Không ngồi cả ngày ở bàn làm việc
Bàn làm việc là nơi bạn thực hiện nhiệm vụ hằng ngày của mình. Nhưng nếu ngồi cả 8 tiếng ở đó, bạn có thể gây ra những hiểu lầm không đáng có, như nhân viên coi bạn là người khó tiếp cận, thiếu hòa đồng, kiêu căng hay bạn đang muốn che giấu điều gì đó. Vì vậy, hãy đứng dậy và chào đón khi nhân viên đến chỗ bạn. Hoặc khi cấp dưới đang quá bận rộn, bạn có thể trực tiếp đến chỗ họ.
Thường xuyên nói chuyện thân mật với nhân viên
Cách tốt nhất để kết nối nhân viên là thường xuyên nói chuyện thân mật với họ. Song một người sếp nên tránh đi quá sâu vào cuộc sống riêng của cấp dưới. Mức độ phù hợp hơn sẽ là những cuộc thảo luận về thời tiết, chuyến đi đá bóng vào cuối tuần... Điều này sẽ giúp bạn xây dựng niềm tin và sự quý mến ở nhân viên.
Tránh viết tắt trong email
Khi bạn gửi email cho bạn bè, những từ viết tắt hay ký hiệu như lol, :)) là điều bình thường. Nhưng trong email gửi khách hàng hay nhân viên, điều đó không thích hợp. Hãy viết một cách chuyên nghiệp và không được sử dụng tiếng lóng, viết tắt hoặc ký hiệu khó hiểu.
Khen ngợi nhân viên thường xuyên
Một số người quản lý thường tránh khen ngợi nhân viên vì cho rằng làm như vậy sẽ khiến họ tự thỏa mãn với bản thân và không muốn cố gắng. Tuy nhiên, quá ít hoặc không có lời khen ngợi nào cũng làm ảnh hưởng tới không khí và tinh thần làm việc của công ty. Bạn nên tuyên dương nhân viên khi họ làm tốt để họ cảm thấy mình được coi trọng và có động lực phấn đấu hơn.
Ăn mặc phù hợp và chuyên nghiệp
Bạn là sếp và là tấm gương cho nhân viên. Nếu bạn ăn mặc xuề xòa, luộm thuộm, chẳng những nhân viên sẽ đánh giá thấp bạn mà còn bắt chước, dễ dãi với cách ăn mặc của chính họ. Do đó, hãy ăn mặc chuyên nghiệp và phù hợp với văn hóa công ty.
Không phớt lờ các hoạt động trên mạng xã hội
Cho dù bạn không thích nhưng khi nhân viên hoặc khách hàng chủ động gửi yêu cầu kết bạn với bạn, đừng phớt lờ chúng. Đây là hành động lịch sự, hơn nữa, hãy nhớ mạng lưới quan hệ càng rộng càng có lợi cho sự nghiệp của bạn.
Khuôn mặt niềm nở hơn
Hãy luyện tập gương mặt của một người sếp được yêu thích: không nhăn mặt, cau có hoặc cười một cách vô duyên. Bạn nên chào đón nhân viên hoặc khách hàng với nụ cười ân cần. Hãy chú ý tới biểu cảm khuôn mặt của bạn bởi nó ảnh hưởng tới không khí chung của cả phòng/công ty. Nếu bạn cau có, nhân viên sẽ cảm thấy căng thẳng, lo lắng.
Tránh “buôn chuyện”
Những câu chuyện phiếm không mang lại lợi ích gì cho công việc của bạn mà thậm chí còn ảnh hưởng xấu tới danh tiếng của bạn. Vì thế, hãy tránh “buôn chuyện” vì sự nghiệp của mình. Hơn nữa, khi trong văn phòng/công ty lan truyền tin đồn gì đó, hãy nhanh chóng giải quyết để nhân viên tập trung làm việc.
Theo Tuổi Trẻ