Muốn nói lời yêu thương cũng chẳng còn cơ hội...

(CTG) Ai rồi cũng sẽ lớn, rời xa mái nhà gắn bó 18 năm để tìm đến những chân trời mới. Áp lực cuộc sống, vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền đôi khi khiến ta quên rằng ở quê nhà, mỗi giây phút trôi qua, cha mẹ đều mong nhớ.

3 năm trước, cha của Đỗ Thanh Tâm (23 tuổi), đang làm việc tại 11 Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10, TP.HCM mắc ung thư vòm họng, lúc này cô gái đã vội về quê để hỏi thăm và chăm sóc cho cha. Tâm kể chỉ ở bệnh viện với cha được 1 tuần thì phải vào lại TP.HCM để đi học.

“Lúc chào cha để tiếp tục việc học, ông đã dúi vào tay mình tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng và dặn mua đồ ngon mà ăn. Mình không nhận nhưng cha cứ dúi vào tay. Mình luôn giữ tờ tiền này mà không dám xài, vì giá trị của nó lớn hơn bất kỳ tài sản nào”, Tâm kể lại.

Muốn nói lời yêu thương cũng chẳng còn cơ hội...- Ảnh 1.

Người trẻ hãy quan tâm, nói lời yêu thương với cha, mẹ của mình nhiều hơn. KIM NGỌC NGHIÊN

Dù đã 3 năm trôi qua, nhưng Tâm vẫn chưa thể nguôi ngoai ngày được chú ruột báo tin cha mất. Tâm kể tối hôm đó không có chuyến bay nào về tỉnh Quảng Trị, cô gái này phải ngồi đợi ở sân bay đến 7 giờ sáng hôm sau mới có thể về quê. "Về đến nhà đã trễ giờ khâm liệm nhập quan, mình không thể nhìn cha lần cuối. Mình chỉ biết ôm mặt khóc vì còn nhiều lời yêu thương chưa kịp nói với cha", Tâm chia sẻ.

“Giờ đây mình rất sợ những cuộc gọi vào lúc đêm từ nhà. Hay gọi về nhà mà không thấy ai bắt máy là tim mình lại đập nhanh. Những ai còn cha, mẹ hãy cố gắng gọi về nhà nhiều nhất có thể. Bạn chưa thành công, nhưng cũng có thể báo hiếu bằng sự quan tâm từ những điều nhỏ nhặt. Một hộp sữa giá vài trăm ngàn đồng cũng đủ khiến cha, mẹ hạnh phúc. Giờ mình muốn báo hiếu cho cha cũng đâu còn cơ hội”, Tâm bộc bạch.

Mỗi lần nghe bạn cùng phòng ký túc xá than phiền vì mẹ gọi điện hỏi thăm quá nhiều thì Nguyễn Phan Anh Thư, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM lại cảm thấy chạnh lòng: “Năm học lớp 10 mẹ của mình đã mất vì căn bệnh ung thư, ngày đó chiều nào cũng ra mộ ngồi khóc. Nỗi mất mát ấy theo mình đến hiện tại. Bạn đừng cảm thấy phiền khi phụ huynh gọi điện quá nhiều, vì đó là niềm khao khát của những đứa con mất mẹ từ sớm như mình. Đừng vô tâm, lạnh nhạt với cha, mẹ”.

Công việc giáo viên dạy trẻ đặc biệt khiến Nguyễn Thị Thảo Phương (25 tuổi), ngụ tại 57/41/2 Tô Hiệu, P.Phú Trung, Q.Tân Phú, TP.HCM, trở nên bận rộn và áp lực nên ít gọi điện hỏi thăm cha, mẹ.

“Có hôm trẻ quậy phá khiến mình rất căng thẳng, cùng lúc đó mẹ lại gọi hỏi thăm: Con ăn cơm chưa, ăn với gì? Một câu hỏi thăm đơn thuần của mẹ lại bị mình đáp trả bằng giọng gắt gỏng: Ăn gì chả được hả mẹ, chuyện ăn uống có quan trọng đâu mà lúc nào cũng hỏi? Mẹ im lặng vài giây rồi dặn mình giữ sức khỏe, sau đó cúp máy. Mình tiếp tục với công việc mà không nhận ra bản thân đã quá vô tâm”, Phương kể lại.

Những ngày gần đây, khi lướt mạng xã hội, Phương đã vô cùng xúc động thì thấy video Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Ngọc Châu chịu tang mẹ. Phương giật mình nhìn nhận lại bản thân: “Mình cảm thấy may mắn vì còn cha, mẹ nhưng có lẽ bản thân đã quá vô tâm. 2 năm qua, mình ít khi chủ động gọi về nhà. Lúc nào cũng là mẹ gọi lên hỏi thăm”, Phương nói.

Chuyên gia tâm lý Đặng Hoàng An, cựu giảng viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Dù bận trăm công nghìn việc hay là ông này bà nọ, thành công đến đâu thì người trẻ cũng đừng quên điểm tựa của mình là cha, mẹ. Đừng quên rằng mình là niềm vui, hy vọng của cha, mẹ ở quê nhà. Mỗi người con cần sống tỉnh thức hơn, hiểu rằng cha, mẹ rồi sẽ già đi, chẳng ai biết được khoảnh khắc ly biệt sẽ tìm đến lúc nào. Vì vậy, hãy trân trọng khoảng thời gian khi còn cha, mẹ ở trên đời”.

Muốn nói lời yêu thương cũng chẳng còn cơ hội...- Ảnh 2.

Dù thành hay bại, chỉ có gia đình mới là nơi sẵn sàng vô điều kiện đón ta trở về. NVCC

Chuyên gia tâm lý Đặng Hoàng An cho biết nhiều người trẻ dễ bày tỏ tình cảm, nói lời yêu thương với người ngoài, nhưng lại ngại ngùng thể hiện với cha, mẹ. Ông An khuyên người trẻ hãy tập thể hiện tình cảm qua lời nói hoặc hành động. Thường xuyên gọi điện hỏi thăm và thông báo tình hình, vì đó là điều cha, mẹ luôn mong đợi. Có thể tạo nhóm gia đình trên mạng xã hội để trò chuyện, gửi những món quà chăm sóc sức khỏe về nhà…

“Bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần sự vun đắp từ 2 phía, đừng vì cha, mẹ thường xuyên gọi điện mà thờ ơ, xem đó là chuyện hiển nhiên. Đừng cảm thấy phiền mà hãy nghĩ rằng bản thân may mắn vì được cha, mẹ quan tâm. Tôi cũng từng gặp biến cố lớn trong cuộc sống và gia đình đã trở thành điểm tựa giúp vượt qua. Dù thành hay bại, chỉ có gia đình mới là nơi sẵn sàng vô điều kiện đón ta trở về”, ông An nói.

Theo TN