Nơi rẻo cao đặt niềm tin

(CTG) “Được trải nghiệm, được cống hiến sức trẻ là niềm vui, là hạnh phúc và đây cũng là cơ hội để thực hiện ước mơ, hoài bão lớn lao”. Đó là chia sẻ của Đàm Đức Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn, huyện Văn Chấn khi nói về các trí thức trẻ đang công tác tại tỉnh Yên Bái.

Theo chân Đàm Đức Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn hết buổi chiều, đến tận đêm khuya trong cái đói và rét khi đến từng nhà, chờ đợi để được gặp, nói chuyện với đồng bào về ý nghĩa của việc vui chung một Tết, tham gia sản xuất vụ Đông Xuân mới phần nào hiểu được khát vọng của chàng trai trẻ duy nhất ngoài tỉnh về nhận nhiệm vụ tại Yên Bái. 



Đàm Đức Đông (thứ nhất bên trái) cùng cán bộ Huyện Đoàn, Ban CHQS huyện Mù Cang Chải trao đổi với bà con nhân dân.


Sau hơn hai năm, cái khó về điều kiện sống giờ đây đã không được nói đến. Trong lời tâm sự của Đông, điều mong mỏi nhất bây giờ là làm thế nào để bà con hiểu và thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Để có được thành công bước đầu như ngày hôm nay, ngoài việc tham mưu với cấp ủy phân công mỗi cán bộ phụ trách hai, ba thôn bản làm công tác tuyên truyền, vận động bà con chung vui một Tết, tham gia cấy vụ Đông Xuân. Đông không ngừng nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp và những người đi trước; tranh thủ gặp bà con, trực tiếp xuống ruộng trong các ngày nghỉ và sau mỗi ngày làm việc. "Nhờ cách làm của mình hiện nay diện tích xuống mạ vụ Đông Xuân đạt 51héc ta tăng 11héc ta so với năm 2012 - 2013. Bà con đã không ăn tết riêng của mình mà thống nhất vui chung một Tết". Đông tâm sự.

Ông Mùa A Sùng, bản Trống La, xã Hồ Bốn cho biết: “Cán bộ phân tích rất kỹ, hiểu điều cán bộ nói nên cấy xong thì vui Tết thôi. Đông là cán bộ trẻ, nhiệt tình với bà con. Thường xuyên đến với bà con để tìm hiểu cuộc sống và vận động đồng bào áp dụng kỹ thuật trong sản xuât”.



Đàm Đức Đông cùng cán bộ ban chỉ huy quân sự huyện bên bà con đến tận đêm khuê để vận động đồng bào.


“Ăn tết của đồng bào các con phải nghỉ học không tiếp thu được cái chữ. Đến Tết nguyên đán lại được nghỉ không biết làm gì. Nay ăn chung một Tết, các con về tập trung rất vui và tiết kiệm nhiều hơn. Không ăn thịt trước thì ăn thịt sau mà. Cán bộ Đông bảo vậy rất đúng” Giàng Thị Mỷ, bản Trống La cho biết.

Không chỉ làm công tác tuyên truyền, vận động bà con ăn chung một Tết, tham gia sản xuất vụ Đông Xuân. Trong năm 2013, khi xuống bản Háng A thấy điều kiện học tập của các cháu gặp rất nhiều khó khăn, Đông đã xin ý kiến cấp ủy trực tiếp vận động các tổ chức và nhân dân xây dựng hai phòng học trị giá 100 triệu đồng. Trong đó, trực tiếp Đông vận động được 50 triệu còn lại do bà con đóng góp nguyên vật liệu, ngày công hoàn thiện phòng học khang trang cho các cháu. 

Ông Thào A Chờ, Trưởng bản Háng A, xã Hồ Bốn cho biết: Từ xã vào bản có 12 km thôi nhưng đường đi khó lắm. Đi xe mất hơn tiếng nhưng Đông chịu khó đến, mỗi tuần đến 1 – 2 lần, đi từng nhà để nói về chủ trương của Đảng và Nhà nước; có hôm trời tối không về được ở luôn cùng bà con. " Có được lớp học kia là nhờ Đông nhiều lắm. Cán bộ Đông ở lại đây luôn chắc  đời sống của bà con sẽ ngày càng thay đổi. Để Đông ở lại công tác với bà con mãi nhé…” ông Chờ cười gửi gắm.



Điền Thị Say hướng dẫn bà con cách chăm sóc mạ.


Đánh giá về Đông, ông Giàng A Dê, Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn cho biết: “Đông là trí thức trẻ nhưng chịu khó học hỏi. Là người ngoài tỉnh, không biết tiếng đồng bào nhưng đến nay Đông nói tiếng đồng bào rất giỏi, nhiệt tình trong công việc. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào đồng chí khi giao nhiệm vụ...”.

Cống hiến của anh đã được bà con đánh giá, cấp ủy ghi nhận. Niềm vui trong ngày cuối năm sẽ mãi không bao giờ quên khi Đông được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Đối với Điền Thị Say, quê ở Gia Hội, huyện Văn Chấn về nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND xã Púng Luông hạnh phúc hơn Đông khi là người con của đất Yên Bái được cống hiến sức trẻ cho quê hương mình. Trong lời nói, chúng tôi cảm nhận được hạnh phúc của Say khi kể về những việc mình đã làm được nơi đây. 

Say tâm sự: “Dù chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, nhưng mình sẽ luôn nỗ lực hết mình để vượt qua, để xứng đáng với sự kỳ vọng của người dân vùng khó. Để làm được điều đó thì trước hết phải gần dân, phải làm được những công việc cụ thể để giúp dân”.

Phát huy lợi thế là người tại chỗ, hiểu rõ phong tục, tập quán, ngôn ngữ, địa hình nên Say đã nhanh chóng tiếp cận công việc; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. 



Vận động bà con kế hoạch hóa gia đình.


Cảm nhận đầu tiên khi lên Púng Luông công tác Say thấy mảnh đất này giống với quê mình quá. Bà con chỉ trồng ngô, cấy lúa một vụ nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Chủ trương của xã vận động bà con cấy vụ Đông Xuân đã được triển khai mấy năm nhưng chưa hiệu quả. Say đã tìm hiểu nguyên nhân và thấy rằng bà con nơi đây không nắm rõ kỹ thuật nên mạ thường hỏng ngay từ khâu ủ, chết do rét... Ngoài việc tổ chức hướng dẫn chung, Say đã đến từng nhà hướng dẫn bà con cách ngân, ủ. Chính vì vậy mà năm nay diện tích ruộng cấy vụ đông đã đạt 70 héc ta (xuống xong toàn bộ giống) trong khi đó năm 2012 – 2013 chỉ đạt được 50 héc ta.

Ông Mùa A Tòng, Chủ tịch UBND xã Púng Luông cho biết: “Say là cán bộ trẻ sớm hòa nhập với nhân dân, chị em phụ nữ. Sau hai năm về công tác đã tham mưu rất tốt cho chính quyền kỹ thuật sản xuất nông lâm; gần gũi với bà con và được đồng bào quý mến”.

“Từ ngày có đồng chí Say về, Say thường đi thăm đồng, nương ngô, vận động thanh niên sinh đẻ có kế hoạch. Hướng dẫn cho nhân dân cách trồng, kỹ thuật reo mạ tận tình. Người dân nơi đây phấn khởi lắm. Cảm ơn cán bộ Say nhiều” Bà Lù Thị Máy, bản Mí Háng Tủa Chử xã Púng Luông nói.

Năm 2013, niềm vui đã đến với tân Phó Chủ tịch UBND xã dự án 600 tri thức trẻ khi Say đã xây dựng gia đình. Đây có lẽ sẽ là động lực tiếp theo để cô ổn định cuộc sống, tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho mảnh đất còn rất nhiều khó khăn.

Bằng những việc đã làm được của các trí thức trẻ tình nguyện sau 2 năm đảm nhận trọng trách Phó Chủ tịch UBND xã. Các bạn đã khẳng định và phát huy sức trẻ trong hành trình xây dựng nông thôn mới, góp sức xây dựng quê hương đồng thời góp phần chuẩn hoá đội ngũ cán bộ cơ sở. Chính vì vậy các mô hình; cách thức tuyên truyền, vận động, triển khai công việc… đều nhận được sự hưởng ứng tích cực của cấp ủy chính quyền và của bà con nhân dân tại địa phương.

Với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, 20 trí thức trẻ - 20 Phó Chủ tịch UBND xã đang công tác tại tỉnh nói chung, Đông và Say nói riêng đang lặng lẽ từng ngày học hỏi, rèn luyện để có thêm kiến thức, kinh nghiệm đảm nhận tốt nhiệm vụ được giao. 

Niềm vui lớn nhất của các bạn mỗi độ xuân về xã của mình bớt nghèo hơn, bà con trong xã được đón Tết ấm no, sung túc hơn; sau cái Tết chung mọi người lại xuống đồng chăm sóc lúa, ngô, trẻ em lại cắp sách đến trường tiếp thu cái chữ… thì đó là niềm vui, hạnh phúc mà trí thức trẻ đã tìm thấy ở công việc, nhiệm vụ của mình.

Minh Quang
Tỉnh Đoàn Yên Bái