Những cây cầu 'thanh niên'

(CTG) Nhờ những cây cầu do Tỉnh Đoàn Đồng Nai vận động xây dựng, người dân ở nhiều vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã bớt khó khăn trong đi lại, vận chuyển nông sản.

 

Lễ khánh thành cây cầu dân sinh ở ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện vào tháng 7.2020. T.Đ.Đ.N

Cuối năm 2018, tại buổi đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường với thanh niên trong tỉnh, Tỉnh đoàn Đồng Nai đã mạnh dạn đề xuất thực hiện công trình thanh niên là xây dựng 10 cây cầu dân sinh trong giai đoạn 2019 - 2020 và được ông Nguyễn Phú Cường chấp thuận, ủng hộ. Từ đây, Tỉnh đoàn Đồng Nai lên phương án vận động nguồn vốn, thông báo kế hoạch đến chính quyền địa phương lập danh sách những cây cầu cấp thiết và tiến hành xây dựng.

Dân rất mừng vì được đi lại thuận lợi

Chị Nguyễn Thanh Hiền, Phó bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Đồng Nai, cho biết những cây cầu Tỉnh Đoàn nhắm tới là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, bắc qua những con suối nhỏ, đường sá đi lại còn khó khăn. Về nguồn vốn, Tỉnh đoàn huy động nguồn xã hội hóa và từ đoàn viên thanh niên.

“Tính đến nay, Tỉnh Đoàn đã xây dựng được 15 cây cầu tại các huyện: Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Định Quán, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Thống Nhất, Xuân Lộc với tổng số tiền gần 6,7 tỉ đồng. Những cây cầu này rộng từ 2,8 - 4 m, dài từ 14 - 35 m”, chị Hiền nói.

Tại tổ 7, ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện (H.Thống Nhất), có một vùng đất giống như cù lao, vây quanh bởi 2 con suối. Để đi lại, người dân ở đây bắc cầu tạm bằng sắt chỉ vừa đủ xe máy đi qua, còn ô tô hay xe chở nông sản tới mùa thu hoạch phải vận chuyển bằng con đường khác xa hơn rất nhiều. Nhưng từ tháng 7.2020 thì mọi chuyện đã khác, 2 cây cầu do Tỉnh đoàn Đồng Nai xây dựng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cầu rộng 3,5 m dài lần lượt 8 m và 15 m (trị giá gần 800 triệu đồng) không chỉ xe máy mà cả ô tô vẫn có thể lưu thông.

Chủ tịch xã Xuân Thiện Nguyễn Thị Hồng Thắm cho hay: “Sau khi có hai cây cầu là công trình thanh niên của Tỉnh đoàn xây dựng, chính quyền xã cũng đã vận động người dân làm con đường bê tông dài khoảng 90 m nối từ cầu ra đường lớn có sẵn, người dân giờ có cầu rộng, đường đẹp để đi lại”.

Một địa phương khác cũng “hưởng lợi” lớn là xã Thanh Sơn, một xã vùng sâu của H.Định Quán. Đây là nơi giáp với rừng và voi thường xuyên ra phá hoại mùa màng của người dân. Ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch xã Thanh Sơn, phấn khởi nói: “Xã tôi được xây dựng 3 cây cầu, phải nói là giải quyết nhu cầu đi lại của dân rất nhiều, mừng lắm”. Theo ông Sơn, hiện địa bàn xã có rất nhiều suối ngăn cách nương rẫy và khu dân cư. Để đi lại, người dân phải làm cầu tạm, cầu gỗ và cầu khỉ. Nông sản thu hoạch được phải đi vòng rất xa, chỉ có mấy tháng mùa khô nước suối cạn thì khuân vác qua được nhưng rất cực và nguy hiểm. Hiện nhu cầu xây cầu dân sinh vẫn còn lớn, xã mong muốn Tỉnh đoàn tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân.

Thêm 3 cây cầu nữa trong năm 2021

Theo chị Nguyễn Thanh Hiền, công trình thanh niên này là một hoạt động ý nghĩa, thể hiện tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ, góp phần chia sẻ khó khăn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.

“Vừa qua Tỉnh Đoàn Đồng Nai đã được T.Ư Đoàn trao tặng danh hiệu Công trình thanh niên làm theo lời Bác tiêu biểu toàn quốc. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng vận động xây dựng thêm nhiều cây cầu để xứng đáng hơn nữa với danh hiệu có được. Trước mắt, trong năm 2021 sẽ có thêm 3 cây cầu được xây dựng. Nhu cầu thì nhiều lắm nhưng nguồn vốn có hạn nên ưu tiên những khu vực xa xôi, hiểm trở, cấp thiết nhất”, chị Hiền chia sẻ.

Theo TN