Những cô gái tạo sinh kế từ nông sản vùng cao

(CTG) Với quyết tâm tạo sinh kế cho bà con, nhiều bạn trẻ ở Sơn La, Bắc Kạn đã lập hợp tác xã sản xuất, đưa nông sản đến mọi miền đất nước.

Đưa mận hậu đi xa

Giới thiệu hồng giòn, mận hậu của Sơn La đến khách hàng ở TPHCM, chị Bùi Phương Thanh (37 tuổi), Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông sản bản địa Nọong Piêu (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) cho biết: “Sơn La là tỉnh có nhiều dân tộc anh em. Nơi đây cũng có nhiều đặc sản nông sản nổi tiếng nhưng khó tìm đầu ra. Tháng 7/2020, chúng tôi lập HTX hướng dẫn bà con làm nông nghiệp sạch, kết nối tiêu thụ đưa đặc sản Sơn La đi xa, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc cùng vươn lên thoát nghèo”.

Những cô gái tạo sinh kế từ nông sản vùng cao ảnh 1

Chị Bùi Phương Thanh giới thiệu đặc sản Sơn La tại TPHCM.

Chọn mận hậu làm cây trồng chủ lực, HTX Nọong Piêu nâng tổng diện tích mận hậu lên tới 46 ha. Đồng thời quy hoạch cụ thể từng vùng sản xuất để tạo ra các sản phẩm khác nhau như vùng mận VIP (cho ra quả to 10-20 quả/kg có giá bán cao gấp 6-8 lần loại thông thường); vùng mận chín sớm; vùng mận chín muộn nhằm đáp ứng những yêu cầu khác nhau của thị trường... Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ, mận hậu của HTX đã đạt kích thước to hơn, chất lượng hơn, tạo nên thương hiệu “mận Ruby” được người tiêu dùng ưa chuộng. “Chúng tôi có 3ha chuyên trồng mận Ruby để xuất khẩu sang thị trường EU vào năm 2023” - chị Thanh vui mừng cho biết.

Ngoài kết nối tiêu thụ bằng phương pháp truyền thống, HTX Nọong Piêu luôn tìm kiếm đối tác liên kết tiêu thụ trực tuyến, bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử và các ứng dụng, nền tảng công nghệ số… Mùa mận vừa qua, chị Phương Thanh đã livestream (phát trực tiếp) bán hàng ngay tại vườn. Qua phát trực tiếp, hàng nghìn đơn hàng đã giao dịch thành công, bán được nhiều mận. Riêng năm 2022, HTX đã tiêu thụ 300 tấn mận cho người dân trên địa bàn; tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động địa phương với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Bún ngũ sắc của cô gái Tày

Hút khách Sài thành bằng những lọn bún ngũ sắc bắt mắt, cô gái Tày Phan Thị Tố Mười (25 tuổi), Giám đốc HTX Tố Mười (Bắc Kạn) chia sẻ: “Từ ý tưởng xôi ngũ sắc của đồng bào dân tộc Tày, HTX đã thử nghiệm thành công đưa các màu sắc tự nhiên vào sợi bún và sản xuất với quy mô lớn. Bún ngũ sắc được sản xuất theo phương pháp truyền thống và nguyên liệu tự nhiên nên đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Những cô gái tạo sinh kế từ nông sản vùng cao ảnh 2

Cô gái Tày Phan Thị Tố Mười khởi nghiệp với bún ngũ sắc.

Tố Mười tốt nghiệp Trường Cao đẳng Bắc Kạn nhưng chị luôn trăn trở tìm hướng đi mới để nâng tầm chất lượng cũng như giá trị cho sản phẩm bún khô của gia đình. Cuối năm 2020, được sự hỗ trợ của địa phương, Tố Mười cùng các hộ sản xuất trong thôn thành lập HTX Tố Mười với 7 thành viên. Với số vốn trên 1 tỷ đồng, HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, hệ thống máy móc hiện đại như: máy xay công suất lớn, máy ép sợi, máy đóng gói...

Sản phẩm bún khô của HTX được làm từ gạo Bao thai do bà con dân tộc Tày ở xã Công Bằng trồng, nên bún làm ra có hương thơm đặc trưng, sợi dai và độ trong nhất định. Chất tạo màu cho bún được làm từ rau củ quả như bí đỏ, lá cẩm, hoa đậu biếc, chùm ngây… Bún khô ngũ sắc khi nấu lên ngoài hương vị, màu sắc đẹp nhưng vẫn giữ được độ dai như bún truyền thống.

Hiện nay, sản phẩm bún khô của HTX còn có tem truy xuất nguồn gốc đã có mặt tại nhiều tỉnh thành như TPHCM, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Bắc Ninh….; giá từ 35.000 - 50.000 đồng/kg.

Giữa tháng 10/2022 vừa qua, tại cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp - đổi mới sáng tạo” lần 8, năm 2022 tổ chức tại TPHCM, dự án Tạo sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc bản địa của chị Bùi Phương Thanh đạt giải ba; dự án của Tố Mười đã giành giải “Dự án bảo vệ môi trường - nông nghiệp phát triển bền vững”.

Ông Hà Việt Quân, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia chia sẻ, những dự án khởi nghiệp từ miền núi của các bạn trẻ có giá trị rất lớn. Ở đó vừa mang giá trị văn hóa cộng đồng, vừa chứa đựng nhiều tiềm năng tài nguyên cụ thể của từng khu vực miền núi. Các bạn bắt đầu từ những sản phẩm đặc thù, giản dị của địa phương nhưng đều mang tính thực tế, có giá trị thương mại. Ngoài ra, các dự án còn mang giá trị động viên và khích lệ, chuyển tải thông điệp rõ ràng rằng, dư địa phát triển sản phẩm của đồng bào dân tộc nói chung còn rất lớn; các sản phẩm đều được đón nhận nhiệt thành từ thị trường và có nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.

Theo TP