|
Ý định ban đầu nuôi gà rừng và nuôi nhím nhưng do kinh nghiệm không có, giá thành con giống cao Thiệp quyết định chuyển sang nuôi lợn rừng. Hướng đi của anh bị gia đình phản đối bởi thất bại ngay từ những ngày đầu do thiếu kinh nghiệm. Nếm trải vị đắng thất bại của những ngày đầu xây dựng cơ nghiệp, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thiệp vẫn tiếp tục bám trụ bởi những con may mắn còn sống được xuất ra thị trường giúp anh thu lại nguồn vốn ban đầu. Với anh, số vốn thu về như một chiếc phao cứu sinh, sua tan những bế tắc, khơi dậy khát khao được tiếp tục thử sức, được khẳng định mình với hướng phát triển kinh tế đã lựa chọn.
Học hỏi mô hình và cách làm của người chú, tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi trên mạng Internet, qua sách vở. Thiệp về trại giống Nam Định mua cặp lợn giống bố mẹ là giống lợn rừng Thái Lan để lai tạo với lợn thuần chủng cho ra đời thế hệ lợn lai mới thích nghi hơn với điều kiện chăn thả tự nhiên. Anh quây diện tích vườn rừng thành trang trại nuôi thả theo cách thức tự nhiên. Bao nhiêu vốn liếng của vợ, bố mẹ và bạn bè dồn cả vào con lợn rừng. Những lứa lợn năm 2009 thành công càng tiếp thêm niềm tin để Thiệp tiếp tục con đường anh tin sẽ thành công.
Chia sẻ về kinh nghiệm có được trong quá trình chăn nuôi của mình Thiệp cho biết: “Chăn nuôi lợn rừng phải có bãi chăn thả rộng thì thịt lợn mới ngon và chắc; nguồn thức ăn sẵn có, chủ yếu là tận dụng như thóc, sắn; mỗi ngày 1 con lợn ăn hết 5 đến 6 nghìn, rất dễ chăm sóc”.
Đến nay trang trại của anh đã có 6 lợn nái, 1 lợn đực giống và gần 100 con thương phẩm. Theo Thiệp giá lợn rừng thời điểm này cao đạt 100 đến 120 nghìn/1kg, giá lợn lai đạt 70 đến 80 nghìn đồng/1kg lợn hơi cũng đỡ vất vả hơn cho nghề chăn nuôi bởi: “Có những lúc lợn không bán được do khách hàng chưa biết, mình đã phải đi liên hệ các nhà hàng và mang lợn đến tận nơi cho họ mổ kiểm tra chất lượng”.
“Để làm được việc này trước hết phải có niềm đam mê, đam mê ngay trong sự quan tâm, chăm sóc con giống đến đảm bảo thương hiệu khi cung cấp ra thị trường cho người tiêu dùng. Chăn nuôi không có sự đam mê sẽ không có kết quả. Từ niềm đam mê đó đã giúp vợ chồng mình thu về lợi nhuận gần 100 triệu đồng mỗi năm” Thiệp nói.
Năm năm gắn bó, sản phẩm lợn rừng của gia đình Thiệp đã có tiếng. Ngoài nhân giống cung cấp cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh, bà con có nhu cầu cảm nhận anh mổ bán tại chợ quê. Còn lợn thương phẩm chủ yếu cung cấp cho khách hàng trong tỉnh và các nhà hàng lớn tại Hà Nội.
Nói về dự định trong tương lại Thiệp cho biết: “Trong thời gian tới sẽ tìm mua dòng lợn thuần chủng Việt Nam làm nái tiếp tục cho lai tạo. Mở rộng thị trường tiêu thụ, tập trung thị trường tại Hà Nội”.
Với sự nỗ lực cố gắng và lựa chọn hướng đi riêng của mình, Thiệp là một trong ba gương mặt thanh niên được huyện Yên Bình tuyên dương “cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác năm 2013”.
Lê Minh Quang |