Nhu cầu cấp thiết về cải cách giáo dục Việt Nam

(CTG) Phóng viên “Radio Australia” Bill Bainbridge nhận định rằng nền giáo dục Việt Nam cần phải cải cách nhiều để đáp ứng nhân lực cho sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế.




Dự án Làng đại học ở Hòa Lạc


Còn nhiều tồn tại

Việt Nam thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực có tay nghề cao, trong khi một khối lượng lớn thí sinh bị trượt trong các kỳ thi vào đại học. Hệ thống đào tạo Việt Nam đang đòi hỏi nhiều cải cách cấp thiết.

Tháng trước, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Phạm Vũ Luận đã trả lời chất vấn trực tiếp gần 40 câu hỏi tại kỳ họp Quốc hội xoay quanh những tồn tại và cải cách trong lĩnh vực do ông quản lý.

Các đại biểu Quốc hội rất muốn biết tại sao chất lượng giáo dục đào tạo ở Việt Nam còn thấp kém nhiều mặt, chưa đáp ứng được sự phát triển của đất nước, nhiều sinh viên Việt Nam phải ra nước ngoài du học trong khi nhiều trường đại học trong nước lại không tuyển đủ sinh viên.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã giải trình và trấn an rằng đã có kế hoạch cải tổ ngành giáo dục nhưng điều này cũng không khiến các đại biểu Quốc hội bớt hoài nghi.

Đại biểu Quốc hội Phan Văn Tường đã ví ngành giáo dục Việt Nam như một cửa hiệu có rất nhiều khách hàng nhưng không nhiều sản phẩm tốt để bán.

Giáo sư Phạm Quang Minh - trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng việc Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo bị chất vấn nhiều tại Quốc hội không có gì đáng ngạc nhiên xét từ thực trạng yếu kém của ngành giáo dục Việt Nam.

Giáo sư Phạm Quang Minh nói với Radio Australia: “Việt Nam là một quốc gia có truyền thống hiếu học lâu đời bởi vì văn hóa Khổng giáo từ trước tới nay. Mọi gia đình và người dân đều hiếu học và (mong muốn) gửi con cái theo học ở các trường tốt nhất với hy vọng con em có tương lai”. Nhưng giáo sư Minh thừa nhận một trong những vấn đề lớn là “có sự khác biệt giữa nhu cầu của người dân với nhu cầu thật sự của xã hội” và vì thế có những tranh luận về chất lượng giáo dục có đáp ứng nhu cầu của người dân hay không. 

Ông Peter Mackey, Ủy viên giáo dục Australia tại ASEAN ở Hà Nội, cho biết Việt Nam có nhiều cơ sở giáo dục chất lượng tốt, nhưng lại chỉ có khoảng 20% sinh viên may mắn được học hành ở những nơi này. 

Việc thiếu thốn địa điểm mở trường đại học và thiếu cơ sở giáo dục có chất lượng đang đặt gánh nặng lên vai nền kinh tế Việt Nam vốn đang phải vật lộn với “căn bệnh mãn tính” về tình trạng thiếu nhân lực có kỹ thuật cao.

Một xu hướng giải quyết vấn đề là các sinh viên ra nước ngoài du học và hiện có khoảng 25.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại Australia. 

Tìm kiếm giải pháp

Việt Nam đang tiếp tục tìm kiếm thêm những giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng giáo dục.

Dự án xây dựng làng đại học quốc gia ở Hòa Lạc với quy mô lớn hơn cả Oxford hay Cambridge bên Anh được chú ý bởi nơi đây đủ diện tích để đào tạo cho khoảng 55.000 sinh viên vào năm 2020.

Tập đoàn PetroVietnam - một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất đầu tư trên nhiều lĩnh vực từ khai thác dầu khí đến bất động sản -  đã quyết định chủ động đầu tư xây dựng mô hình làng đại học riêng ở ngoại thành Hà Nội.

Nhóm kiến trúc Norman Day, trụ sở chính ở Melbourne và có văn phòng đại diện tại Hà Nội, là một trong những đơn vị thiết kế làng đại học này.

Đại diện Norman Day cho biết: “Việt Nam muốn nâng cao chất lượng đại học lên hàng đầu và xây dựng trường đại học lọt vào top 10 các trường chất lượng cao nhất Châu Á trong vòng 5-15 năm tới. Rõ ràng họ có tham vọng rất lớn”.

Tuy nhiên, Norman Day cũng cho rằng vấn đề ở chỗ phải thu hút được lực lượng giảng viên chất lượng của thế giới. Cũng vì vậy làng đại học này đang được xây dựng theo tiêu chuẩn của Australia.

Dù sao đi nữa, tiềm năng về giáo dục đại học ở Việt Nam vẫn rất lớn bởi một phần tư dân số nước này đang ở trong độ tuổi đến trường.

Tỷ lệ bình quân 1 sinh viên đại học trên 260.000 dân hiện tại cần cải thiện hơn cũng như những cải cách giáo dục khác cần  được thực hiện để đáp ứng nhu cầu của một quốc gia có dân số trẻ và nền công nghiệp đang phát triển nhanh chóng.


Theo Tầm Nhìn