Chị Nguyễn Thụy Thủy Tiên (34 tuổi), làm công việc kinh doanh tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chia sẻ trước đây chị chưa biết đến cách ủ phân từ rác nhà bếp, vỏ rau củ quả, tôm cá thừa nên rác đều mang đi bỏ. Từ khi tham gia các hội nhóm trồng cây tại nhà, chị Tiên học cách ủ phân, vừa tận dụng nguồn rác thải hữu cơ, vừa tiết kiệm được chi phí phân bón và có nguồn thực phẩm xanh sạch phục vụ gia đình.
Khi chế biến thức ăn, một số loại rác thải như vỏ hoa quả, rau củ thừa, bã nước ép, nước vo gạo, bã cà phê, vỏ trứng, xương cá, vỏ tôm… được chị Tiên giữ lại và chia theo loại để chôn trực tiếp dưới đất hoặc ủ rác làm nước tưới cây. Theo kinh nghiệm của chị, với bã cà phê có thể chôn trực tiếp trong đất, còn vỏ rau củ, trái cây các loại thì cắt nhỏ, rắc phân hữu cơ vi sinh trichoderma lên trên, sau đó lấp đất lại, ủ trong vòng một tháng là có thể dùng làm phân bón cây. Vỏ trứng các loại, chị Tiên mang phơi khô, sau đó nghiền nhỏ, dùng để trộn với đất hoặc bón trực tiếp cho cây rất tốt.
Với người mới học cách ủ phân bón tại nhà không tránh khỏi thất bại hoặc có thể bốc mùi hôi khó chịu. Chị Tiên khuyên có thể khắc phục bằng cách mua thêm men ủ cho rác, giúp chúng phân hủy nhanh hơn, nguồn dinh dưỡng của phân bón cũng đảm bảo hơn.
Ở thành phố nhưng gia đình chị Tiên có hẳn một vườn rau trên mái nhà rộng khoảng 30 m2, trồng các loại cây trái và rau quả như dưa hấu, dưa gang, bầu, bí, mướp, khổ qua, xà lách, cải xanh, mồng tơi, rau thơm… Nhờ đó, chị hầu như không cần đi chợ mua thêm mà còn dư để gửi tặng hàng xóm, người thân, bạn bè.
Còn với những người có sở thích và niềm đam mê với đồ tái chế như anh Lê Chí Nguyện (33 tuổi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM), nguồn vỏ lon, chai nhựa bỏ đi có thể làm ra những sản phẩm tuyệt đẹp, giúp kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.
Ban đầu chỉ là sở thích cá nhân, nhưng càng làm càng mê, thấy công việc này thiết thực, vừa có thể tái chế đồ tưởng chừng bỏ đi, vừa có thể làm đẹp không gian sống, cũng kiếm thêm được thu nhập cho bản thân, anh Nguyện tìm tòi ý tưởng để làm xe lửa, máy bay, chậu hoa, trái cây từ vỏ lon, bọc xốp, can nhựa. Không ngờ, sản phẩm tái chế này được người dùng yêu thích, số lượng anh Nguyện làm không đủ bán, nhất là chậu hoa hình thiên nga.
Mỗi chậu hoa anh Nguyện mất từ 2 - 3 tiếng để hoàn thành, gồm các bước vệ sinh vỏ can nhựa, vẽ tạo hình, cắt và trang trí màu. Sau giờ làm ở công ty, anh Nguyện về nhà miệt mài với công việc làm đồ tái chế, mỗi ngày được 1 - 2 sản phẩm, giá bán từ 75.000 đến hơn 100.000 đồng/chậu.
"Ban đầu gia đình nghĩ mình dở hơi vì rảnh rỗi, nhưng khi tạo nên giá trị từ đồ bỏ đi, mọi người đã ủng hộ mình theo đuổi công việc này", anh Nguyện bày tỏ.
Theo TN