Nình A Lộc- Thủ lĩnh thanh niên vùng cao làm kinh tế giỏi

(CTG) Không chỉ là Bí thư đoàn xã năng nổ, nhiệt huyết, say mê với công tác Đoàn, Nình A Lộc (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) còn được biết đến là một thanh niên làm kinh tế giỏi...


Trong những năm qua, bằng việc say mê tìm tòi, học hỏi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Nình A Lộc đã gây dựng cho mình được một gia trại chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp, cho thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/năm...



Xưởng chế biến miến dong tại nhà của Nình A Lộc.


Đại Dực là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tiên Yên, người dân trong xã chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, mặt bằng dân trí nhìn chung còn thấp, điều kiện phát triển kinh tế lại chưa cao; người dân chủ yếu sản xuất và canh tác phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên cuộc sống chưa ổn định.Trong hoàn cảnh ấy, anh Nình A Lộc - Bí thư Đoàn xã Đại Dực, huyện Tiên Yên luôn suy nghĩ, trăn trở để tìm ra giải pháp và hướng phát triển kinh tế mới cho thanh niên. Từ đó, anh quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa các loại giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Vốn dĩ Đại Dực có nghề truyền thống làm miến dong, năm 2006 khi huyện Tiên Yên có chủ trương hỗ trợ giống cấy dong riềng, anh Lộc hăng hái vận động gia đình và nhiều hộ dân trong xã hưởng ứng đưa vào trồng và đạt năng suất cao. Nhưng do củ dong riềng chỉ dùng để sản xuất miến dong mà lúc đó toàn xã mới có 4 hộ gia đình sản xuất theo phương pháp thủ công nên việc tiêu thụ củ dong riềng gặp nhiều khó khăn. Trong những vụ tiếp theo, do chưa nắm bắt được kỹ thuật, cộng với điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhiều diện tích dong riềng bị chết nên hầu hết các hộ dân chuyển sang trồng các loại cây khác. Thấy khó khăn nhưng anh không nản, anh nhận thấy cây dong riềng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, lại là nguyên liệu chính để sản xuất miến dong nên tiếp tục mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách chọn giống cây, từ đó vận động bà con, hướng dẫn bà con tiếp tục trồng cây dong riềng. Đồng thời anh đứng ra thu mua tất cả củ dong của bà con làm nguyên vật liệu chế biến.

Năm 2012, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cùng với nguồn vốn của gia đình, Nình A Lộc đã xây dựng thêm khu nhà xưởng rộng 100m2 và trang bị dây chuyền sản xuất, chế biến miến dong với số vốn đầu tư hơn 300 triệu đồng. Thời gian đầu, do chưa nắm hết kỹ thuật, nên hầu hết các mẻ miến chưa thành phẩm đã bị hỏng. Không nản chí, anh Lộc tìm hiểu nghiên cứu và điều chỉnh lại máy.  Nhờ có dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất sản xuất miến của gia đình anh tăng lên 80% so với phương thức thủ công trước đó.  Mỗi năm anh sản xuất được hơn 3 tấn miến cho giá trị kinh tế trên 200 triệu đồng. Năm 2013, nhờ sự hỗ trợ của UBND huyện Tiên Yên, miến dong Đại Dực đã được đăng ký bao bì sản phẩm trở thành thương hiệu Miến dong Tiên Yên. Không chỉ tìm cách làm giàu cho gia đình, mà anh Lộc còn hướng dẫn bà con trong xã cách trồng, chăm sóc cây dong riềng sao cho đạt hiệu quả cao. Từ hiệu quả của gia đình anh nhiều hộ khác cũng học tập làm theo. Hiện nay toàn xã đã có hơn 300 hộ trồng cây dong riềng. Ngoài ra anh còn tạo việc làm cho 10 thanh niên trong thôn vào làm tại cơ sở sản xuất của gia đình vừa tạo công ăn việc làm lại có mức thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng/ tháng. Nhờ đó, 5 thanh niên đã giúp gia đình thoát nghèo. Với những thành tích trong việc phát triển kinh tế và giúp đỡ bà con nhân dân, anh Nình A Lộc đã được BTV Tỉnh Đoàn, UBND huyện Tiên Yên khen thưởng. Đặc biệt, tháng 9-2013, Nình A Lộc vinh dự là một trong 6 thanh niên tiêu biểu của tỉnh được nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ VIII của T.Ư Đoàn dành cho 300 nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc.

Sự thành công của anh Nình A Lộc từ mô hình làm miến dong đã khẳng định và chứng minh một điều “Với sự quan tâm, tạo điều kiện của tổ chức Đoàn, sự kiên trì, quyết tâm của bản thân sẽ giúp thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng”. Tấm gương thủ lĩnh thanh niên Nình A Lộc làm giàu từ hiệu quả mô hình làm miến dong đã góp phần giải quyết và tạo việc làm cho nhiều thanh niên, anh sẽ là điển hình cần nhân rộng góp phần phát triển kinh tế xã hội huyện nhà trong những năm tới./.

Diệu Oanh
Tỉnh Đoàn Quảng Ninh