Xin chữ thầy đồ
Trong nền văn hóa Việt Nam, việc cầu may dịp đầu năm thường bao gồm việc đến thăm nhà người thân, tặng phong bao lì xì và cúng lễ tại đền, chùa. Không ngoại lệ, nhiều người trẻ, trong đó có các sĩ tử đang “dùi mài kinh sử” cũng đến chùa dâng lễ, xin chữ ông đồ với mong muốn thi cử được đỗ đạt, công danh, sự nghiệp nhiều may mắn.
Những ngày đầu năm, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đền ông Hoàng Mười luôn đông đúc, đặc biệt là người trẻ, sĩ tử năm nay bước vào kỳ thi quan trọng.
Nhiều người trẻ đi lễ đầu năm tại Văn miếu Quốc Tử Giám |
Đi cùng con trai năm nay học lớp 9 đang chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới, chị Nguyễn Lệ Hằng ở quận Ba Đình cho biết: “Năm mới đi Văn miếu Quốc Tử Giám du xuân, mong bình an, tiện thể cầu cho con trai tôi thi cử đỗ đạt”.
Không chỉ cầu bình an, phần lớn mọi người còn xin chữ để được may mắn trong học hành, thi cử. Bạn Nguyễn Hương, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Năm nào mình cũng đi chùa đầu năm để cầu may mắn, bình an và xin chữ các thầy đồ. Năm nay mình cầu may mắn và đạt được điểm số cao trong các kỳ thi tại trường, vì thế mình đã xin chữ “Học””.
Có thể nói, xin chữ thư pháp đầu năm về treo trong nhà, lấy ý nghĩa chữ đó để phấn đấu là một nét đẹp trong văn hoá lâu đời của người Việt. Thư pháp không dành cho người vội, người viết cần nghiên cứu kỹ để bảo đảm hay cả về ý nghĩa, nội dung và đẹp về hình thức, người thưởng thức cần nhìn sâu để thấm nhuần được tư tưởng của nét chữ, hồn chữ.
Xin chữ đầu năm để bày tỏ mong muốn thi cử đỗ đạt, công danh, sự nghiệp gặp nhiều may mắn |
Theo nhà thư pháp Nguyễn Thanh Tùng – người sáng lập Phòng tranh Thư pháp Ngẫu thư và tham gia viết thư pháp tại Tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, các sĩ tử thường xin chữ: Học, Trí, Lộc, Đỗ… để cầu may mắn cho con đường khoa cử của mình. Chữ thư pháp thường được treo ở nơi học tập của các sĩ tử nơi có sự hài hòa năng lượng, đầy đủ ánh sáng tự nhiên để sinh viên, học sinh cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ khi học tập và khám phá tri thức, hoàn thành tâm nguyện của bản thân và gia đình. “Ngày xuân, người Việt Nam có tục lệ xin chữ. Chữ xin về treo nơi trang trọng trong nhà, lấy ý nghĩa của những chữ đó làm điều răn mình. Bên cạnh chữ Hán-Nôm, nhiều người “thỉnh” những bức thư pháp viết bằng chữ quốc ngữ (chữ Việt) giúp định vị bản sắc của con người Việt Nam.”, anh Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.
Xem quẻ cầu may
Xem quẻ là một phương pháp để tìm hiểu vận mệnh và dự đoán tương lai. Gieo quẻ cầu may là một hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết nhiều bạn trẻ. Ai cũng tâm niệm đi xem bói để biết trước được vận mệnh trong năm mới, từ xác định những điểm mạnh và yếu của bản thân để hoàn thiện hơn trong cuộc sống.
Trong ngày Tết Nguyên Đán, nhiều người Việt thường tìm đến các đền, chùa để rút quẻ thẻ hay xem tử vi, bói bài tây…
Xin quẻ thẻ là một việc làm không thể thiếu dịp đầu năm của nhiều người trẻ |
Bạn Thanh Huyền, sinh viên năm ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Hàng năm, mình thường theo mẹ đi rút quẻ thẻ ở chùa, đền để xem những thông điệp ghi trong đó. Điều này giúp mình chuẩn bị tinh thần và định hướng các thế mạnh của bản thân cho các kỳ thi trong năm”.
Còn Đinh Lê Anh Tuấn, sinh viên năm thứ 4 Học viện Nông nghiệp lại cho rằng: “Mình không tin vào mấy hình thức bói bài hay bổ quả cau… nên mình đi xem tử vi. Hình thức này khoa học, vì thế về cơ bản mình thấy cũng ổn. Xem để chiêm nghiệm, để thay đổi bản thân tốt hơn chứ không nên xem để lo âu, sầu não”.
Khai bút đầu xuân
Một trong những đều quan trọng của học sinh, sinh viên dịp đầu năm là khai bút. Khai bút đầu xuân được coi là khởi đầu may mắn và mong muốn năm mới sẽ chăm chỉ học tập, mang lại thành công trong thi cử.
Để khai bút, các bạn trẻ thường chọn một cây bút mới và mực mới màu đỏ, sau đó viết một đoạn văn, câu chúc tốt đẹp, những ước mơ và kỳ vọng cho năm mới lên giấy. Điều này thể hiện lòng thành kính và hy vọng vào một năm mới tốt lành, thành công.
Bạn Trần Trọng - sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải có chia sẻ rằng: “Theo mình tìm hiểu thông tin trên các trang mạng xã hội, tuổi của mình năm nay hợp khai bút từ 7 giờ tới 9 giờ sáng mùng 1 Tết. Đúng giờ đó mình đã vình đã viết ra giấy ước mơ của mình: “Đỗ chứng chỉ tiếng Anh”.
Nhiều sĩ tử đã dậy sớm viết những nét chữ đầu tiên của năm mới, gửi gắm hy vọng một năm học hành chăm chỉ, đạt kết quả cao |
Ngoài ra, trong ngày Tết, các bạn học sinh, sinh viên, nhất là các sĩ tử cũng thường ăn chè đỗ và mặc áo màu đỏ để tạo ra cảm giác may mắn, tư duy tích cực trong việc học hành, thi cử.
Nói về việc khai bút đầu xuân, Thạc sỹ Quản lý văn hoá Lương Giang, giảng viên Đại học Kinh Bắc cho biết: “Cái đẹp và tinh thần trọng học của việc khai bút đã trở thành tục lệ bao đời người Việt và là một nét đẹp văn hóa rất độc đáo của nước ta. Bởi đối với người Việt, cây bút là một công cụ gắn bó với đời sống trí tuệ và tâm hồn, trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong đời sống. Khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp…. với ước muốn, nguyện vọng của mình trong năm mới hay tự nhắc nhở bản thân hướng đến những điều tốt đẹp để phấn đấu”.
Trong nền văn hóa Việt Nam, việc cầu may dịp đầu năm là một truyền thống quan trọng cho những bạn trẻ đang học tập và làm việc. Xin chữ thầy đồ, gieo quẻ cầu may, khai bút đầu xuân, ăn chè đỗ và mặc đồ màu đỏ là những hoạt động mang ý nghĩa tâm linh và tạo niềm tin tốt đẹp cho mọi người trong một năm mới.
Theo Tuoitre