Trong lễ khai giảng Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19 -11-1955, Bác Hồ đã nói với sinh viên và thanh niên: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”.
Hoạt động tình nguyện luôn mang lại ý nghĩa to lớn về nhiều mặt: Kinh tế - chính trị, văn hóa – xã hội, giáo dục, quốc phòng… Thực tiễn đã chứng minh, kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ III (12/1994), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam đã khơi dậy, hình thành và phát triển các loại hình thanh niên tình nguyện, thực hiện một số công trình, phần việc khó khăn, tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương trong cả nước. Tháng 10/1996 Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức gặp mặt biểu dương thanh niên tình nguyện Việt Nam, khẳng định sự hình thành và phát triển của các đội hình thanh niên tình nguyện với nhiều mô hình, phương thức hoạt động có hiệu quả. Từ năm 2000 khi được Đảng và Nhà nước chọn làm “Năm Thanh niên Việt Nam", Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã quyết định phát động trong toàn Đoàn phong trào thanh niên tình nguyện trong tuổi trẻ cả nước với các nội dung: “Tình nguyện lao động vượt mức kế hoạch, tình nguyện học tập, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tình nguyện đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì nhân dân yêu cầu...”.
Phong trào thanh niên tình nguyện ra đời đã huy động đông đảo thanh niên xung kích tình nguyện đảm nhận và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, các công trình phần việc thanh niên, các việc khó, việc mới. Đặc biệt các hoạt động tình nguyện đã hướng trọng tâm vào giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo; chăm sóc, hỗ trợ các gia đình chính sách; thực hiện cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”; cứu trợ thiên tai, bão lụt; tình nguyện làm thêm ngày, thêm giờ, làm việc với chất lượng cao; tình nguyện vì môi trường xanh, sạch, đẹp; tiếp sức đến trường, tiếp sức mùa thi, giúp đỡ thiếu nhi học tập, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đồng bằng, tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh Tổ quốc...
Phong trào Thanh niên tình nguyện hiện nay được triển khai sáng tạo, có sự đổi mới tích cực, góp phần làm tăng tính hấp dẫn, lan toả của phong trào, thu hút đông đảo các đối tượng thanh niên ở nhiều lứa tuổi với đỉnh cao là Tháng Thanh niên (Tháng 3), Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè (Tháng 6,7,8) và Chương trình tình nguyện mùa Đông (Từ tháng 10 đến tháng 2). Phong trào đã có những bước phát triển mới, từ các mô hình hoạt động tình nguyện tập trung phát triển và lan toả sang các mô hình tình nguyện tại chỗ; từ tình nguyện trên diện rộng chuyển sang hình thức tình nguyện chuyên sâu gắn với chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo của thanh niên, sinh viên; từ hoạt động tình nguyện trong nước đã phát triển hoạt động tình nguyện quốc tế.
Bên cạnh những thành tích nổi bật của hoạt động tình nguyện, chúng ta cũng nhận thấy để hoạt động đi vào chiều sâu, khơi dậy được sự tham gia nhiệt tình của đoàn viên thanh niên, đặc biệt là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước, cần tập trung vào một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, chúng ta phải nhìn nhận và chấp nhận là trên thực tế vẫn còn một bộ phân không nhỏ các bạn thanh niên sinh viên có lối sống ích kỷ, thực dụng, chỉ chăm lo đến lợi ích cá nhân của bản thân, thờ ơ với các hoạt động của cộng đồng, xã hội. Một bộ phận nữa thờ ơ với thời cuộc, với chính bản thân mình, sống với lý tưởng nhạt nhòa, không có định hướng rõ ràng cho tương lai của chính họ. Đối với nhóm thanh niên, sinh viên này cũng cần sự quan tâm đặc biệt của tổ chức Đoàn tại cơ sở, cần có các hoạt động tuyên truyền, giúp họ hòa nhập vào với môi trường học tập, môi trường hoạt động cộng đồng, khơi dậy sự nhiệt tình, năng động, sáng tạo, sống có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng.
Thứ hai, cần nâng cao nhận thức cho sinh viên về vai trò, ý nghĩa của hoạt động tình nguyện đối với cộng đồng và đối với bản thân sinh viên: “Thực tế hiện nay, khi một hoạt động tình nguyện nào đó được phát động, ban đầu sinh viên có thể đăng ký tham gia rất đông, nhìn thì có vẻ là các bạn ấy rất thích nhưng khi hoạt động đòi hỏi nhiều thời gian, sức lực tham gia… thì các bạn ý lại nhanh chán, sinh viên thích nhanh nhưng chán cũng nhanh” (Nguyễn Thị Mai Lan, chủ tịch hội SV Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN). Để khắc phục được hiện tượng trên, theo chúng tôi cần có những buổi sinh hoạt tập thể nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động tình nguyện đối với sự phát triển cộng đồng và để sinh viên nhận thấy quá trình tham gia tình nguyện không chỉ có “cho đi” mà chính các bạn ấy “nhận lại” được rất nhiều: kinh nghiệm thực tiễn, xác định, xây dựng giá trị sống cho chính mình, thấy được sự ứng dụng của những kiến thức chuyên môn trong thực tế, điều này sẽ củng cố được lòng yêu nghề và tính trách nhiệm đối với công việc chuyên môn trong tương lai.
Thứ ba, cần trang bị cho sinh viên các kỹ năng mềm trước khi tham gia hoạt động tình nguyện tại cộng đồng, tránh tình trạng, sinh viên xuống địa phương bỡ ngỡ, không kịp thích nghi với thực tế. Môi trường thực tế luôn là thách thức đòi hỏi các bạn sinh viên phải có khả năng hòa nhập và thích ứng nhanh vì môi trường ấy có thể chứa đựng rất nhiều khác biệt về văn hóa, điều kiện sống, thói quen ứng xử, lối sống, phong tục tập quán … Chính vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp trước khi đưa sinh viên xuống triển khai các hoạt động cụ thể tại địa phương cần tập huấn trước cho sinh viên làm quen với những khác biệt văn hóa đó, giúp các bạn có kỹ năng giao tiếp tại cộng đồng, kỹ năng phối kết hợp với các tổ chức tại địa phương để hoạt động tình nguyện đạt được mục đích đã đề ra. Như vậy, sinh viên sẽ được học rất nhiều kiến thức, kỹ năng trước khi đi tình nguyện và bản thân các bạn ấy sẽ được trải nghiệm những điều mình đã được tập huấn khi xuống địa phương, nếu kết hợp được như vậy thì chắc chắn các hoạt động tình nguyện sẽ thu hút được đông đảo sinh viên tham gia và tính hiệu quả tại địa phương sẽ được đảm bảo.
Thứ tư là các hoạt động tình nguyện hiện nay phải được chọn lọc nội dung cho thiết thực, hiệu quả thực sự phù hợp với sinh viên, để thông qua đó sinh viên thấy được giá trị, sự đóng góp của mình cho cộng đồng, tránh tình trạng sinh viên tham gia không thấy được đóng góp của mình cho cộng đồng để tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần tình nguyện: “Phát huy chuyên môn của sinh viên cũng chính là phương pháp khiến sinh viên ngày càng ham thích các hoạt động tình nguyện. Đây cũng là cách thu hút sinh viên đưa chất xám, trí tuệ của họ vào hoạt động tình nguyện” (Lê Quốc Phong, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch hội SV Việt Nam);{Nguồn trích dẫn: Báo Sinh viên Việt Nam. Điều đó, có nghĩa là, các hoạt động tình nguyện hiện nay tổ chức cho sinh viên nên mang tính “chuyên môn hóa”, sinh viên thuộc chuyên ngành nào thì nên đóng góp cho cộng động những hoạt động phù hợp với kiến thức chuyên ngành, phát huy được chất xám của họ và giúp họ thấy được tính ứng dụng của chuyên môn mà họ có trong thực tế cuộc sống, đây chính là một trong những cách làm phát huy nhu cầu, động cơ trong sáng của nghề nghiệp mà các bạn ấy đang nuôi dưỡng trên giảng đường. Tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, mô hình xây dựng các hoạt động tình nguyện phù hợp với năng lực chuyên môn đã được phát huy và nhân rộng: Năm 2013, sinh viên khoa Tâm lý học đi đầu trong việc xây dựng mô hình tình nguyện gắn với kiến thức chuyên môn nghề nghiệp. Năm 2014, một số khoa khác trong trường như: Khoa Thông tin thư viện, khoa Sử, khoa Du lịch học … cũng đã xây dựng nội dung của các hoạt động tình nguyện hướng đến việc ứng dụng chuyên sâu các kiến thức chuyên ngành để đóng góp cho cộng đồng và đồng thời giúp quảng bá hình ảnh của khoa và nhà trường đến với cộng đồng và xã hội.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, bên cạnh việc hướng đến “chuyên môn hóa” các hoạt động tình nguyện thì chúng ta cũng phải chú ý đến sự liên kết giữa các chuyên ngành học trong khi tổ chức hoạt động tình nguyện, có thể huy động sự tham gia của sinh viên nhiều ngành học, nhiều trường cùng hỗ trợ cho hoạt động tại cộng đồng, hướng tới sự “đa dạng hóa các thành phần tham gia” một cách chuyên nghiệp, số lượng đông nhưng phải đảm bảo chất lượng, có sự phân công rõ ràng, rành mạch cho từng nhóm (phù hợp với chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với các mảng hoạt đông phụ trách).
Thứ năm, chính là sự đa dạng hóa các hình thức, nội dung, phương thức hoạt động tình nguyện, tránh sự nhàm chán, không phát huy được tính tích cực, sáng tạo của sinh viên. Để khắc phục tình trạng này, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát tính hiệu quả tại địa phương, phối kết hợp với các tổ chức Đoàn cơ sở để duy trì hiệu quả, khắc phục kịp thời những khó khăn mới phát sinh khi đoàn tình nguyện rút khỏi địa phương, nên để sinh viên tiếp tục tham gia và có trách nhiệm với những thành quả đã đạt được sau một đợt tình nguyện, nếu làm được như vậy sẽ khiến cho hoạt động đó đảm bảo tính liên tục, bền vững, hiệu quả lâu dài, sinh viên luôn phải trăn trở để phát huy hiệu quả, khắc phục khó khăn, liên tục đóng góp được cho cộng đồng.
Thứ sáu, huy động các nguồn lực xã hội hóa để hoạt động tình nguyện đạt hiệu quả cao nhất, tranh thủ được sự đồng tình dư luận xã hội, sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân tại địa phương mà hoạt động tình nguyện sẽ triển khai. Vấn đề chính đặt ra ở đây là tính đến sự tương hợp giữa nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương với nhu cầu, động cơ của sinh viên trong hoạt động tình nguyện này.
Thứ bẩy, phải tiến tới chuyên nghiệp hóa các hoạt động tình nguyện. Tình nguyện chính là quá trình trợ giúp, hỗ trợ những nhóm người yếm thế tại cộng đồng, vì vậy phải có chiến lược cụ thể để những nhóm đã được hỗ trợ tại cộng đồng có thể phát huy được khả năng và khơi dậy sức mạnh nội tại của họ để họ có thể thay đổi số phận, cuộc sống của chính họ. Muốn làm được như vậy, thì cần có sự trang bị kiến thức cho sinh viên tình nguyện để các bạn ấy nhận thấy hoạt động mình đang tham gia vào không phải là làm “cho vui”, làm từ thiện, làm để thể hiện mình mà làm một cách chuyên nghiệp vì cộng đồng, sau đó cần huy động nguồn lực tại cộng đồng và nguồn lực xã hội hóa để có thể có những chương trình tập huấn, đào tạo kỹ năng tại địa phương cho cán bộ địa phương, cho người dân để họ có thể khơi dậy được sức mạnh trong chính họ, trong chính cộng đồng, vươn lên làm chủ số phận, thoát nghèo và đóng góp trở lại cho sự phát triển của cộng đồng.
Phong trào thanh niên tình nguyện đã, đang, vẫn và sẽ là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn 15 năm phong trào thanh niên tình nguyện, đánh giá cụ thể những mặt mạnh, mặt yếu; xác định những mô hình hiệu quả, có tính khả thi để tuyên dương, nhân rộng; đồng thời đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập để hoạt động tình nguyện đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả hướng tới phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là việc làm có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.
TS. Trần Thu Hương - Khoa Tâm lý học
Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội |