Dự chương trình có anh Nguyễn Kim Quy - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; ông Trịnh Văn Hào – Giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long, cùng 68 giáo viên được tuyên dương trong chương trình.
Anh Nguyễn Kim Quy và ông Trịnh Văn Hào chủ trì tọa đàm. Ảnh: Xuân Tùng |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, anh Nguyễn Kim Quy cho biết: Tọa đàm "Chia sẻ cùng thầy cô" nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022. Ban Tổ chức mong muốn các đại biểu thầy cô giáo tiêu biểu tham gia chương trình có cơ hội được giao lưu, học hỏi với các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hàng đầu trong ngành giáo dục; chia sẻ với đại diện Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT và đại diện T.Ư Hội LHTN Việt Nam về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, về những khó khăn trong quá trình dạy và học tại địa phương và về những kỷ niệm không thể nào quên về tình thầy trò của các đại biểu trên hành trình “trồng người”.
Ban tổ chức cũng mong muốn lan tỏa hơn nữa câu chuyện của các thầy, các cô về sự yêu thương, chân thành, nỗ lực dìu dắt, cảm hóa những học trò trên con đường chinh phục tri thức và hoàn thiện nhân cách.
"Đây sẽ là sự khơi gợi mạnh mẽ để các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh tiếp tục phát huy truyền thống Tôn sư trọng đạo, thể hiện những hành động thiết thực để tri ân thầy cô giáo, sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện để không phụ công những người lái đò thầm lặng", anh Quy nói.
Giúp học trò nhận thức
Trao đổi tại tọa đàm, có GS.TS Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Ủy viên hội đồng Giáo sư Nhà nước; Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam; PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục – Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Các thầy cô giáo tại tọa đàm đã nghe chia sẻ, trao đổi về đạo nghĩa thầy trò suốt chiều dài lịch sử nước Việt; kinh nghiệm về sợi dây bền chặt nhất kết nối tình nghĩa thầy – trò với những học sinh “có cá tính khác biệt”; quan điểm giáo dục tâm lý, làm thế nào để gìn giữ truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong thời đại mới.
GS.TS Vũ Minh Giang trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: Dương Triều |
GS.TS Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang chia sẻ, tình thầy trò thiêng liêng nhưng bây giờ lại có hiện tượng khiến chúng ta đau lòng bởi có những người “thầy không ra thầy”, quên sứ mệnh của mình, chạy theo vật chất. Học trò cũng có những “trò không ra trò”, đó là những “lỗ hổng” trong giáo dục.
Theo ông Giang, “Tiên học lễ, hậu học văn”, dạy làm người và dạy chữ chính là hai chức năng lớn. Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần cho sự phát triển mà tinh hoa của nền văn hoá quốc gia chính là giáo dục, đào tạo. Do đó, chúng ta có thể đi học khắp thế giới nhưng cuối cùng cái quan trọng nhất vẫn là đứng trên đôi chân của mình.
“Tôi mong muốn, chúng ta phải giúp học trò nhận thức chính mình, đánh giá đúng mình, tự tin, biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế, thì Việt Nam mới có thể hùng cường, ông Giang nói.
NGƯT, TS. Nguyễn Tùng Lâm trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: Dương Triều |
Giáo viên giỏi sẽ cảm hóa được học sinh
NGƯT, TS. Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ, nghề giáo là nghề cao quý tạo ra năng lực, nhân cách và cả tương lai cho học trò. Nếu có giáo viên giỏi sẽ cảm hoá được học sinh. Nghề giáo không có thắng và thua, chỉ có niềm tự hào và nỗi ân hận.
Theo ông Lâm, nhân cách không chỉ được hình thành bởi những gì nghe và nói mà chủ yếu phải được hình thành từ sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân. Thầy cô phải khách quan việc nhìn nhận đánh giá thiếu sót của học sinh, giúp học sinh thấy rõ những cái lợi cái hại để học sinh tự lựa chọn cách ứng xử sao cho hợp chuẩn mực chung xã hội.
Tại chương trình, nhiều ý kiến quan tâm đến việc tạo giờ học không áp lực; vấn đề thái độ, cách tiếp cận chia sẻ, giáo dục với học sinh về vấn đề tình yêu đồng giới, học sinh cá biệt, có hành động thiếu thân thiện...
PGS.TS Trần Thành Nam trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Xuân Tùng |
Trao đổi về việc ứng xử với học sinh có vấn đề hành vi, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: Đằng sau những hành vi thiếu thân thiện của học sinh là sự căng thẳng, tâm trạng bất an; mong muốn thu hút sự chú ý của người khác để muốn bày tỏ "tôi đang có vấn đề". Do đó, giáo viên cần tìm hiểu động cơ, nguyên nhân của những hành vi cá biệt, thiếu thân thiện đó của học sinh và giúp học sinh thay đổi.
"Với những học sinh cá biệt, có hành vi thiếu thân thiện, tôi mong các thầy cô nhìn thấy nguyên nhân, động cơ tâm lý để chúng ta có cơ hội thay đổi cá nhân đó", ông Nam nói.
Theo TPO