Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc: cha đẻ của chiếc máy Hummingbird giúp cứu sống 99.7% trẻ sinh non

Trước khi có Hummingbird, 90% trẻ sinh non tại Nhật Bản tử vong; sau khi có chiếc máy này, 99.7% trẻ sinh non được cứu sống. Có thể nói phát minh năm 1982 của người Việt Nam Trần Ngọc Phúc đã tạo ra bước ngoặt.

"Dấu chân người Việt"

* Quyết định chọn làm máy Hummingbird có phải chiến lược chọn cái người Nhật chưa từng làm để tạo đường đi riêng, để lại được "dấu chân người Việt" ở Nhật của ông không?

- Thời gian tôi còn làm việc ở Công ty công nghiệp y khoa Senko, tới các bệnh viện chứng kiến những đứa trẻ sinh non nằm trong lồng ấp tôi rất thương.

Khi biết 90% các cháu sinh non sẽ qua đời, nếu sống cũng sẽ bị dị tật, tôi đã nghĩ mình phải làm gì đó. Tôi bắt tay vào nghiên cứu máy thở cho trẻ sinh non, lúc đó ở Nhật chưa có ai làm cả.

Nhật đề cao tôn ti trật tự thứ bậc lắm, rất khó để người lạ chen chân vào. Lĩnh vực làm phổi, thận nhân tạo trong công ty tôi làm việc có rất nhiều nhân tài, nên tôi sẽ phải chọn những gì người ta chưa làm.

* Hummingbird có điểm gì khác biệt với các loại máy thở khác để cứu sống được tới 99,7% trẻ sinh non, thưa ông?

- Khi chưa có máy thở cho trẻ sinh non, bệnh viện dùng loại máy thở bình thường. Loại máy này đưa cả tảng không khí lớn vào phổi, mà phổi trẻ sinh non chưa hoàn thiện nên sẽ bị hư và trẻ tử vong.

Sau này nhiều quốc gia khác làm máy thở cho trẻ sinh non, tỉ lệ tử vong của trẻ đã được cải thiện nhưng vẫn chưa ăn thua. Muốn nâng tỉ lệ sống sót của trẻ phải kiểm soát được nồng độ CO2 của máy thở, vì nếu lượng CO2 trong máu tăng sẽ dẫn tới tử vong.

Hummingbird có khả năng khuấy đều CO2 và O2 trong phổi cùng lúc. Nó có khả năng kiểm soát CO2 rất tinh tế, với mức độ điều chỉnh nhỏ như sợi tóc, đưa lượng không khí nhỏ và khuếch tán nhanh phù hợp với nhịp thở của trẻ sinh non.

* Trong lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế, ông giải bài toán giữa lợi nhuận và y đức thế nào?

- Tôi đã thành lập ba công ty ở Việt Nam thì có hai công ty hoạt động. Một công ty làm phần mềm cho ngành y, còn một công ty chuyên sản xuất máy thở tại Việt Nam và xuất khẩu. Cuối năm 2019, tôi đã ký hợp đồng với một công ty ở Hà Nội để phân phối sản phẩm này.

Doanh nghiệp thì luôn phải quan tâm đến lợi nhuận. Cá nhân tôi lại quan tâm sản phẩm tôi làm ra có lợi cho bệnh nhân hay không. Trong quá trình khởi nghiệp, tôi hiểu khởi nghiệp rất dễ, giữ nghiệp mới khó nên phải tìm ra được người cùng chí hướng, ủng hộ mình để sống còn. Tôi cũng nghĩ khởi nghiệp không nên là phong trào.

Tôi rất tâm đắc lời của doanh nhân lập quốc Nhật Bản Shibusawa Eiichi: "Người làm kinh doanh một tay cầm bàn tính, một tay cầm Luận ngữ". Tức là làm kinh doanh không chỉ tính đến lợi tức mà còn phải có đạo đức. Năm 2009, tôi từng được nhận giải thưởng mang tên ông, dành cho những người cùng chí hướng với ông.

Người con nhìn cái lưng người cha để trưởng thành

* Được biết ông đã rất khó khăn để quyết định ở lại Nhật Bản sau năm 1975 bởi xã hội Nhật vốn khép kín, không dễ đón nhận người ngoài. Phải chăng vì ông sinh ra ở Huế, vùng đất có khá nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản nên quá trình thích nghi dễ dàng hơn?

- Đúng, Huế cũng giống như Kyoto của Nhật vậy. Khi sang đây tôi thấy có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa, chỉ là người Nhật diễn đạt theo cách khác mà thôi. Nền tảng văn hóa cha mẹ dạy tôi ở Việt Nam đã giúp tôi hòa nhập được với xã hội Nhật Bản.

Năm 1968, tôi được gia đình cho đi du học Nhật Bản. Vì chiến tranh và những thay đổi về chính trị, gia đình không thể tiếp tục chu cấp cho tôi nữa. Cuộc sống của tôi khi đó không khác gì từ thiên đàng rơi xuống địa ngục.

Sau năm 1975, tôi tốt nghiệp đại học được hai năm và xác định không thể về Việt Nam. Hầu hết du học sinh ở Nhật đều tìm cách sang Mỹ, Canada vì họ nghĩ khó có khả năng hòa nhập với xã hội Nhật Bản. Tôi cũng vậy thôi.

Tôi xác định muốn đi vào xã hội Nhật thì phải mở lòng trước. Khi tôi cởi mở, chân thành, những người Nhật tôi tiếp xúc đều cảm thấy an tâm. Đến giờ, tôi nhận thấy cha mẹ mình dạy rất đúng, nên cho đi trước.

* Thưa ông, làm thế nào để ông giữ được sự say mê lâu dài khi sống trong môi trường khắc nghiệt như Nhật Bản?

- Bẩm sinh tôi là người thích thú học hành, nghiên cứu, thích thử sức với những cái mới, thích mạo hiểm. Nhiều người hỏi tại sao có người cứ thích leo núi mạo hiểm làm gì, sao không ở nhà cho khỏe? Nhưng có nhiều người lại thích thử thách như thế.

CEO trong công ty của tôi là một người từ Đại học Stanford về, ngoài công việc cậu ấy có rất nhiều đam mê và cái gì cũng phải thử sức đến tột đỉnh mới thôi. Cậu ấy thích đi xe đạp và chỉ thích leo dốc thôi.

Ngày cuối tuần cậu ấy có thể đạp 400km. Đi lên núi cậu ấy chỉ thích chinh phục núi tuyết. Nhiều người nói là điên, nhưng kiểu người như cậu ấy muốn thử thách bản thân ở điều kiện khắc nghiệt nhất để hiểu khả năng của mình tới đâu. Tụi tôi đều là những người thuộc típ đó.

* Xem ra ông không ngừng hướng về Việt Nam. Ông có hướng các con mình đi theo hướng này không?

- Hai con trai tôi đang làm việc ở cả Nhật Bản và Việt Nam. Vợ tôi là người Nhật nhưng rất thích Việt Nam. Trong nhà "phái" thích Việt Nam rất đông (cười).

Cuộc đời của tôi không bao giờ ép con cái theo bước chân của tôi. Văn hóa của Nhật có nói một câu: "Người con nhìn cái lưng người cha để trưởng thành". Không hiểu sao khi trưởng thành con tôi lại nói muốn làm việc tại Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Phúc sinh năm 1947 tại Huế. Năm 1968, ông được gia đình cho sang Nhật du học, tốt nghiệp kỹ sư Đại học Tokai ở Kanagawa, làm việc tại Công ty Senko.

Năm 1982, ông phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird (HFO) cho trẻ em sinh non. Hummingbird đã vượt qua 7 đối thủ đến từ các nước trên thế giới, giành giải nhất trong cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard do Viện Y tế Hoa Kỳ tổ chức.

Chiếc máy này được đánh giá là chiếc máy hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh tốt nhất thời điểm đó.

Năm 1984, ông sáng lập Công ty Metran, giữ chức vụ tổng giám đốc và sau này là chủ tịch. Tháng 7-2012, Nhật hoàng Akihito đã ghé thăm Công ty Metran.

Năm 2016, Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng máy thở Hummingbird do công ty của ông tài trợ.

Tháng 11-2018, ông nhận Huân chương Mặt trời mọc tia sáng bạc. Ông hiện là hội trưởng Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản.

Một người có tấm lòng với quê nhà

PGS.TS Ngô Minh Xuân - hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyên trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ giai đoạn 2008-2012 - nói ông và nhiều bác sĩ của khoa sơ sinh biết đến ông Trần Ngọc Phúc và Công ty Metran từ rất lâu.

Cách đây nhiều năm, bệnh viện đã sử dụng máy giúp thở Metran, loại máy thở cao tần số không chỉ hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhi mà giá thành còn hợp lý, gần như thấp nhất trong các loại máy thở lúc đó.

Từ khi được trang bị, máy giúp bệnh viện cứu sống rất nhiều bé sơ sinh non tháng và cực non. Đa số các bé sau đó đều có sức khỏe bình thường, thậm chí có bé phát triển rất tốt.

"Ngoài hỗ trợ máy, một điều đáng quý khác của ông Phúc là tấm lòng với quê nhà. Ông thường hỗ trợ hết mình cho các bác sĩ khoa sơ sinh của bệnh viện trong thời gian học tập ở Nhật Bản. Khi các bác sĩ gặp khó khăn trong việc đi lại hay quan hệ làm việc, ông Phúc sẵn sàng giúp đỡ, liên hệ chuyên gia đầu ngành ở Nhật Bản giúp các bác sĩ Việt thuận lợi hơn trong việc học tập, công tác" - ông Xuân chia sẻ.

Nguồn TTO

T.LN2