Buổi trực tuyến nằm trong chương trình "Tiếp sức mùa thi" do T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Học kinh tế mà có năng khiếu về nghệ thuật là một lợi thế
Là khách mời trong buổi trực tuyến, Võ Lập Phúc, thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2020, cũng đồng thời là thủ khoa toàn quốc khối D14, chia sẻ liệu rằng chúng ta phân định những ngành nghề như vậy có thật sự cần thiết để tạo nên một ranh giới rạch ròi. Thực tế một người theo đuổi nghề ngoại giao không có nghĩa không thể trở thành nam vương, hoa hậu. Hay ai đó theo đuổi lĩnh vực kinh tế - xã hội không thể không trở thành một MC, ca sĩ…
Phúc nói: "Hiện nay, trong môi trường ĐH hay CĐ, cơ hội giáo dục luôn đồng hành với cơ hội triển vọng, đam mê. Từ hệ thống CLB đội nhóm, đa dạng hóa của các phong trào, hoạt động xã hội, đến những cơ hội mà chúng ta có thể tiếp cận qua các trang thông tin điện tử. Hay các cuộc thi nghệ thuật mở ra, mà đối tượng trong đó đa dạng về ngành nghề".
Phúc chia sẻ: "Tham gia môi trường kinh tế các bạn có thể kết nối rất nhiều anh, chị bậc tiền bối khác. Các doanh nghiệp, công ty cũng cần không ít nguồn lực để đảm trách phần truyền thông, làm MC. Nếu như vậy bạn đang học kinh tế mà có năng khiếu về nghệ thuật thì đó là một lợi thế rất lớn".
Kể về câu chuyện chọn ngành nghề của mình, Phúc cho biết hiện tại đang theo học ngành quốc tế học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Phúc thấy rất may mắn vì ngành học này thực hành bên công tác đối ngoại và ngoại giao, nên Phúc có nhiều cơ hội để đến với các chương trình giao lưu quốc tế. Phúc từng là 1 trong 2 đại biểu đại diện thanh niên Việt Nam tham dự lễ tiếp kiến lãnh đạo cấp cao ASEAN 2022; đại biểu tham gia chương trình giao lưu thanh niên, sinh viên Nhật Bản- Đông Á…
Phúc kể: "Một điều đặc biệt, ba mẹ mình không phải là những người có nền tảng học vấn cao, ba mình chỉ vừa tốt nghiệp THPT, còn mẹ chưa hoàn thành bậc học tiểu học nhưng ba mẹ luôn đồng hành, luôn hiểu và tôn trọng những gì mà lựa chọn và theo đuổi. Mẹ mình từng nói với mình: Hướng đi của con là gì cũng được, hướng đi của con là gì cũng tốt nhưng rốt cuộc giá trị mà con tạo ra con có hài lòng hay không và giá trị đó hài hòa như thế nào với lợi ích của xã hội hay không".
Nói về lý do chọn ngành học này, Phúc cho biết từ nhỏ rất thích đọc lịch sử triết học, lịch sử ngoại giao của Việt Nam… thấy được sức nặng của con chữ có giá trị như thế nào với đời sống, đã thôi thúc Phúc quyết tâm chinh phục và theo học ngành đối ngoại.
Khi đạt thủ khoa với tổng điểm 29,6, Phúc cho biết có nhiều lựa chọn trường để theo học, nhưng cuối cùng Phúc chọn trường mà hiện tại theo học vì qua tìm hiểu, Phúc biết được đây môi trường rất coi trọng phong trào, ở đó mỗi cá nhân được dấn thân sáng tạo, và tạo ra giá trị trong quá trình thực hiện phong trào...
"Bên cạnh đó cũng còn nhiều nhân tố khác cộng hưởng khi chọn ngành, đó là yếu tố về kinh tế, tài chính gia đình, khoảng cách địa lý… Có thể có nhiều lựa chọn tốt cho bản thân, nhưng đâu là sự lựa chọn mà có thể cân bằng được giữa tình yêu ngành nghề, tình yêu gia đình và khả năng đồng hành của gia đình của mình, đó mới là câu hỏi lớn mà chúng ta cần đi tìm trong quá trình chinh phục hoài bão của đời mình", chàng thủ khoa nhắn gửi.
Một thí sinh hỏi: "Em học giỏi toán nhưng thích viết, đọc sách rất nhiều thì nên theo ngành gì?"
Phúc cho hay: "Mình nghĩ rằng nếu bạn theo đuổi kinh tế không có nghĩa là phải bỏ viết mà hãy theo đuổi chúng ở góc độ khác. Mình từng có cơ hội đối thoại với một bác PGS. TS giảng viên của Khoa tim mạch ĐH Y Dược (Hà Nội). Bác ấy là tác giả của một quyển sách về những câu chuyện xúc động trong giai đoạn dịch Covid-19 kể về tình người giữa bác sĩ và bệnh nhân. Qua đây mình thấy rằng viết là một công cụ, ngành nghề của bạn là chất liệu để công cụ ấy thấm đẫm màu mực theo bản sắc của bạn hơn…".
Gửi lời khuyên đến thí sinh, Lập Phúc chia sẻ: "Hãy nghĩ rằng những thách thức, áp lực không chỉ có riêng bạn mà tất cả các sĩ tử khác đều đang đối mặt ở giai đoạn chọn ngành, chọn nghề định hướng tương lai. Khi chúng ta xác định được điều mình muốn thì hãy theo đuổi tới cùng. Và đừng nghĩ rằng theo đuổi là phải làm những chuyện vĩ mô. Hãy bắt đầu với những hành động nhỏ, như: đọc một quyển sách về ngành nghề mình chọn, xem một video chuyên gia phân tích về ngành nghề, tham gia những hoạt động công tác xã hội liên quan đến ngành nghề mà mình đang theo đuổi…".
Theo TNO