Nghỉ dài vì COVID-19, thêm cơ hội nghiên cứu hướng nghiệp

Hiện là khoảng thời gian các sĩ tử cuối cấp khắp nơi chọn ngành, trường học. Kỳ nghỉ dài ngoài dự kiến vì dịch COVID-19 là khoảng thời gian để các bạn trẻ suy nghĩ thấu đáo hơn về câu chuyện trên.

Nghỉ dài vì COVID-19, thêm cơ hội nghiên cứu hướng nghiệp - Ảnh 1.

D.Duy (thứ ba từ phải sang, chụp cùng các sinh viên Việt tại ĐH Sydney, Úc) hiện rất hạnh phúc với lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với đam mê bản thân - Ảnh: D.NGUYỄN.

"Do lớp của tôi đều là những bạn học tốt, thầy cô, gia đình đều kỳ vọng chúng tôi đậu vào các ngôi trường, ngành thời thượng. Tôi nhớ mãi lần nói ra ý định học ngành hướng dẫn viên, cha tôi trố mắt nhìn kiểu "chắc con học nhiều quá" và từ chối thẳng" - Q.Dũng (cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) nói.

Nỗi lòng người trẻ

12 năm liền học sinh giỏi, đạt nhiều thành tích các cấp, Q.Dũng cho biết tưởng chừng điều đó đồng nghĩa với nhiều lựa chọn khi thi đại học nhưng hóa ra ngược lại! Không học đúng ngành phù hợp với tính cách, bạn hiện làm một nhân viên "làng nhàng" sau bao năm dù năng lực của bạn là điều khó ai phủ nhận.

Ngược lại với Q.Dũng, bạn D.Duy (nghiên cứu sinh tại ĐH Sydney, Úc) không gặp áp lực từ gia đình nhưng bạn vẫn trĩu lòng thời điểm thi rớt Đại học Y Hà Nội năm nào, phải theo lựa chọn kế tiếp là thủy lợi. "Một người bạn thậm chí từng nói tôi chính là người kéo điểm thi của cả lớp xuống, từ đó tôi ngại gặp lại bạn bè ở ngôi trường chuyên cũ. Mẹ tôi từng rất thắc mắc vì sao ngày họp lớp tôi không dự mà lủi thủi ở nhà" - D.Duy nhớ lại kỷ niệm buồn.

Dẫu vậy, D.Duy cho biết điều tưởng chừng là thất bại năm nào hóa ra lại là sự may mắn đáng kể. Theo đuổi lĩnh vực thủy lợi, bạn càng học càng đam mê và liên tục đạt được nhiều học bổng, thành tựu chuyên môn trong và ngoài nước.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như D.Duy. Bạn N.Thúy (25 tuổi, nhân viên truyền thông) cho biết bản thân từng rơi vào trạng thái trầm cảm thời gian dài vì phải học theo chuyên ngành kinh tế mà chính bản thân bạn từng chọn.

Câu hỏi được đặt ra là "Vậy làm sao để xác định được ngành phù hợp với năng lực lẫn đam mê?".

Hiểu chính mình để chọn đúng nghề

Có thâm niên 10 năm tham vấn, trị liệu tâm lý tại Pháp lẫn Việt Nam, chuyên gia Trần Thị Hồng Nhi (thạc sĩ tâm lý học lâm sàng và tâm bệnh học ĐH de Bretagne Occidentale, Pháp) nhận định: "Theo thời gian, tình trạng "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" chuyển biến tích cực, các phụ huynh đã có tư tưởng cấp tiến, biết lắng nghe hơn. 

Nhưng số lượng quyết định sai lầm vẫn còn nhiều. Tôi từng rất xót xa khi thấy không ít khách hàng của mình do bị hướng nghiệp không đúng cách dẫn đến trầm cảm, lo âu, mâu thuẫn gia đình, tự ti... và chấp nhận cuộc sống làng nhàng, vô định thay vì hướng đến những mục tiêu cao hơn, hoàn toàn phù hợp với năng lực nếu được chọn đúng con đường" - ThS Hồng Nhi nhớ lại.

Theo ThS Hồng Nhi, bức tranh đáng buồn trên thường đến từ ba lý do chính: các bạn trẻ do non trải nghiệm sống dẫn đến không hiểu ngành - nghề, không hiểu mình lẫn thị trường lao động; phụ huynh không hiểu con, không biết giúp con thế nào và không có thông tin cần thiết; các trung tâm tư vấn đào tạo không có công cụ khoa học để hiểu về bạn trẻ.

Còn theo nghiên cứu sinh (NCS) ngành tâm lý học Quang Thục Hảo (ĐH New South Wales, Úc), chọn nghề là một trong số những lựa chọn quan trọng nhất trong cuộc sống mỗi người, bởi vì công việc là thứ chúng ta làm mỗi ngày và gắn bó một khoảng thời gian rất dài đến khi nghỉ hưu.

Theo NCS Thục Hảo, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người học cảm thấy mệt mỏi hơn, người lao động cảm thấy trầy trật hơn khi làm việc nếu họ không yêu thích ngành nghề của mình. Từ đó, việc học tập và làm việc trở thành một gánh nặng dai dẳng ở họ trong khi hiệu quả công việc lại thấp, dẫn đến mức độ thành công trong sự nghiệp cũng thấp hơn mong đợi.

"Chưa kể các nguy cơ về sức khỏe tâm thần đã được chứng minh là có liên quan đến quyết định chọn nghề của giới trẻ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần của việc thiếu đi sự thỏa mãn trong công việc còn nghiêm trọng hơn so với khi bị thất nghiệp, cụ thể là các nguy cơ về tình trạng căng thẳng, bị kiệt quệ về thể chất và tinh thần (burnout) hoặc trầm cảm" - NCS Thục Hảo phân tích.

Do đây không phải là câu chuyện của riêng giới trẻ Việt, chuyên gia Hồng Nhi cho biết việc tìm ra giải pháp để hạn chế vấn đề trên là trăn trở của các nhà khoa học khắp nơi. Hiện tại Pháp, chị Hồng Nhi và một số cộng sự người Pháp đang thực hiện dự án có tên FutureCatch.

“Chúng tôi hi vọng sẽ sớm đưa “đứa con tinh thần” trên về VN để không còn nhiều tiếng thở dài đầy tiếc nuối từ các bạn trẻ trong nước nữa.

ThS HỒNG NHI

"FutureCatch sẽ giúp giải quyết một cách khoa học các vấn đề liên quan ba vấn đề chính mà tôi đã đề cập (học sinh, phụ huynh và các trung tâm). Dự án có các điểm nhấn gồm: báo cáo hoàn toàn cá nhân hóa (cho biết độ tương thích ngành nghề trong danh mục 400 nghề) và công cụ trực tuyến dễ tiếp cận. 

Cha mẹ có thể cùng con làm trắc nghiệm để kết quả khách quan hơn. Và quan trọng nhất đây là sản phẩm chúng tôi thiết kế riêng cho từng thị trường chứ không phải dịch lại từ các khảo sát, trắc nghiệm nước ngoài như nhiều sản phẩm trên thị trường" - ThS Hồng Nhi chia sẻ.

Vấn đề liên quan đến hướng nghiệp

Việc hướng nghiệp cần được thực hiện kỹ lưỡng từ giai đoạn phổ thông. Bản thân các bạn trẻ thường không thể tự hướng nghiệp chính xác mà cần có sự hỗ trợ của nhiều bên.

Một số sai lầm cần tránh:

Chọn nghề theo thị hiếu; bị ảnh hưởng và làm theo ý kiến của cha mẹ; chọn những nghề nghiệp không phù hợp với tố chất, sở trường của cá nhân (ví dụ: thích phiêu lưu mạo hiểm, không kiên nhẫn nhưng học ngành kế toán...).

Hiểu sai về nghề (ví dụ: vẽ giỏi thì có thể làm kiến trúc sư, nói năng lưu loát thì làm luật sư, trong khi những nghề này còn cần có khả năng lập luận, tư duy sáng tạo...).

Chị Nguyễn Thanh Hương (giám đốc nhân sự toàn quốc Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam)

Nguồn TTO

T.LN2