Nhân lên những sáng kiến vì cộng đồng

(CTG) Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (2016 - 2021) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều mô hình sáng tạo thiết thực từ cơ sở của các đơn vị trực thuộc Thành Ðoàn Ðà Nẵng đã được duy trì và nhân rộng, thúc đẩy phong trào lập thân lập nghiệp, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội…

 

Mô hình “ATM gạo” được Ðoàn phường Hòa Thọ Ðông triển khai, góp phần hỗ trợ cho các hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: Giang Thanh

“Bà đỡ” cho thanh niên lập nghiệp

Vài năm nay, hai ao nuôi cá thát lát giúp cho thu nhập của gia đình Lê Trung Hiếu (SN 1991, thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) ổn định hơn. Xuất ngũ về quê, chưa biết làm nghề gì phù hợp, Hiếu được Đoàn Thanh niên xã Hòa Phong định hướng và hỗ trợ vay vốn để nuôi cá thát lát thương phẩm.

“Với 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay thông qua Đoàn xã, tôi gầy dựng ao nuôi đầu tiên ngay gần nhà. Thời điểm đó, Đoàn xã kết nối để tôi nhận được sự hỗ trợ về con giống, kỹ thuật. Sau này, khi tổ hợp tác nuôi cá thát lát của xã được thành lập, tôi cũng mạnh dạn đầu tư thêm 1 hồ nuôi”, Hiếu cho biết.

Hơn 10 năm nay, mô hình kinh tế của Ngô Ngọc Hưng (SN 1988, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) luôn là điểm sáng trong các mô hình thanh niên lập nghiệp của địa phương. Năm 2008, sau khi xuất ngũ, nhờ nguồn vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thông qua Đoàn Thanh niên, Hưng bắt đầu đào ao nuôi các loại cá như cá trê, cá thát lát, diêu hồng… trên đất vườn của gia đình. Sau này, khi việc nuôi cá ổn định, Hưng nuôi thêm gà và ếch thương phẩm để tận dụng diện tích đất vườn. Hiện mỗi năm, Hưng xuất bán được 3 - 4 tấn cá, lợi nhuận trên 100 triệu đồng, cùng với đó, thịt ếch và gà đủ cung cấp cho thị trường quanh năm.

Anh Nguyễn Văn Sỹ, Bí thư Đoàn xã Hòa Phong cho hay, giai đoạn 2016 - 2021, hơn 120 đoàn viên thanh niên của xã đã được giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế với nhiều mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương như: nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi, trồng rau sạch, in ấn đồng phục… “Đoàn xã cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các đoàn viên, thanh niên có nhu cầu, tạo điều kiện cho các bạn lập nghiệp trên chính quê hương”, anh Sỹ cho hay.

Xác định tín dụng ưu đãi là nguồn lực quan trọng để đoàn viên thanh niên có điều kiện sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, các cấp bộ Đoàn đã tạo điều kiện để hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay. Tính đến hết năm 2020, tổng dư nợ ủy thác của Thành Đoàn Đà Nẵng đạt gần 509,4 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn rất thấp, chỉ khoảng 269 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 0,05%). Hiện Thành Đoàn quản lý 319 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 12 nghìn hộ.

Sáng tạo thiết thực từ cơ sở

Ngoài các hoạt động tuyên truyền, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các đơn vị trực thuộc Thành Đoàn Đà Nẵng đã sáng tạo nhiều mô hình an sinh xã hội, vì cộng đồng từ cơ sở, góp phần làm lợi hàng tỷ đồng, cải thiện đời sống của các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế…

Nhiều năm qua, phong trào Đoàn và công tác thanh niên ở BCH Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng được chú trọng với nhiều mô hình thiết thực như “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi của đồn Biên phòng”…; hỗ trợ hàng chục em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, phụng dưỡng 7 Mẹ Việt Nam anh hùng với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng. Các cán bộ chiến sĩ bỏ 2.200 ngày công giúp dân làm gần 2.000m đường bê tông; khơi thông trên 2.000m kênh mương nội đồng; sửa chữa, xây mới 47 nhà cho các đối tượng chính sách; khám cấp thuốc miễn phí cho gần 1.600 lượt người dân…

“Các mô hình sáng kiến như: “Tay kéo Biên phòng”; Ứng dụng “Quản lý, kiểm soát thuyền viên, hành khách và thủy thủ tàu quân sự đi bờ”; “Khám chữa bệnh không dùng thuốc”,… được tổ chức và duy trì thường xuyên, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả trong công tác chuyên môn”, thượng úy Mai Thanh Tài, Trợ lý Công tác Quần chúng (Phòng Chính trị, BCH Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng), cho hay.

Từ đầu tháng 4/2020, Đoàn phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) phối hợp Hội, đoàn thể của phường tổ chức “ATM gạo” dành cho người nghèo, người yếu thế trên địa bàn. Học hỏi từ mô hình ATM gạo trong mùa COVID - 19, Đoàn phường đã chủ động tham mưu để UBND phường duy trì dài hạn mô hình này, hỗ trợ hàng tháng cho các hộ nghèo.

Trước đó, Bí thư Đoàn phường Hòa Thọ - anh Lê Thanh Hải tổ chức và duy trì nhiều mô hình an sinh xã hội có hiệu quả. Nổi bật nhất là mô hình đêm nghệ thuật “Chắp cánh ước mơ” duy trì thường niên từ năm 2013. Mỗi đợt bán vé gây quỹ thu về từ 30 - 40 triệu đồng tạo kinh phí cho các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người dân và trẻ em khó khăn. “Các mô hình sáng kiến ở đoàn cơ sở phải phù hợp với tình hình địa phương, xuất phát từ thực tiễn mới có sức sống lâu bền, thu hút được các nguồn lực và đem lại những hiệu quả và lan tỏa trong cộng đồng”, anh Hải chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành Ðoàn Ðà Nẵng, trong những năm qua, Thành Ðoàn có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực đồng hành với thanh niên trong lập thân lập nghiệp, như: hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ năng nghề nghiệp, phối hợp với các ngành tạo nguồn cho thanh niên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thành lập các tổ hợp tác thanh niên...

Theo TP