Người gieo chữ tại điểm nóng ma túy

Trở lại xã Lóng Luông từng là điểm nóng ma túy, cô giáo Vân nhớ lại cảm giác sợ hãi khi vận động trẻ đến trường, chục năm trước.

Trở lại xã Lóng Luông từng là điểm nóng ma túy, cô giáo Vân nhớ lại cảm giác sợ hãi khi vận động trẻ đến trường, chục năm trước.

Đầu tháng 3, cô Lê Thị Vân, 38 tuổi, hiệu phó trường mầm non Song Khủa, xã Song Khủa, huyện Vân Hồ về thăm trường mầm non Lóng Luông, xã Lóng Luông, từng công tác từ năm 2008 đến 2016.

Thời ấy, ngay khi vừa tốt nghiệp đại học sư phạm, cô được phân công về Lóng Luông. Cô giáo trẻ phải đi bộ xuyên rừng, vượt dốc thẳng đứng, lưng đeo balo đựng giáo án, tay cầm túi cá khô, lạc rang mất hơn hai tiếng mới vào đến điểm bản Lũng Xá. "Tôi vào bản cùng quyết tâm đưa 100% trẻ đến trường. Nhưng thực tế khó khăn vô cùng", nữ giáo viên hồi tưởng.

Ngày ấy, các trường tại xã Lóng Luông chưa có phòng học kiên cố, cô trò ở nhà ghép gỗ, dựng trên nền đất ẩm thấp, không điện, không nước, không sóng điện thoại và không nhà vệ sinh. Ban ngày, các thầy cô tận dụng ánh sáng mặt trời để học, tối đến chỉ dùng đèn dầu thắp sáng. Đến giờ nghỉ, người mang can đi xách nước suối về ăn uống, sinh hoạt, người tranh thủ trồng rau xanh cải thiện bữa ăn toàn đồ khô.

Nhưng sợ nhất ngày mưa bão, gió lớn tốc mái nhà, đồ đạc bay tứ tung. Phòng học xiêu vẹo, nghiêng một bên, cô Vân cùng đồng nghiệp bế trẻ chạy sang nhà dân trú. Sau nhờ dân bản hỗ trợ dựng lại.

Cô giáo Lê Thị Vân về thăm trường mầm non Lóng Luông, xã Lóng Luông, sáng 7/3. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
 

Cô giáo Lê Thị Vân về thăm trường mầm non Lóng Luông, xã Lóng Luông, sáng 7/3. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Đi cắm bản, cô Vân mong gọi điện thoại về gia đình để giải khuây. Nhưng cả trường chỉ có một chỗ hứng sóng, thầy cô phải đóng cột gỗ, đặt điện thoại đúng vị trí. "Gọi về nhưng nghe câu được câu mất do sóng yếu. Muốn hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ cũng khó", nữ giáo viên kể.

Đến những năm 2010, Lóng Luông thành điểm nóng về ma túy, đặc biệt là ba bản Lũng Xá, Tà Dê và Co Tang. Nhiều gia đình trong xã đột nhiên giàu có, xây nhà tầng, dựng cổng sắt kiên cố, gắn camera. Đường xá được cải tạo, thuận tiện di chuyển, không ít gia đình sắm ôtô hiệu Lexus, Audi. Trẻ nhỏ được bố mẹ đưa cả cọc tiền tiêu vặt. Không rõ lý do nhưng nhiều thanh niên vẫn lập chốt canh, kiểm tra khi thấy người lạ mặt vào bản.

"Có lần đang dạy, tôi giật mình vì thấy tiếng súng vang lên trong bản. Chẳng rõ chuyện gì, nhưng cô trò đều co rúm người vì sợ", cô nhớ lại.

Ngày ấy, cái khó của giáo viên là tiếp cận giấy khai sinh, sổ hộ khẩu của các hộ dân để làm hồ sơ cho học sinh. Hầu hết các gia đình đều không muốn lộ thông tin. "Nhưng không có các giấy tờ này, chúng tôi khó xác định tuổi của trẻ để xếp lớp, làm hồ sơ tuyển sinh và các chế độ an sinh xã hội", Vân giải thích.

Mỗi lần đi vận động, cô phải đợi gia đình học sinh kiểm tra camera, biết đích xác là cô giáo mới cho vào. Để tạo lòng tin, nữ giáo viên mất nhiều thời gian học tiếng H'Mông, nhờ trưởng bản, chính quyền xã thuyết phục nhưng 10 gia đình, chỉ một, hai nhà đồng ý, số khác từ chối vì không muốn tiếp người lạ.

"Dân bản họ cục tính, đa nghi, luôn cảnh giác với người lạ chắc sợ công an điều tra, nhưng với thầy cô giáo luôn tôn trọng. Không thích sẽ từ chối, đuổi về chứ không động tay, chân", cô Vân tâm sự và cho biết, thuyết phục một lần không được thì lần hai, lần ba, cốt tạo được lòng tin, mới thay đổi nhận thức.

Bà con dân bản Co Chàm, xã Lóng Luông giúp thầy cô dựng phòng học kiên cố, năm 2016. Ảnh: Khuất Thị Hoa

Bà con dân bản Co Chàm, xã Lóng Luông giúp thầy cô dựng phòng học kiên cố, năm 2016. Ảnh: Khuất Thị Hoa

Xin cho trẻ đến trường đã khó, duy trì sĩ số lớp ổn định không đơn giản. Thấy lớp vắng, thầy cô lại băng rừng, vượt đường đầy đá tảng, bùn đất kẹt cứng bánh xe hoặc lội nước lũ để đi vận động. "Nhiều lúc chỉ nhận về sự hắt hủi, ánh mắt giận dữ của bọn trẻ và cả phụ huynh, tủi đến phát khóc", chị Vân tâm sự. Nhưng chưa một lần nữ giáo viên có ý định xin chuyển công tác, bởi nghĩ "học sinh cũng như con mình, nếu bỏ lấy ai nuôi dạy".

Khi sóng điện thoại trong vùng ổn định, Vân thường gọi điện khoe bố mẹ "có thêm phụ huynh đồng ý cho trẻ đến trường", sau kể được bà con cho rau rừng ăn đổi bữa, để gia đình an tâm. Biết con gái yêu nghề, yêu học sinh, bố mẹ dặn đi đường cẩn thận, chú ý an toàn, chứ không cấm cản. "Học sinh ở đâu, con ở đó. Khó khăn, vất vả nữa con cũng chịu", chị tâm sự với mẹ.

Năm 2018, cảnh sát triệt phá thành công đường dây ma túy của Tráng A Tàng - ông trùm buôn ma túy từ khu vực Tam Giác Vàng vào Việt Nam tiêu thụ, cùng hai chuyên án 18TN và 19TN tại bản Lũng Xá, Tà Dê. An ninh khu vực dần ổn định, đường xá được bê tông hóa, 100% học sinh trong xã đến trường.

Ông Giàng A Dê, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông, cho biết địa bàn xã có 9 bản, trong đó 8 bản là đồng bào dân tộc H'Mông. Vì là điểm nóng về ma túy, bất ổn về an ninh xã hội nên không chỉ thầy cô, người khác đến bám bản, xây dựng kinh tế cũng bị nhiều đối tượng cản trở, gây khó khăn vì sợ là người của cơ quan công an.

"Nhưng nay cơ bản ổn định, bà con chuyên tâm sản xuất, đời sống kinh tế dần cải thiện. Thầy cô vận động học sinh đến trường, yêu cầu phụ huynh cung cấp sổ hộ khẩu, để làm giấy khai sinh, học bạ và các chế độ chính sách hỗ trợ dễ dàng hơn", ông Giàng A Dê nói.

"Đó là điều giáo viên chúng tôi luôn ao ước", cô giáo Vân cười. Không còn sợ hãi khi vận động người dân cho con đến trường, chị nói mừng khi chứng kiến thay đổi trong nhận thức và đời sống của người dân. Ngày nay, bà con dân bản Lũng Xá, Tà Dê và nhiều bản khác đã nhận thức được tầm quan trọng việc đưa trẻ đến trường, sĩ số trẻ đến lớp duy trì ở mức cao.

Nhắc về khoảng thời gian gắn bó với Lóng Luông, nhiều người nói cô giáo liều lĩnh, dám vào điểm nóng gieo chữ, nhưng chị bộc bạch: "Chưa bao giờ tôi hối hận đến bám trường, bán bản tại Lóng Luông. Chỉ mong học sinh biết đọc, biết viết, để thoát nghèo".

Theo Vnexprees