Mua sắm trực tuyến lên ngôi

(CTG) - Với tốc độ phát triển nhanh chóng của các dịch vụ mạng như hiện nay, Online shopping (mua sắm trực tuyến) đã không còn xa lạ với giới trẻ Việt. Ngày càng nhiều website mua bán trực tuyến ra đời để đáp ứng nhu cầu đó.

Thời của E-shop

Năng động, bận rộn, thiếu thời gian, đó là những từ cơ bản mô tả người Việt trẻ thời @.  Mua sắm trên mạng với tiện ích nhanh, thuận tiện đã thu hút ngày càng đông giới trẻ. Lượng người truy cập các website mua bán ngày càng lớn và e-shop (chợ điện tử) cũng nhiều như “nấm mọc sau mưa”.

Không cần đăng ký kinh doanh, không cần cửa hiệu ở phố nọ, phố kia, việc buôn bán của bạn vẫn diễn ra bình thường. Chỉ cần một cái nick chat trên yahoo messenger hoặc một cái blog là bạn đã tha hồ rao bán sản phẩm mà không phải trả phí.

Phương thức liên lạc giữa người bán và người mua cũng rất đơn giản: thông qua điện thoại, email hoặc nick chat. Khi chọn được mặt hàng ứng ý, người mua chỉ cần đăng ký và trả tiền bằng chuyển khoản hoặc gọi điện để được giao hàng tận nhà.

Nhờ phạm vi “phủ sóng” rộng rãi và miễn phí của công nghệ “thế giới phẳng” nên việc kinh doanh của các chủ e-shop dễ dàng thu hút đông đảo khách hàng là các cư dân mạng. Từ đó mà các mặt hàng kinh doanh cũng được đa dạng hóa thể ngày càng hấp dẫn người mua.

 

 Giới trẻ ngày nay thích săm soi các mặt hàng bán trên mạng chẳng kém gì dạo siêu thị shopping (Ảnh Vietnamnet)

Theo các nhà nghiên cứu thị trường, kinh tế càng phát triển thì nhu cầu mua bán qua mạng càng tăng cao. Nhận thức được xu hướng đó, rất nhiều công ty đã nghĩ đến việc “đưa cửa hàng thật lên chợ ảo”. Thông qua website riêng hoặc mở tài khoản ở những trang mua bán để giới thiệu sản phẩm để khách hàng có sự hiểu biết khách quan về sản phẩm, dịch vụ của cửa hàng, có kiến thức sử dụng và tiến hành giao dịch.

Eddie Bakhash - chủ cửa hàng trang sức American Pearl ở New York, Mỹ, là người đầu tiên đưa cửa hàng của mình lên chợ ảo vào năm 1997. Nhờ sự thay đổi này mà doanh số hằng năm của cửa hàng đã tăng thêm 20%.

Một gian hàng trên Internet không cần đến mặt bằng, không cần nhân viên phục vụ, không cần bảo vệ, …nhờ vậy doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí đáng kể. Từ lợi ích đó, hàng trăm công ty đã lập website riêng với mục đích trưng bày hàng hóa, tăng cường quảng bá và có thể tích hợp bán hàng qua mạng.

Ở Việt Nam, việc ra đời website chuyên bán điện thoại di động www.thegioididong.com năm 2004 đã làm cho phong trào mua bán qua mạng thêm phần hứng khởi. Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cũng nhanh chóng nhận ra giá trị của siêu thị ảo. Và “người đi chợ” cũng ngày càng tấp nập.

Mua hàng trực tuyến - dễ mà khó

Thuận tiện, đơn giản, nhanh chóng là những gì người ta nói về online shopping.

Bạn chỉ cần ngồi bên chiếc máy vi tính, chọn đồ ưng ý và gọi điện, nhà cung cấp sẽ mang đồ tới tận nhà. Vừa tiện, vừa không mất thời gian.
Chị Thanh (một nhân viên văn phòng) tâm sự: “Công việc của mình rất bận, không có đủ thời gian đi dạo các shop để lựa đồ nữa. Những lúc rảnh như giờ ăn trưa, giải lao mình thường bật laptop và ghé qua các trang mua sắm. Thỉnh thoảng cũng chọn được đồ độc mà rẻ. Quan trọng là người ta giao hàng tận nơi mà cách thanh toán cũng rất đơn giản - tiền mặt hoặc chuyển khoản”.

Giao diện một website thương mại điện tử khá nổi tiếng của Việt Nam

Dịch vụ mua sắm trực tuyến có khả năng phục vụ 24/24 (khách hàng có thể xem, đặt hàng bất kể ngày đêm) và cung cấp thông tin về sản phẩm, đơn hàng trực tiếp đến người tiêu dùng một cách khoa học (tra cứu, chọn hàng nhanh).

Nhưng nói đi phải nói lại, mua bán ở chợ ảo nếu không khôn ngoan bạn rất dễ trở thành “cừu non”.

Các thoả thuận mua bán chủ yếu được thực hiện trên cơ sở “xây dựng lòng tin” bởi vẫn chưa có bất cứ cơ chế bảo đảm nào. Vì vậy nếu bạn mua phải hàng “rởm”, kém chất lượng hay hết hạn sử dụng cũng là chuyện thường.

Hiện nay các giao dịch mua bán ở xa đều áp dụng phương thức thanh toán: người mua phải chuyển tiền trước cho bên bán. Sau đó, khách hàng thông báo qua tin nhắn SMS cho bên bán thì mới được chuyển hàng. Chính vì thế mà không ít trường hợp không nhận được hàng, các e-shopper chỉ biết cười trừ xem như bỏ tiền mua bài học kinh nghiệm.

Thêm nữa, hàng hóa ngập tràn, mỗi ngày có hàng trăm sản phẩm được đăng tải lên, người đi “chợ” như lọt vào mê cung và việc tìm được món hàng ưng ý cũng tốn không ít thời gian.

Mách nhỏ khi vào E-shop

- Sử dụng chức năng Search sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian. Với một “chợ ảo” có cách trình bày rối rắm, khó tìm kiếm thông tin thì trước hết bạn cần sử dụng chức năng “Search” (tìm kiếm) cho những mặt hàng cần tìm. Không ai có đủ kiên nhẫn và đủ thời gian để tìm kiếm trong một mớ bòng bong thông tin.

- Tham khảo ý kiến của người đi trước giúp bạn tránh được nguy cơ mua phải hàng “rởm”, hàng kém chất lượng, và có thể mua được hàng với giá tốt nhất.

- Mua ở những nơi uy tín, những website có địa chỉ giao dịch cụ thể, có đăng kí kinh doanh hợp pháp để tránh trường hợp mua nhầm hàng giả không thể khiếu kiện.

- So sánh sản phẩm. Khi mua bất cứ sản phẩm nào, cũng nên so sánh với các mặt hàng tương tự được bày bán trên các site khác, một phần có thể đối chiếu được giá cả để mua được với giá tốt nhất, phần khác để đảm bảo sản phẩm cần mua vẫn thuộc loại “dùng tốt”.

- Thử trước khi mua để đảm bảo các tính năng và đặc điểm sản phẩm đúng như quảng cáo của người bán.

- Giữ lại hoá đơn. Khi mua sản phẩm, người mua cần giữ lại các hoá đơn cần thiết (hoá đơn chuyển tiền, hoá đơn thanh toán, phiếu bảo hành… nếu có), và kiểm tra kỹ tem bảo hành và địa chỉ nơi cung ứng sản xuất.

- Kiểm tra phương thức thanh toán: Nên cảnh giác với các phương thức thanh toán qua thẻ tín dụng vì đây là cách thanh toán không an toàn.

6 “Chợ ảo” của Việt Nam  được nhiều người ghé qua nhất (Theo Alexa.com)

1. www.vatgia.com  
2. www.enbac.com
3. www.rongbay.com
4. www.123mua.com.vn
5. www.chodientu.vn
6. www.muare.vn

La Hoàn