Ninh Bình: Kịp thời gỡ khó về vốn cho thanh niên trong phát triển kinh tế

(CTG) Từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh Ninh Bình, các cấp bộ Đoàn đã triển khai kịp thời, giúp nhiều thanh niên vượt qua khó khăn ban đầu, vươn lên phát triển kinh tế với những mô hình hay, hiệu quả.

 

Chàng thanh niên công giáo đam mê chạm trổ hoa văn trên gỗ

Từng làm đủ nghề để kiếm sống, loay hoay trong tìm định hướng nghề nghiệp, nhưng với sự cần cù và niềm đam mê chạm trổ hoa văn trên gỗ, anh Lê Văn Giang (sinh năm 1993), xóm 12, Định Hóa, Kim Sơn đã vươn lên phát triển mô hình mộc dân dụng trên chính mảnh đất quê hương, dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên địa phương với thu nhập từ 9 triệu đồng/1 tháng.

Đoàn viên Lê Văn Giang, xóm 12, Định Hóa, Kim Sơn, Ninh Bình.

Khi các ngành nghề khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp thì các đơn hàng, hợp đồng của anh Giang vẫn đều đặn được thực hiện, lợi nhuận thu được trừ chi phí là 200 triệu đồng/năm.

“Thời gian tới, với sự quan tâm của Đoàn Thanh niên các cấp, hỗ trợ về vốn theo nghị quyết 43 của HĐND tỉnh, tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình để tiếp tục thực hiện niềm yêu thích tạo ra những sản phẩm nghệ thuật từ gỗ” – Anh Lê Văn Giang chia sẻ. Hiện tại, các sản phẩm từ mô hình mộc dân dụng của thanh niên vùng giáo Lê Văn Giang như: giường, tủ, kệ gỗ, cầu thang, các sản phẩm trưng bày, trang trí với những họa tiết tinh tế, tỉ mỉ đang được nhiều người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và trong cả nước ưa chuộng, đánh giá cao.

Nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp theo nghị quyết 43 của HĐND tỉnh đã được Tỉnh đoàn Ninh Bình triển khai kịp thời tới cơ sở, là “phao cứu sinh” cho nhiều thanh niên ở các địa phương trên con đường tìm hướng đi lập nghiệp, góp phần tạo nên những mô hình phát triển kinh tế mới hiệu quả.

Chuyển đổi mô hình linh hoạt, thanh niên Kim sơn vượt khó trong đại dịch Covid 19

“Vạn sự khởi đầu nan” khi mô hình nuôi lợn vừa gặp khó do dịch tả lợn Châu Phi hoành hành vừa chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid 19 bùng phát và diễn biến phức tạp nhưng với sự nhạy bén, anh Trần Văn Hoan (sinh năm 1988), xóm 8, Thượng Kiệm, Kim Sơn đã nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình nuôi gà lai chọi. Hiện tại, thu nhập trung bình một năm của mô hình này là 2 tỷ đồng, đem lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình.

Anh Trần Văn Hoan xóm 8, Thượng Kiệm, Kim Sơn.

Năm 2019, đứng trước hoàn cảnh khó khăn chồng chất khi lợn thương phẩm rớt giá liên tục, được sự quan tâm của các cấp bộ Đoàn, tạo điều kiện về vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh, anh Trần Văn Hoan đã mạnh dạn thay đổi cách thức làm kinh tế theo nhu cầu của thị trường, chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gà thả vườn, gà lai chọi.

Đến nay, mô hình của anh đã phát triển ổn định với tổng đàn 5000 con gà, mỗi năm cung cấp ra thị trường 24 tấn thịt, thu nhập 2 tỷ đồng. Từ đó, giúp kinh tế gia đình ổn định hơn.

“Nguồn vốn vay 50 triệu đồng theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh đã giúp ích rất nhiều trong việc tạo thêm động lực để thanh niên chúng tôi mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế. Hi vọng trong thời gian tới, thanh niên trong tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và tổ chức Đoàn trong hỗ trợ nguồn vốn để mở rộng sản xuất” – Anh Hoan chia sẻ.

Với tinh thần vượt khó vươn lên, nhiều thanh niên Ninh Bình đã nỗ lực bứt phá để chuyển đổi mô hình kinh doanh, phát triển bền vững trong đại dịch.

Thanh niên Yên Sơn thu lợi nhuận cao nhờ trồng nông sản sạch trong nhà lưới

Từng thất bại nhiều lần với mô hình nông nghiệp truyền thống nhưng đoàn viên Đinh Văn Hợp sinh năm 1991, chi đoàn Đoài Khê, Đoàn xã Yên Sơn, Thành phố Tam Điệp vẫn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để chuyển đổi sang mô hình hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển trong thời đại công nghệ 4.0.

Cuối năm 2020, thanh niên Đinh Văn Hợp đã mạnh dạn trồng các loại nông sản sạch trong nhà lưới với quy trình sản xuất áp dụng công nghệ cao như: hệ thống tưới tự động, các máy móc tân tiến… Mô hình nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của anh được triển khai trên diện tích 800m2, tổng nguồn vốn đầu tư ban đầu khoảng 300-350 triệu đồng. Trong đó, anh Hợp được vay vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp theo nghị quyết 43 của HĐND tỉnh là 50 triệu đồng, còn lại do gia đình, bạn bè giúp đỡ. Với sự quan tâm của Đoàn Thanh niên các cấp, đã tạo động lực để anh Hợp vượt qua những khó khăn ban đầu, vươn lên phát triển kinh tế.

Các nông sản được đưa vào trồng chủ yếu là dưa lưới vàng, dưa leo nhật và rau đông, bước đầu mang lại lợi nhuận từ 250 triệu đồng/ 1 vụ, giúp thanh niên Đinh Văn Hợp ổn định kinh tế; giải quyết việc làm cho 4 lao động thường xuyên và thời vụ với mức lương 4-4,5 triệu đồng/ tháng.

Thời gian tới, với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, anh Hợp dự định mở rộng và nâng cấp mô hình này theo hướng bền vững, đáp ứng tốt hơn về mẫu mã và chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản sạch Yên Sơn ngày càng uy tín và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Thu Thảo
Tỉnh Đoàn Ninh Bình