Theo tiến sĩ Văn Tất Thu, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, nhân tài có vị trí đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua tất cả các thời kỳ lịch sử, không chỉ trong các lĩnh vực quân sự, chính trị, mà cả trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa.
"Ông cha ta đã ý thức rõ vị trí, vai trò của hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì đất nước hùng mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Đó là một chân lý đã được khắc trên Bia Tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội từ thế kỷ XV. Năm 1429, Vua Lê xuống chiếu cầu hiền khẳng định “đất nước thịnh trị tất ở việc cử hiền và người làm vua thiên hạ phải lo việc đó trước tiên”. Vua Quang Trung trong chiếu lập Nhà học nhấn mạnh “dựng nước lấy việc học làm đầu, muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”. Bác Hồ dạy “nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài"", ông Thu dẫn chứng.
Ông Thu cho rằng, chúng ta chỉ có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế khi biết chăm lo vun trồng nguyên khí của quốc gia, biết phát hiện, đào tạo, trọng dụng và sử dụng đúng nhân tài.
|
Theo bà Nguyễn Thu Phương, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, một trong những bất cập trong việc định giá và sử dụng nhân tài hiện nay là chưa có những tiêu chuẩn nên chưa có những định giá về nhân tài một cách chính xác. Do đó, đến thời điểm này Việt Nam cần có một khái niệm nhất thống về nhân tài, cần có chiến lược quy hoạch, phát triển nhân tài quốc gia.
Cũng theo bà Phương, chúng ta cần phải biết coi trọng những người không biết chữ nhưng có những đóng góp thiết thực cho quốc gia. “Người nông dân chế tạo ra máy tuốt lúa chỉ là một lão nông chi điền, không học qua trường lớp nào nhưng đã chế tạo ra máy tuốt lúa, mang lại tiện ích cho người nông dân. Như vậy, người nông dân này cũng đã có đóng góp lớn cho ngành nông nghiệp nước nhà và xứng đáng được coi là nhân tài”, bà Phương ví dụ.
Ông Hồ Đức Việt, người chủ trì cuộc hội thảo cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng, người tài không chỉ có ở giới trí thức mà những nông dân giỏi thậm chí những người không biết chữ có nhiều sáng kiến cũng có thể là một nhân tài chẳng qua họ chưa được đào tạo bài bản.
Giáo sư Dương Phú Hiệp tỏ ra lo lắng với tình trạng nhân tài ở nước ta đang yếu kém, hiếm hoi như “lá mùa thu”. Theo ông, khái niệm nhân tài đã có nhiều sách đưa ra nhưng quan điểm còn khác nhau. Do vậy, đến nay cần phải thống nhất các quan điểm và đưa ra một khái niệm duy nhất. “Theo tôi, khái niệm nhan tài liên quan đến hàng loạt khái niệm khác như: khái niệm năng lực của con người, trí tuệ của con người và đó phải là những con người có cống hiến cho sự phát triển của đất nước”, ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, trước mắt, nhà nước cần tập trung vào hai lĩnh vực: nhân tài lãnh đạo, quản lý và nhân tài kinh doanh. Còn nhân tài về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có thể quan tâm sau. Hiện nay, một số người chỉ giỏi về lý thuyết chứ chưa làm được. Như vậy cũng chưa thể coi là nhân tài vì nhân tài phải gắn với thực tiễn. Một tồn tại nữa trong vấn đề nhân tài của nước ta theo giáo sư Hiệp đó là việc sử dụng nhân tài. Nhiều nhân tài được phát hiện, bồi dưỡng nhưng không được sử dụng đúng vị trí hoặc lợi ích không được đáp ứng thỏa đáng khiến họ chán nản và tìm đi nơi khác.
Theo Đất Việt