tìm đến nhà kéo cậu ra quán nước ngồi tâm sự, hóa ra cậu đang tuổi dậy thì, tính nết thay đổi mà bố mẹ không quan tâm, đụng chuyện gì cũng chửi mắng khiến cậu chán nản sinh hư. Mình vận động em đến lớp học vào ban đêm, rồi chỉ cho em vào tiệm sửa xe gắn máy gần đó xin vừa học vừa làm. Đến nay em đã là một thợ sửa xe ngon lành”.

Theo Tưởng, để dạy được những học sinh cá biệt này trước hết phải tiếp xúc riêng với mỗi em, tìm hiểu hoàn cảnh, ước muốn của các em để có cách chỉ bảo phù hợp. “Bây giờ gần như mình đã là một... chuyên gia, em nào có biểu hiện khác thường, bỗng dưng bỏ học hay đi quậy phá ở đâu đó là mình biết chính xác đến 80% nguyên nhân rồi”, anh Tưởng nói.

Đề nghị phần thưởng xứng đáng

 



Trung úy Nguyễn Văn Tưởng - Ảnh: VĂN KỲ
 


Thượng tá Nguyễn Trung Thanh - bí thư chi bộ, chính trị viên đồn biên phòng 372  - cho biết: “Anh Nguyễn Văn Tưởng là tấm gương sáng cho các chiến sĩ trong đơn vị noi theo. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vợ không có việc làm ổn định, con còn nhỏ nhưng anh không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn tự nguyện phụ trách lớp học tình thương sáu năm nay”. 

Hiện Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho trung úy Nguyễn Văn Tưởng về thành tích xuất sắc trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.




Theo Tuổi Trẻ