Người lính năm xưa kể chuyện Điện Biên Phủ

CTG - Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ông Lê Văn Cự (quê ở Đông Ninh, Đông Sơn, Thanh Hóa) là một trong những người lính năm xưa trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đầy khốc liệt.

70 năm trôi qua, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nay mái đầu đã bạc trắng nhưng tác phong vẫn nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng. Những trận đánh cùng ký ức hào hùng vẫn vẹn nguyên trong ông.

Xẻ núilăn bommở đường

Tháng 3/1949, ở độ tuổi đôi mươi, ông Lê Văn Cự nhập ngũ. Tháng 10/1949, ông tình nguyện sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế tại đơn vị tình báo thuộc phân khu thượng Lào.

Tháng 3/1953, ông Lê Văn Cự về nước, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó, ông xung phong lên đường nhập ngũ, ra chiến trường chống giặc, cùng với hàng trăm nghìn người lính, du kích, dân công hỏa tuyến…

Sau đợt tuyển quân tại huyện Đông Sơn, ông Cự cùng đoàn thanh niên xung phong bắt đầu hành quân từ Thanh Hóa đi Điện Biên. Đoàn miệt mài hành quân qua đường rừng núi vào Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, vượt núi cao, vực sâu, băng đèo để đến cứ điểm Điện Biên.

Con đường hành quân đầy gian nan, vất vả, bao nhiêu chiến sĩ, trai tráng không tránh khỏi được những trận ốm đau, sốt rét rụng hết tóc, vượt các bãi vắt rừng già, qua những nơi mà chưa từng ai đặt chân tới, phá núi, mở đường để có tuyến hành quân.

Ông Lê Văn Cự trong cuộc sống đời thường
Ông Lê Văn Cự trong cuộc sống đời thường

Đường đi đã khó khăn nhưng toàn đội chỉ hành quân vào ban đêm để đảm bảo bí mật. Cứ thế đêm đi, ngày nghỉ, đêm nào đoàn cũng hành quân đến 1 - 2h sáng. Bữa ăn chỉ có cơm với cá khô, có bữa chỉ là đậu xanh xay nhỏ nấu cháo loãng, nhiều bữa còn chỉ có chút rau rừng làm canh.

Dù gian khổ “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” nhưng tinh thần của ông Cự cũng như những người lính Điện Biên năm xưa vẫn ngùn ngụt khí thế, quyết tâm giành chiến thắng ở chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông Lê Văn Cự được phân công nhiệm vụ tại Trung đoàn Công binh 151 (Đại đoàn Công pháo 351), làm đường qua núi Tạ Khoa, đèo Pha Đin, Cò Nòi (tỉnh Sơn La) và tiếp tục vào Lai Châu, Điện Biên; làm trận địa pháo nghi binh Hồng Cúm.

Ông Cự cùng các đồng đội trong Đại đoàn 351 vận chuyển các loại khí tài, pháo lớn, cao xạ, đại bác tới chiến trường, với tinh thần quyết chiến quyết thắng. Công binh, bộ binh đào hầm vào sân bay Mường Thanh, hầm ngầm xuyên núi vào hầm Đờ-Cát…

Dệt nên bản anh hùng ca lừng lẫy năm châu

Người lính năm xưa chia sẻ, khi ấy, những chiến sĩ anh hùng đầu nung lửa sắt, không nao núng tinh thần, chí không mòn. Anh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng để anh Pù bắn giặc. Anh Phan Đình Giót thì lấy thân mình bịt lỗ châu mai lô cốt giặc. Quân ta xông lên, băng mình qua núi thép gai ào ào như vũ bão. Anh Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, nát thân, nhắm mắt vẫn còn ôm, không để cho pháo trôi đi.

Người lính công binh năm xưa kể chuyện về những năm tháng chiếu đấu ở Điện Biên
Người lính công binh năm xưa kể chuyện về những năm tháng chiếu đấu ở Điện Biên

Công binh thì xẻ núi lăn bom, quyết mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện, dù bom đạn xương tan, thịt nát, không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh... Bởi ai cũng đã hiểu rằng, máu của mình rơi không bao giờ uổng phí, sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam và miền hoa ban lại sáng đẹp, yên bình.

Ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng Đờ-Cát, báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Ông Cự kể: “Ngày chiến thắng cũng là lúc tôi nghe tin nhiều đồng đội hy sinh, trong đó có những anh em đồng hương khiến tôi rất đau lòng. Chiến thắng oanh liệt, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu nhưng cũng là sự hy sinh mất mát rất lớn. Có điều, những người lính ngã xuống đều đã sẵn sàng, tình nguyện để đổi lấy độc lập, tự do. Thế hệ chúng tôi đã anh dũng như vậy”.

70 năm đã trôi qua kể từ ngày quân và dân ta dệt nên bản anh hùng ca chiến thắng Điện Biên Phủ. Thời gian càng lùi xa, ý nghĩa, tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không bao giờ phai mờ, mà ngày càng tỏa sáng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng cũng như tất cả các chiến dịch khác đều có công binh tham gia. Không có một trận chiến tiêu diệt vị trí quan trọng nào là không có công binh phối hợp. Những người lính công binh trên chiến trường Điện Biên Phủ xưa như ông Cự luôn làm tròn nhiệm vụ của mình, xung phong tiến trước mở phá hoại khẩu, diệt hỏa điểm để tạo điều kiện cho xung kích xung phong…

Theo Tuoitre