Khuyết tật bẩm sinh và thiếu tình thương cha mẹ
Bị khuyết tật câm, điếc bẩm sinh, Phát thể hiện nghị lực bản thân qua đôi tay khéo léo và trí óc đầy sáng tạo. Bà Nguyễn Thị Lệ Hoa (67 tuổi, nội của Phát) cho biết khi sinh ra, Phát bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau, em có nhiều biểu hiện lạ như: gọi không nghe, không bập bẹ nói. Đưa Phát đi khám bệnh tại TP.HCM, cả nhà chết lặng khi bác sĩ chẩn đoán em bị câm, điếc bẩm sinh, không thể chữa trị. Biến cố gia đình ập đến. Cha mẹ Phát ly hôn, mẹ bỏ đi, cha lập nghiệp xứ người. Nhiều năm nay, Phát ở với bà nội. Năm 2020, tình cờ phát hiện Phát yêu thích chế tạo xe mô hình , bà Hoa ủng hộ hết mình.
Những mô hình xe máy do Lê Tấn Phát làm ra từ phế liệu
"Phát có niềm đam mê với các loại xe khi xem những mô hình này trên mạng xã hội . Tuy bị khuyết tật, lại không học qua trường lớp, kỹ thuật nào, nhưng bằng sự quan sát tỉ mỉ và khả năng tự học, Phát đã mày mò, tìm kiếm vật liệu cũ để chế tạo ra những chiếc xe mô hình nhỏ gọn, cầm nắm được trong lòng bàn tay", bà Hoa nói.
Những chiếc xe máy mô hình được chàng trai khuyết tật làm từ ống nhựa
Từ các vật liệu tái chế như ống nhựa, gỗ, vỏ xe, thiết bị bỏ đi, dây chì, kẽm… Phát lắp ráp thành những chiếc xe mô hình . Từng chi tiết nhỏ đều được gia công cẩn thận, từ phần khung, động cơ đến hệ thống đèn chiếu sáng… Mỗi chiếc xe mang một dấu ấn riêng về kiểu dáng, màu sắc. Chẳng hạn, Cup 50 CC, Cup 70 CC, xe Dream mang, Honda 67, mô tô phân khối lớn… được làm linh hoạt phần bánh có thể di chuyển như thật. Ngoài ra, Phát còn làm ra máy dầu, máy cắt lúa.
Mỗi chiếc xe mô hình của Phát đều mang một dấu ấn riêng, từ kiểu dáng đến màu sắc
"Trước đây, Phát làm thủ công nên chỉ tạo ra được những chiếc xe nhỏ bằng gỗ, đơn giản. Sau này, nhiều nhà hảo tâm biết hoàn cảnh nên hỗ trợ chi phí để mua máy móc, thiết bị, giúp cháu làm được nhiều xe và hiện đại hơn. Cháu bị khuyết tật , không biết chữ, không ai đào tạo nhưng vẫn mày mò làm ra nhiều sản phẩm độc đáo. Lắm lúc, tôi cũng tự hỏi không biết tại sao cháu làm được như vậy", bà Hoa nói.
Mô hình xe Honda 67
Kiếm tiền từ mô hình xe giúp nội trang trải cuộc sống
Phát không chỉ được biết đến với tài năng mà còn bởi sự thân thiện và nỗ lực vượt qua khó khăn. Người dân ấp Mỹ Giang luôn sẵn sàng hỗ trợ em, từ việc cung cấp vật liệu đến động viên tinh thần.
Chiếc xe Cup 50 CC
Để hoàn thành một chiếc xe, Phát phải dành khoảng 4 ngày, thậm chí cả tuần. Với những dụng cụ đơn giản như kéo, kềm, giấy nhám… Phát dễ dàng làm thành chiếc xe mô hình với từng chi tiết tỉ mỉ.
Những chiếc xe tay ga với kiểu dáng hiện đại cũng được Phát thực hiện đẹp đến từng chi tiết
Theo bà Hoa, thói quen của Phát là làm một loạt nhiều chiếc xe cùng loại. Sau khi tạo khung, làm sườn, Phát gắn yên và các chi tiết nhỏ lại với nhau, sau cùng là sơn màu theo ý thích, rồi gắn biển số. Giá bán mỗi chiếc xe mô hình từ 300.000 - 500.000 đồng. Ngoài ra, để kiếm thêm thu nhập phụ bà nội trang trải cuộc sống, Phát còn học sửa xe đạp .
Những chiếc xe tay ga với kiểu dáng hiện đại cũng được Phát thực hiện đẹp đến từng chi tiết
Hiện, Phát còn làm xe mô hình theo yêu cầu khách hàng, chỉ cần nhìn thấy mẫu là Phát làm được. Xe mô hình do Phát làm ra được nhiều người ưa thích bởi độ tỉ mỉ từng chi tiết, độ bền cao và màu sắc được phối hài hòa, đẹp mắt.
Tiệm sửa xe của Phát
Vừa qua, qua sự hỗ trợ của bà nội, Phát tham gia cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ 8 - năm 2024. Theo đó, dự án "Chế tạo xe mô hình từ vật liệu tái chế" của Phát đạt giải khuyến khích. Đây là niềm khích lệ to lớn để Phát theo đuổi ước mơ làm mô hình.
Theo TN