Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội. Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho muôn đời sau bản Di chúc thiêng liêng - ngọn đuốc soi đường trên mỗi chặng đường đi lên của đất nước.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đạt được những thành tựu quan trọng trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội gắn với độc lập dân tộc, bước đầu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề "Hành trình vươn tới những ước mơ - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1969 - 2019".
Chúng tôi xin giới thiệu những bức ảnh tư liệu của triển lãm trên trong phần Đổi mới và phát triển (1986-1995) và Hội nhập và cất cánh (1995 – 2019):
Đổi mới và phát triển: Đường lối Đổi mới được đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1986 đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản, có tính quyết định trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Đổi mới không chỉ là một ý chí chính trị, một khẩu hiệu hành động màu - đã lan tỏa, tác động trong suy nghĩ, việc làm của mỗi người dân Việt Nam.
Đổi mới đã làm thay đổi bộ mặt, vị thế của đất nước, kinh tế tăng trưởng, văn hóa phát triển, xã hội ngày càng trở nên năng động và có bước chuyển mình kỳ diệu, quốc phòng được giữ vững, an ninh quốc gia được bảo đảm. Sự chuyển đổi đã giải phóng lực lượng sản xuất, khơi dậy và phát huy được nguồn lực của các thành phần kinh tế, mở ra cơ hội phát triển cho các ngành nghề, lĩnh vực, cơ hội làm giàu cho mỗi người Việt Nam, vì sự phồn vinh của đất nước.
Sau 10 năm đất nước hòa bình, thống nhất, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, song cũng gặp không ít khó khăn, yếu kém do sai lầm, chủ quan, tả khuynh, duy ý chí, làm trái quy luật khách quan gây ra. Những năm 1980, Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá, hàng hóa khan hiếm, thị trường hỗ loạn. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, lòng tin của nhân dân bị xói mòn. Đổi mới để vượt qua khủng hoảng và phát triển ổn định đã trở thành nhu cầu bức thiết của đất nước.
Bộ tiền giấy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát hành lần đổi tiền năm 1985.
Giao thông Hà Nội chủ yếu bằng xe đạp và tàu điện.
Bàn đổi tiền ở khu phố Hàng Buồm, Hà Nội, năm 1985.
Tháng 12/1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức khơi nguồn công cuộc đổi mới toàn diện ở nước ta. Đại hội VI đã quyết định xóa bỏ kinh tế bao cấp, thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; đề ra ba chương trình kinh tế lớn là sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu nhằm cải thiện nền kinh tế.
Thực hiện đường lối đổi mới đất nước theo tinh thần Đại hội VI của Đảng mà trước hết là đổi mới kinh tế đã tạo ra cơ hội phát triển cho đất nước. Từ một quốc gia nghèo đói, Việt Nam đã trở thành một trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Các công trình trọng điểm quốc gia về hạ tầng cơ sở phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đưa vào sử dụng hoặc đầu tư xây dựng mới. Kinh tế tăng trưởng đã làm thay đổi diện mạo đất nước theo hướng ngày một văn minh, hiện đại hơn. Các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường,...được cải thiện. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và tính năng động trong xã hội được nâng lên đáng kể.
Đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, là đường dây truyền tải điện năng siêu cao áp 500 kV đầu tiên tại Việt Nam có chiều dài 1487km, kéo dài từ Hòa Bình đến TPHCM, được khởi công xây dựng vào 5/4/1992 tại huyện Tân Lạc (Hòa Bình) và vận hành vào tháng 5/1994. Công trình truyền tải lượng điện năng dư thừa từ miền Bắc cung cấp cho miền Nam và miền Trung lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Được sự giúp đỡ của chuyên gia giáo sư Chue Shueloe và hãng Sadoz Hong Kong, ngày 4/6/1992, tập thể giáo sư, bác sĩ của Học viện Quân y 103, Bệnh viện Việt Đức đã thực hành thành công ca mổ ghép thận đầu tiên của Việt Nam.
Sau 1 năm thi công khẩn trương, chợ Đồng Xuân (Hà Nội) đã tiến hành và đi vào hoạt động đầu tháng 2/1991. Chợ cao 3 tầng, với tổng diện tích 28.000m2, là nơi tập trung buôn bán của cư dân Hà Nội.
Điện thắp sáng ở bản Phước Tân, huyện miền núi Sơn Hòa.
Hội nhập và cất cánh: Phát huy thế và lực ngày càng gia tăng của đất nước sau 10 năm đầu thực hiện đổi mới, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhằm tranh thủ nguồn lực phát triển từ bên ngoài, Việt Nam đã chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Trong tiến trình hội nhập này, Việt Nam đã đặt ưu tiên cao cho việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tranh thủ vốn, kinh nghiệm quản lý và khoa học công nghệ tiên tiến cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất-kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực cho phát triển. Bức tranh toàn cảnh kinh tế-xã hội ngày một khởi sắc, đời sống nhân dân liên tục được nâng cao, chính trị-xã hội ổn định, an ninh-quốc phòng đảm bảo.
Tổng thống Bill Clinton thông báo Hoa Kỳ quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khép lại quá khứ và mở ra tương lai cho cả hai nước. (Oa-sinh-tơn ngày 11/7/1995).
Lễ kết nạp Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Brunei, tháng 7/1995.
Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Pascal Lany trao các văn bản kết nạp Việt Nam vào WTO cho Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển tại Giơnevơ, Thụy Sĩ, ngày 7/11/2006.
Lễ ký kết Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU, gồm Hiệp định thương mại tự do (AVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) vừa được ký kết sau 9 năm đàm phán. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam, EU là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, mở ra cơ hội phát triển, tăng trưởng thương mại vào thị trường 28 nước. Hà Nội, ngày 30/6/2019.
Nhà máy thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, đi vào sử dụng tháng 9/2012 với 6 tổ máy, cung cấp hơn 10 tỷ kWh điện/năm, là công trình trọng điểm quốc gia, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế Việt Nam.
Đây là mỏ dầu lớn nhất trên thềm lục địa nước ta, là nguồn cung cấp dầu chủ yếu cho Việt Nam hiện nay, góp phần quan trọng trong xuất khẩu dầu khí và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TPHCM đã có sự phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực, đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Tỷ trọng quy mô kinh tế của TPHCM chiếm 1/4 cả nước.
Đoàn tàu Đổi mới qua Vịnh Lăng Cô.
Theo Dân trí