Long vị của vua Hàm Nghi được rước qua Ngọ Môn, Đại nội Huế sáng 12.7. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
135 năm đã qua, nhưng cuộc kháng chiến cứu nước của nhà vua Hàm Nghi và đại thần Tôn Thất Thuyết ngay tại kinh thành Huế là một trang sử bi tráng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Bây giờ, hàng năm, cứ tới ngày 23.5 âm lịch là toàn dân cố đô Huế tổ chức cúng giỗ để tưởng nhớ những người dân Huế và đoàn quân cứu nước của Vua Hàm Nghi hy sinh trong một trận chiến không có cơ hội giành chiến thắng.
Năm nay, cũng đúng vào ngày 13.7 (dương lịch) của 135 năm trước, sau khi rút khỏi kinh thành Huế, ra đến Quảng Trị, ngày 13.7.1885, vua Hàm Nghi đã ban chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu và nhân dân yêu nước đứng lên chống Pháp cứu nước.
Năm nay, âm lịch và dương lịch đã gặp nhau trong cùng hai sự kiện ở ngày 13.7: kỷ niệm cuộc thất thủ kinh thành Huế và Chiếu Cần Vương từ Quảng Trị của Vua Hàm Nghi. Đó là một điều rất đặc biệt.
Hàng năm, người dân Huế giỗ “Thất thủ Kinh đô” trong vòng 7 ngày, từ 23.5 âm lịch tới 30.5 âm lịch. Suốt một tuần lễ ấy, mọi ngôi nhà ở Huế tùy theo gia chủ chọn ngày, đều tổ chức cúng giỗ rất trang trọng và đầy ý nghĩa.
Người Huế gọi lễ giỗ này là “cúng âm hồn”, để tưởng nhớ cả thường dân đã bỏ mạng và liệt sĩ đã hy sinh trong ngày “ Thất thủ Kinh đô” đầy đau đớn. Đây là lễ giỗ mang tính cộng đồng lớn nhất nước ta, và mỗi đêm trong tuần giỗ này, hương nhang thắp cháy lập lòe trên các con phố, trong từng ngõ nhỏ.
Tôi chợt nhớ một câu thơ mình đã viết từ lâu lắm: “ Có những chiến bại cao hơn chiến thắng”. Đúng như thế. Quân thực dân Pháp xâm lược đã tạm thắng trong ngày “Thất thủ Kinh đô” , và những người Việt yêu nước dưới sự lãnh đạo của Vua Hàm Nghi đã tạm thời thất bại trong trân chiến này.
Nhưng như một ngạn ngữ phương Tây “ Ai sẽ là người cười sau cùng” mới là điều quyết định. 60 năm sau ngày “Thất thủ Kinh đô” năm 1885, cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 long trời lở đất đã diễn ra trên toàn cõi Việt Nam, trong đó có Kinh thành Huế.
Dân tộc Việt Nam đã đứng lên giành Độc lập thành công. “Món nợ âm hồn” với quân xâm lược Pháp đã được trả sòng phẳng. Dù sau đó là 9 năm kháng chiến chống Pháp để đi tới chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng chấm dứt chiến tranh, nhưng người dân Huế không bao giờ nguôi quên mỗi năm tới ngày kỷ niệm “Thất thủ Kinh đô”. Lòng yêu nước của người Việt Nam sâu sắc đến tận cùng là như vậy.
Còn nhớ, ngay khi Chiếu Cần Vương cứu nước của Vua Hàm Nghi phát ra từ Quảng Trị, những người yêu nước Quảng Ngãi dưới sự lãnh đạo của cử nhân Lê Trung Đình, cùng Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Bá Loan và cộng sự, đã thành lập các đội “đoàn kiệt” gồm những người dân yêu nước chống Pháp, và giương cao cờ Cần Vương khởi nghĩa từ căn cứ ở núi Tuyền Tung( thuộc Bình Sơn). Nghĩa quân đã kéo về đánh chiếm thành Quảng Ngãi, khiến bọn thực dân Pháp phải kinh hồn.
Dù sau đó, cuộc khởi nghĩa đã bị dìm trong biển máu do tên phản bội Nguyễn Thân đưa quân về đánh úp, nhưng hùng khí của những người yêu nước quê núi Ấn sông Trà đã thành ngọn lửa bất diệt mở đầu cho những phong trào cách mạng tại Quảng Ngãi.
Ngày Lê Trung Đình khởi binh cũng đúng vào ngày 13.7.1885 (nhằm ngày 1.6 năm Ất Dậu). Sự trùng hợp kỳ lạ của lòng yêu nước giữa vị Vua Hàm Nghi lẫm liệt của Kinh thành Huế và những nghĩa sĩ anh hùng của Quảng Ngãi khiến chúng ta vô cùng xúc động. Kỷ niệm ngày “Thất thủ Kinh đô” và “Chiếu Cần Vương cứu nước” năm nay, xin ôn lại vài câu chuyện cũ để cùng nhớ.
Lòng yêu nước của người Việt Nam là bất khả chiến bại, dù trước bất cứ quân thù xâm lược nào.
Theo TNO