Độc Lập
Không thể phủ nhận những lợi ích mà internet mang lại như giải trí, học tập, song bà Hoa chỉ ra nhiều mối nguy hại từ internet tác động tới trẻ em, điển hình là tiếp cận thông tin không phù hợp. Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc 2022, có 23% trẻ em cho biết đôi khi vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm ở quảng cáo trên mạng. Trẻ em còn gặp các mối nguy như: bị phát tán, rò rỉ thông tin riêng, thông tin cá nhân; nghiện game, nghiện mạng xã hội, nghiện internet; bị bắt nạt trực tuyến; bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo ép tham gia các hoạt động phi pháp.
Theo bà Hoa, các nội dung khiêu dâm có ở nhiều nơi. Việc chặn các trang web khiêu dâm là không đủ và không hiệu quả. Bà Hoa chia sẻ: "Các công cụ hiện tại chỉ giới hạn xử lý hình ảnh và văn bản. Việc xử lý video đòi hỏi công cụ phức tạp, hầu như không có các công cụ chặn lọc hỗ trợ cho các video, đặc biệt là đối với các trình duyệt ứng dụng".
Theo ông Vũ Thanh Thắng, Giám đốc AI - CAIO (Công ty Cổ phần An ninh mạng SCS), nội dung được trẻ em quan tâm nhiều nhất khi tham gia mạng xã hội không phải học tập mà là giải trí. Ông Thắng cho hay: "Theo khảo sát của chúng tôi, hầu như trẻ em truy cập mạng hằng ngày. Có 4 nội dung được các em truy cập nhiều nhất, trong đó đứng đầu là xem video, tiếp đến là xem mạng xã hội, nhắn tin và cuối cùng mới là nội dung học tập và làm bài tập. Có những học sinh lớp 6 rủ nhau xem phim có nội dung xấu, nghiện YouTube. Gần như các phụ huynh bất lực trong việc kiểm soát con cái khi tham gia internet".
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho biết thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết thời gian qua cho thấy xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so với năm 2022. Cùng với đó, tình trạng trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp. "Các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đã và đang tác động đến trẻ em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần của trẻ", ông Nam nói.
Lập "hàng rào" bảo vệ trẻ em
Trước những mối nguy có thể ảnh hưởng đến trẻ em trên môi trường mạng, các chuyên gia cho rằng cần phải thiết lập "hàng rào" kỹ thuật, cần một công cụ hiệu quả có khả năng chặn - lọc thông tin xấu, độc trên mạng, nhất là các mạng xã hội nước ngoài được cung cấp xuyên biên giới vào VN như Facebook, YouTube, TikTok…
Về vấn đề này, bà Lê Thùy Dương, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình - thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho biết Bộ đã triển khai thực hiện rà soát, phát hiện nhiều trường hợp đăng tải các hình ảnh, video có nội dung xâm hại hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em; đã xử lý 18 nhóm trên mạng xã hội với số thành viên tham gia lên đến hàng chục triệu người, trong đó thanh thiếu niên chiếm tới 70%.
Cha mẹ là người chăm sóc trực tiếp con em mình, nếu không làm thì không ai bảo vệ trẻ em tốt hơn. Không ai có thể tạo lập môi trường sống an toàn cho con em mình bằng chính cha mẹ. Nhà nước dù có chính sách, có truyền thông giáo dục, hỗ trợ gia đình nhưng cha mẹ không quan tâm thì trẻ em không được sống an toàn".
Ông ĐẶNG HOA NAM, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH
Theo bà Dương, Bộ đã và đang tích cực đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới với VN, yêu cầu gỡ bỏ những nội dung không phù hợp, tuân thủ quy định của pháp luật VN, yêu cầu có giải pháp quản lý các nội dung dành cho trẻ em.
"Mới đây, YouTube đã công bố sẽ có một số thay đổi chính sách nhằm bảo vệ trẻ em. Theo đó, sẽ yêu cầu tất cả các nhà sáng tạo nội dung phải đánh dấu nội dung video dành cho trẻ em. Trong tuần từ 22 - 29.5, Bộ TT-TT sẽ phối hợp với các bộ, ngành kiểm tra toàn diện TikTok do có những nội dung xấu, độc, phản cảm", bà Dương thông tin.
Ông Đặng Hoa Nam cho biết đại diện Cục Trẻ em sẽ tham gia đoàn kiểm tra của Bộ TT-TT kiểm tra toàn diện TikTok tại VN. "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và cho rằng đợt kiểm tra TikTok lần này là cần thiết. Quan điểm của chúng tôi là khi phát hiện ra sai phạm, cần phải xử lý. Ngoài kiểm tra, xử lý sai phạm, cơ quan chức năng cần có những hướng dẫn để nền tảng này trở thành môi trường tương tác lành mạnh, hạn chế tối đa những tổn hại đối với trẻ em", ông Nam nêu rõ.
Để bảo vệ con trẻ trong thế giới đầy biến động và mạng xã hội xuyên biên giới, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình, đặc biệt là cha mẹ và người chăm sóc trẻ. "Cha mẹ là người chăm sóc trực tiếp con em mình, nếu không làm thì không ai bảo vệ trẻ em tốt hơn. Không ai có thể tạo lập môi trường sống an toàn cho con em mình bằng chính cha mẹ. Nhà nước dù có chính sách, có truyền thông giáo dục, hỗ trợ gia đình nhưng cha mẹ không quan tâm thì trẻ em không được sống an toàn", ông Nam nói.
Theo ông Nam, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, ngăn chặn, gỡ bỏ những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, cha mẹ cũng cần trang bị kỹ năng tương tác lành mạnh và bảo vệ con; xây dựng mối quan hệ cởi mở với con trẻ. Khi đã biết, đã hiểu thì phụ huynh có thể bảo vệ con em mình một cách đúng đắn nhất.
Theo TNO