Nét quê ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp

(CTG) Lễ tưởng niệm ngày mất hai vị Anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều là một trong hai kỳ lễ hội hằng năm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).

Năm nay, lễ tưởng niệm 157 năm Ngày mất Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều được tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn ra từ ngày 26-28/12 (nhằm ngày 14-16/11 Âm lịch).

Lễ hội Gò Tháp là kỳ lễ hội lớn ở Đồng Tháp, cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi kỳ lễ hội chỉ diễn ra trong ba ngày nhưng có đến hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn lượt khách thập phương tìm đến đền viếng, thắp hương, tưởng nhớ, tri ân hai vị Anh hùng dân tộc.

Nét quê ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp ảnh 1
Biểu diễn tiết mục đờn ca tài tử tại Khu di tích Gò Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Theo Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vào những năm 1864-1866, khởi nghĩa của Thiên hộ Võ Duy Dương ở Đồng Tháp Mười nổi lên như là ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của nhân dân ta ở Nam Bộ.

Đại bản doanh Gò Tháp đã trở thành một điểm sáng trong bức tranh lịch sử chống thực dân Pháp nửa cuối thế kỷ 19. Dưới sự lãnh đạo của Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, nhân dân Đồng Tháp Mười đã nêu cao truyền thống kiên trung bất khuất, chống giặc giữ nước của người dân Nam Bộ tiếp nối tinh thần chống ngoại xâm của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.

Để tỏ lòng tôn kính và khâm phục trước sự hy sinh của hai vị Anh hùng dân tộc, nhân dân vùng Gò Tháp đã lập đền thờ tưởng nhớ. Từ đây, tín ngưỡng thờ hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều ở Gò Tháp đã hình thành và lan tỏa ra khắp vùng Đồng Tháp Mười, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa-xã hội của cư dân vùng này.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng này vẫn sống trong lòng người dân, không ngừng mở rộng lan tỏa vào đời sống nhân dân Nam Bộ. Đã từ rất lâu, ngày tưởng niệm hai vị Anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Gò Tháp đã trở thành lễ hội truyền thống, có sức lan tỏa ngày càng rộng.

Những ngày này, người đi hội từ khắp nơi tìm về Gò Tháp để tưởng nhớ công ơn hai vị Anh hùng của dân tộc.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, ngày đầu diễn ra lễ hội có hàng chục nghìn lượt người đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau đã viếng 2 vị và viếng các đền, chùa, miếu khác bên trong Khu di tích Gò Tháp. Nhiều phụ nữ, trẻ em mặc trang phục áo dài, áo bà ba thành kính dâng hương tưởng niệm Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.

Nét quê ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp ảnh 2

Sau khi tham quan Khu di tích Gò Tháp, người dân ngồi lại với nhau ăn uống, xem văn nghệ. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

 

Sau khi viếng 2 vị anh hùng, bà con nhân dân còn hòa vào không gian lễ hội. Do lễ hội năm nay không phải là năm chẵn nên phần hội không nhiều hoạt động nhưng cũng đủ gợi cho mỗi người một nét quê chân chất, sự chan hòa giữa con người với thiên nhiên trong những ngày se lạnh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp.

Nét quê ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp ảnh 3
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại một tiểu cảnh góc quê ở Gò Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Các tiểu cảnh đậm chất quê được dựng lên, chợ quê Gò Tháp, không gian văn hóa làng nghề, rồi không gian đờn ca tài tử, khu vực trò chơi dân gian… đều thu hút rất đông các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhiều người cao tuổi, trẻ em cũng tìm đến tham gia sinh hoạt thể hiện rõ sự thích thú trước nhiều hoạt động vừa vui tươi, vừa gợi nhiều cảm xúc.

Nét quê ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp ảnh 4
Khách thập phương tham gia trò chơi dân gian. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, Lễ hội Gò Tháp hằng năm là dịp giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ.

Đây cũng là hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đồng thời, lễ hội giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, tiềm năng du lịch của Đồng Tháp, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nét quê ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp ảnh 5
Một gian hàng ốc gác bếp, món ăn đặc sản của vùng đất Đồng Tháp tại Chợ quê Gò Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Lễ hội Gò Tháp tạo ra được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và du khách thập phương. Từ đây, lễ hội ngày một lan tỏa những giá trị tâm linh, đạo đức, văn hóa, lịch sử truyền thống của vùng đất sen hồng Đồng Tháp.

Nét quê ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp ảnh 6
Quán bán nước đá bào gợi nhớ ký ức tuổi thơ. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Theo Nhân Dân