Người tìm ra hội chứng Down
Theo New York Times, Down là một hội chứng rối loạn di truyền do có đến 3 nhiễm sắc thể thứ 21.
Những người mắc hội chứng Down gần như đều bị khuyết tật về thể chất và trí tuệ, thường như trẻ 8, 9 tuổi. Chức năng miễn dịch của người bị Down cũng kém hơn, khả năng phát triển cũng muộn hơn.
Điều đặc biệt, tên hội chứng được đặt theo John Langdon Down (1840, Canh Tý - 1921). Từng theo học tại nhiều trường và bệnh viện y khoa nổi tiếng tại nước Anh, ông là người đầu tiên mô tả hội chứng Down vào năm 1866.
Khi đó, dù những hiểu biết về di truyền chưa rộng rãi như hiện nay, ông khẳng định có tác nhân từ bản chất ảnh hưởng đến những ca bệnh khuyết tật về trí tuệ và thể chất của nhiều ca sinh ở London.
Ông cũng nhận ra rằng có sự tương quan giữa tuổi mẹ và khả năng trẻ bị hội chứng Down, càng lớn tuổi thì khả năng mắc bệnh càng tăng.
Hiện nay, y học đưa ra con số trẻ bị Down xảy ra ở khoảng 1/1.500 bà mẹ dưới 25 tuổi, 1/1.000 bà mẹ trên 30 tuổi và 1/100 bà mẹ trên 40 tuổi.
Cha đẻ chiếc lốp xe
John Boyd Dunlop (1840, Canh Tý - 1921) là nhà phát minh đồng thời là một bác sĩ thú y người Ireland.
Theo Daily Mail, năm 1887, khi nghe đứa con trai nhỏ than vãn về chiếc xe 3 bánh đồ chơi bánh gỗ quá xóc, Dunlop nghĩ ra ý tưởng tìm một vật liệu thay thế khiến việc di chuyển êm hơn. Dunlop nghĩ đến việc làm một vỏ xe bằng cao su và bơm hơi vào bên trong cao su, là tiền đề cho những chiếc bánh xe hiện đại.
Ông đã bơm khí vào một ống cao su rồi lắp lên bánh xe bằng gỗ của con trai.
Năm 1888, ông đăng ký bản quyền sáng chế và chính thức được công nhận. Công ty lốp xe Dunlop từ đó cũng ra đời và cho đến nay vẫn là cái tên nổi tiếng về chế tạo và sản xuất sản phẩm này.
Xe lửa trên 1 ray
Washington Post ghi nhận, Louis Brennan (1852, Nhâm Tý - 1932) là kỹ sư và nhà phát minh người Australia gốc Ireland. Thành công lớn nhất của ông là phát minh ra xe lửa chạy trên một đường ray, qua đó tạo bước chuyển mới cho ngành giao thông vận tải.
Đường ray loại này cho xe chạy với tốc độ cao hơn, giữ được độ nghiêng ổn định hơn ở những đoạn cua. Tuy nhiên nhiều người nghi ngờ về độ an toàn của đường ray nên không ai dám đầu tư.
Phải đến năm 1904, Brennan mới nhận được trợ giúp để xây dựng thử nghiệm… mô hình thử nghiệm. Đầu xe lửa 2 mét cùng một mô hình là một đường ray dài tới 800m được thiết kế có cả đoạn cua và đường phụ.
Thành công này đã giúp Brennan nhận được đầu tư từ Chính phủ Anh. Ngoài ra, sáng kiến này cũng là nền tảng cho nhiều mô hình đường một ray khác như một số mô hình tàu lượn, tàu điện, tàu cao tốc…
Người Pháp đầu tiên được Nobel hóa học
Theo The Guardian, Ferdinand Frédéric Henri Moissan (1852, Nhâm Tý - 1907) là nhà hóa học người Pháp đầu tiên nhận giải Nobel hóa học vào năm 1906 với công trình cô lập khí Flo - một trong những chất nguy hiểm đối với con người - từng lấy mạng nhiều nhà khoa học. Từ đấy, môi trường làm việc trong phòng thí nghiệm với Flo trở nên an toàn hơn.
Bên cạnh đó, Henri Moissan còn là người phát hiện ra một loại khoáng vật mới vào năm 1893 khi trong quá trình kiểm tra các mẫu đá từ thiên thạch ở Arizona (Mỹ). Ban đầu, Moissan cho rằng đó là kim cương, nhưng sau gần 10 năm khám phá, đến 1904, ông phát hiện ra rằng đây là cacbone silic (SiC).
Sau này để tưởng nhớ ông, người ta đặt tên cho khoáng vật mới này là Moissanite.
Nguồn TTO
T.LN2