Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Năm 2011, trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, ngành LĐTB&XH có đóng góp rất quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước trên các lĩnh vực an sinh xã hội, dạy nghề, giảm nghèo, chăm sóc bảo vệ người có công…, góp phần tạo môi trường xã hội ổn định, giữ vững niềm tin cho dân.
![]() Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội nghị ngành Lao động Thương binh & Xã hội ( Ảnh: Internet) |
Phó Thủ tướng vui mừng trước những kết quả ngành LĐTB&XH đạt được trong năm 2011: Tập trung giải quyết việc làm cho hơn 1,5 triệu người, trong đó có hơn 88 nghìn người tham gia xuất khẩu lao động (đạt 101,15% kế hoạch, tăng 2,9% so với thực hiện năm 2010, riêng thị trường Đài Loan tăng 36,8%, Nhật Bản tăng 42,3% và Hàn Quốc tăng 73,8%). Các hoạt động khác như vệ sinh lao động, dạy nghề, giảm nghèo (tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 12,2%, giảm 2% so với năm 2010, riêng các huyện nghèo giảm 4%); số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng đông; việc chăm sóc người có công, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, thực hiện bình đẳng giới, chống tệ nạn xã hội, hợp tác quốc tế đạt kết quả tích cực...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2011 là năm đầu triển khai Chương trình “Dạy nghề cho lao động nông thôn” với yêu cầu là căn bản hoàn thành các văn bản chỉ đạo thực hiện. Đến nay, các địa phương đã đề ra được chương trình, đề án triển khai, xây dựng các điển hình dạy nghề cho lao động nông thôn; 53/63 tỉnh, thành phố có văn bản triển khai “Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn” trong 10 năm tới…
Nói về những mặt hạn chế trong hoạt động của ngành năm 2011, Phó Thủ tướng cho rằng cần thảo luận thêm về vấn đề đình công, đề ra giải pháp ngăn ngừa vấn đề này ngay từ đầu năm 2012; giám sát việc tuyển dụng, cấp và gia hạn giấy phép lao động, quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam; phát huy đồng bộ các nhân tố tạo việc làm gắn với giảm nghèo; hoàn thiện chế độ báo cáo của các Sở LĐTB&XH…
Phó Thủ tướng nhắc nhở Bộ LĐTX&XH cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, trước mắt là Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Pháp lệnh về ưu đãi người có công; tiếp tục hoàn thiện và lấy ý kiến về Đề án “Cải cách tiền lương” trong giai đoạn tới. Phó Thủ tướng gợi ý nên có trang trao đổi chuyên đề xung quanh vấn đề quy chuẩn hóa công tác quản lý của ngành, để có được những báo cáo và cách xử lý đồng bộ… Các sở LĐTB&XH các địa phương cần thúc đẩy việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển nhân lực 2011-2020”...
Phó Thủ tướng cũng cho rằng để đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, nhằm đạt kết quả cao và bền vững phải có các yếu tố cần thiết như: Địa phương cần sớm có quy hoạch kinh tế, xã hội, quy hoạch nhân lực, có sự tham gia của các doanh nghiệp; xây dựng đơn vị làm nhiệm vụ dự báo nhu cầu cung ứng lao động. Các Trung tâm giới thiệu việc làm, Trung tâm dạy nghề, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm... và các đơn vị tài chính khác, như ngân hàng chính sách cần tham gia dự báo nhu cầu cung ứng lao động. Bộ LĐTB&XH có thể giao các trường Đại học Lao động Xã hội và Đại học Kinh tế quốc dân nghiên cứu về việc phối hợp giữa các ngành, hỗ trợ các địa phương giải quyết vấn đề này. Phó Thủ tướng đề nghị trong tháng 3 tổ chức một hội nghị thảo luận chuyên đề về vấn đề đình công.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tích cực chuẩn bị các hội nghị thảo luận chuyên đề về đánh giá tình hình người lao động nước ngoài tại Việt Nam vào quý II và về gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam vào tháng 2 tới. Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ LĐTB&XH cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại việc hoàn thành 15 nghĩa trang liệt sỹ ở biên giới, mỗi nghĩa trang có một trường phổ thông nhận chăm sóc. Cũng trong tháng 3 cần tổ chức hội nghị chuyên đề về quy tập nghĩa trang liệt sỹ gắn với kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ…
Theo Tầm Nhìn