Tại đây, các ưu thế của nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn hầu hết quốc gia ở châu Á mà không phải là bản sao của Trung Quốc; Dần bay lên khỏi nông nghiệp nhưng lại dẫn đầu về xuất khẩu tiêu, điều, lúa, cà phê; Việt Nam là cục nam châm hút FDI, Thế hệ trẻ đam mê công nghệ, Nguồn outsource và dịch vụ từ xa hàng đầu... đều được liệt kê như những ấn tượng đáng ngạc nhiên.
Hơn thế, tác giả còn đặt niềm tiên vào sự thăng tiến của Việt Nam trên bình diện toàn cầu trong thời gian tới mà mục đích hiện hữu hướng đến là: Con rồng Châu Á.
Những thông tin trên, nhìn chung được nhìn nhận dưới chiều hướng tích cực, thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ và sự khẳng định vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu và phân tích thấu đáo, điều dễ nhận thấy là có ít nhất vài ba điểm trong số đó thực sự mới chỉ làm cho thế giới "ngạc nhiên", chưa hẳn là sự thán phục.
Theo Foreign Policy, mật độ đường sá ở Việt Nam đạt 0,78 km/km2, cao hơn Thái Lan và Philippines, dù hai quốc gia này được đánh giá là phát triển hơn.
![]() |
Tuy nhiên, nhận xét chung chung mang và từ xa của Foreign Policy không che được một thực tế đáng báo động trong nội tại ngành giao thông Việt: tai nạn giao thông và số người chết vẫn ở mức rất cao. Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm cả nước có gần 12.000 người chết và 9.300 người bị thương do tai nạn giao thông. Và "Số người chết vì tai nạn giao thông một năm bằng 75%, số người bị thương bằng 156% số nạn nhân do thảm họa sóng thần xảy ra tại Nhật Bản hồi đầu năm 2011 ".
Bộ trưởng Bộ GTVT từng so sánh. Và người đứng đầu ngành giao thông vận tải thừa nhận: "Thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra đang là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn".
Bên cạnh đó, dù có nói gì đi nữa thì chính Việt Nam đang hàng này đối mặt với tình thiếu thốn và xuống cấp của hạ tầng giao thông. Những con đường bộ nham nhở và chật chội luôn ách tắc... khiến chi phí vận tải tăng cao. Rồi cảnh xuất khẩu đường biển thiếu, những cảng mới xây dựng chậm. Đường sắt lạc hậu và quá tải, đường không chậm phát triển...
Nguyên nhân thì nhiều nhưng thực tế cuối cùng là hạ tầng trở thành một rào cản phát triển, một yếu tố làm hạn chế khả năng cạnh tranh của Việt Nam khi không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của xã hội!
Cũng theo Foreign Policy, một ngạc nhiên khác là tốc độ tăng trưởng tín dụng cao: khoảng 33%/năm trong thập kỷ qua, nhanh hơn bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào.
Dù điều này có thể coi là bằng chứng của một nền kinh tế năng động, điều đáng lo là những khoản vay không được sử dụng đúng cách có thể tạo ra bất ổn và buộc chính phủ phải can thiệp.
Trên thực tế, thanh khoản dường như đã trở thành bệnh mãn tính đối với hệ thống ngân hàng Việt. Nguyên nhân chính là vì tăng trưởng tín dụng mấy năm gần đây quá nóng (trên 30% năm, trừ 2011). Nhiều nhà băng cho vay cao hơn nhiều so với nguồn vốn huy động, rồi sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, thậm chí cho vay những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...
Vấn đề đã trở nên nóng bỏng đến mức NHNN mới đây đã phải giao chỉ tiêu tín dụng theo "sức khỏe" của từng TCTD (Chỉ thị 01) để góp phần "triệt tiêu" tận gốc tăng trưởng tín dụng nóng dẫn đến căng thẳng thanh khoản hiện nay.
Đặc biệt, tạp chí trên cho rằng Việt Nam gây ngạc nhiên lớn là dù đang thoát khỏi khu vực nông nghiệp với tốc độ rất nhanh nhưng chúng ta vẫn là một quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản hạt tiêu, gạo, cà phê và hạt điều.
Việt Nam đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu tiêu với sản lượng 116.000 tấn trong năm 2010 và 4 năm liên tiếp dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu điều., thứ 5 về sản lượng trà và thứ 6 về hải sản. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về sản lượng gạo chỉ sau Thái Lan.
Tuy nhiên, có một thực tế mà nếu được công bố thì thế giới cũng sẽ ngạc nhiên không kém là: tuy vẫn là quốc gia nghèo và phải góp nhặt từng đồng từ xuất khẩu nông sản như đã dẫn nhưng Việt Nam cũng là địa chỉ ưa thích của hàng xa xỉ nhập khẩu.
Theo ước tính, năm 2011 dù đã khống chế được nhập siêu nhưng chúng ta lại không kiềm chế được con ngựa bất kham là hang xa xỉ: con số 10 và 14 tỉ USD hàng xa xỉ nhập khẩu trong lần lượt 2 năm 2010 và 2011 vừa qua là một minh chứng. Chỉ tính riêng 2 mặt hàng ô tô và điện thoại di động nhập khẩu năm 2011, số ngoại tệ phải bỏ ra đã để nhập 2 nhóm mặt hàng này lên tới 3,3 tỉ USD. Đấy là còn chưa tính đến các mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá, mỹ phẩm...
Vẫn biết việc nhập những mặt hàng chúng ta chưa sản xuất được cũng là điều bình thường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng lien thong với thị trường toàn cầu.
Tuy vậy, thử làm 1 so sánh nhỏ: cũng trong cả năm 2011, Việt Nam xuất khẩu được 7 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4 tỷ USD. Như vậy, việc hàng chục triệu người nông dân phải một nắng hai sương quanh năm vất vả làm ra hạt gạo xuất khẩu cũng chỉ đủ bù cho một bộ phận không nhỏ trong xã hội "chơi" ô tô, điện thoại di động xa xỉ là một điều không bình thường chút nào.
Và danh sách những sự kiện gây ngạc nhiên của tạp chí danh tiếng kia có thể dài thêm chút ít...
Foreign Policy với những thống kê độc đáo và thú vị về Việt Nam đã thực sự gây ngạc nhiên cho thế giới... Tuy nhiên sẽ là tốt hơn nếu sau ngạc nhiên sẽ là sự thán phục, chứ không phải là sự nghi ngờ...