Đò dừng ở bến Trò. Để vào chùa Thiên Trù, tôi phải đi qua khoảng năm mươi cửa hàng ăn uống bày những con vật bốn chân thui nguyên con, mổ banh bụng, răng trắng ởn; một trăm cửa hàng bán bánh kẹo và đồ chơi nhựa Trung Quốc đồng giá 39 nghìn và khoảng từng ấy cửa hàng bán cau trầu vàng mã ngay bậc thang trước cửa chùa.
Bánh kẹo hoa quả, thịt xôi đã ngồn ngộn các ban thờ khi tôi bước vào chính điện. Người nối người cầm tiền lẻ hối hả nhét vào bất cứ nơi nào có tượng Phật và đợi ghi phiếu công đức tại các bàn. Một anh thanh niên lại gần hất hàm bảo tôi "Đổi tiền lẻ đi, 10 lấy 7". Tôi lắc đầu.
Hành trình đi tìm bình yên năm mới của tôi gián đoạn. Tôi trở ra ngay, bắt xe buýt về nhà. Ở chùa Hương không tồn tại thứ thanh tịnh tôi muốn tìm.
Hôm sau, tôi đi Yên Tử - đệ tứ phúc địa của Giao Châu xưa, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành những năm cuối đời.
Chín giờ sáng, khoảng hai mươi xe du lịch 30, 45 chỗ đã đậu đầy sân trước chùa Trình. Ở sân trong, ngay lối vào, một vị trọc đầu khoác áo cà sa đang đứng thuyết giảng. Đám người trong sân vây tròn xung quanh thành kính nghe như nuốt từng con chữ. "Trên đời tồn tại ba loại tài. Ngoại tài là tiền bạc qua túi mình một đời một kiếp. Nội tài là chồng con, đất đai, điền sản trâu bò. Còn đây là mật tài". Vị này chỉ vào túi vải màu đỏ có dây thắt miệng, khẳng định là thứ không ai có, chỉ có ngài biết niệm chú thiêng, nên cầu gì là được nấy.
Đoàn người răm rắp lấy bút viết điều ước vào dải lụa treo lên cây ngọc lan trong sân chùa. Họ quay trở lại đút tiền công đức vào hòm, đút thêm tiền "mừng tuổi" cho ông vào cái hộp kính trước mặt, sau đó sẽ được ông đưa cho túi mật tài "vạn sự như ý".
Những cây ngọc lan sân chùa Trình hôm ấy phấp phới hàng ngàn dải lụa đỏ rực, trong đó nhìn thấy cả những ước nguyện tiền bạc, lô đề.
Thấy tôi rút điện thoại ra quay phim, ông hô hoán người đến lục soát điện thoại tôi vì tội danh "ăn cắp bí quyết mật tài". Vị này bắt tôi xóa hết những thước hình tôi vừa ghi lại. Tôi từ chối. Đám người xung quanh đã bắt đầu lao xao. Ông giơ ngón trỏ chỉ ra phía cổng chùa: "Chốn linh thiêng không dung nạp thứ nặng nghiệp như cô".
Tôi cũng không muốn ở lại nữa. Tôi thấy không cần thiết phải leo thêm mấy nghìn bậc đá lên Yên Tử tìm bình yên nữa.
Tôi tìm thấy bình yên ở ngôi chùa thứ 3: chùa Thanh Mai, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi an lạc của Đệ nhị Tổ sư Thiền Phái Trúc Lâm, thiền sư Pháp Loa.
Thanh Mai lọt thỏm giữa cánh rừng phong, không có cờ ngũ sắc phấp phới hai bên đường, cũng không có biển chỉ dẫn hoành tráng ngay từ đường quốc lộ. Len lỏi qua nhiều ngóc ngách của con đường làng không bóng người, cánh cổng chào của ngôi chùa 700 năm hiện ra: hai thanh sắt đã tróc sơn, điểm vài lá cờ đã không trông rõ màu, rung rinh trước gió.
Con đường hai cây số dẫn lên chùa chỉ vừa đủ cho hai xe máy tránh nhau, mặt đường đã lở ra thành từng mảng. Hai bên, cây rừng phủ kín lối. Tôi về số cho chiếc xe Cub, thận trọng vượt qua cung đường khó đi, nhưng lòng nhẹ nhàng.
Ngôi chùa cổ trên đỉnh núi như viên ngọc nằm lạc trong bụi rậm. Mộ phần của thiền sư Pháp Loa ở phía sau nhà tổ, phủ đầy rêu, lặng lẽ tựa vào chân núi. Không khí yên tĩnh đến mức từng chiếc lá cọ vào nhau cũng hóa ồn ào. Đàn chó lông vàng nằm duỗi dài trước sân gạch, mắt lim dim, thấy người lạ chỉ vẫy đuôi, nhưng không ngẩng dầu đậy. Các ban thờ không bày đồ cúng. Bàn tay các tượng Phật không có tờ tiền lẻ nào nhét vòng quanh. Ngôi chùa mỗi năm đón chưa đến hai nghìn khách.
Ở đó, tôi nhận ra, đường lên chùa càng khó, thì chùa càng giống chùa. Thanh Mai giống với một ngôi chùa trong tưởng tượng, ngôi chùa định ước của người Việt: đó là nơi tôn nghiêm, cổ kính, tĩnh lặng và là nơi người ta có thể tìm thấy bình yên trong tâm mình. Và hình như tất cả những tính chất ấy chỉ cần một điều kiện, là ít khách viếng thăm.
Mỗi hạ tầng sinh ra với một chức năng mặc định: chúng ta đi chợ để mua bán, mặc cả, vào ngân hàng để giao dịch tài chính, vào nhà hàng để ăn nhậu, đi quán karaoke để hát hò và đến chùa để lễ Phật, đơn giản như bài tập ghép từ của học sinh lớp một. Nhưng chưa ai nói tôi biết, khi đứng trước một nơi tập hợp tất cả những chức năng này, và có gắn biển chùa, thì tôi nên gọi nó là gì, và phải hành xử ra sao cho đúng. Và ở Việt Nam, càng ngày, lại càng sinh ra nhiều nữa nhưng nơi "giông giống chùa" như thế.
Lỗi thuộc về những người quản lý quần thể di tích, khi dung túng cho những dị hình phiên bản cầy hương nguyên con hay xin mật tài trúng lô đề, và vô số những trò mê tín dị đoan với mục đích cuối cùng là kiếm tiền.
Nhưng lỗi còn thuộc về chính các tín đồ, những người đi lễ chùa và trực tiếp nuôi nấng cho những dị hình ấy nở hoa và phát đạt. Xét cho cùng, cái chùa không còn giống chùa không phải vì bản thân nó, mà do người đặt chân đến.
Không phải ngẫu nhiên, chùa là điểm đến đầu tiên của mỗi gia đình Việt trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt có câu "đất vua, chùa làng", vì ngôi chùa là bộ mặt của cộng đồng, làng xã. Nếu như chùa được tạo ra, bởi chính cộng đồng những người hưởng thụ, thì phải chăng cái tôi nhìn thấy ở chùa Hương và chùa Trình mới chính là biểu hiện đúng đắn của "chùa Việt" trong thời đại mới này?
Phải chăng xã hội Việt Nam ngày nay phù hợp và xứng đáng với không khí "giông giống chùa" ấy? Và cái tĩnh tại tôi thấy ở chùa Thanh Mai bây giờ mới chính là sai thời đại và "lỗi mốt"? Ngôi chùa trong tiềm thức của người Việt, nơi người ta tìm thấy bình yên, phải chăng chỉ còn trong một tưởng tượng hoang đường? Vì chính cộng đồng người Việt hiện nay không cho cơ hội để cái ký ức đẹp đẽ ấy tồn tại.
Năm 2019, một con đường mới to đẹp, dễ đi hơn sẽ được tỉnh Hải Dương khởi công, thay thế cho lối lên chùa Thanh Mai hiện tại. Chính quyền xã hy vọng điều này sẽ lột xác bộ mặt du lịch địa phương.
Khi ấy, nguồn thu của Thanh Mai rất có thể sẽ sánh ngang chùa Hương và Yên Tử. Nhưng khi ấy, tôi không dám chắc, Thanh Mai có còn là chùa, hay cũng lại trở thành nơi không thể dung nạp thứ "nặng nghiệp" như tôi?
Thanh Lam - VnExpress