Nữ giám đốc khiếm thính với khát vọng hỗ trợ cho những người đồng cảnh ngộ

(CTG) Bị khiếm thính từ năm 10 tuổi khiến việc giao tiếp và học tập chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa, chị Lương Kiều Thúy (SN 1991, quê Nam Định) đã vượt qua nghịch cảnh để trở thành giám đốc một công ty nhượng quyền xã hội và quản lý “Tiệm giặt là người điếc” nhằm giúp người khiếm thính có cơ hội việc làm và lấy lại tự tin trong cuộc sống.

Chị Lương Kiều Thúy sinh năm 1991, quê ở Nam Định. Chị bị khiếm thính từ năm 10 tuổi nên gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp và tiếp thu chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa trong những năm tháng đến trường. Nhưng không vì vậy mà nản chí, chị Thúy vẫn luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn và ấm ủ niềm đam mê trở thành một nhà báo. Chị chia sẻ: “Mình và mẹ đều là người khiếm thính, không tiếp cận được với nhiều kiến thức. Chính vì vậy mình mong muốn chọn một nghề mà có thể tiếp cận được nhiều thông tin hơn nên mình đã nuôi ước mơ trở thành một nhà báo. Lúc học hết lớp 9, gia đình mình chuyển đến Hà Nội sinh sống, mình cũng chuyển đến học ở một trường cấp 3 dân lập tại đây. Thực sự, đây là một giai đoạn khó khăn đối với mình, vì càng học lên cao kiến thức càng khó. Mình đã xin ngồi bàn đầu và cố gắng lắng nghe thầy cô giảng nhưng cũng không tiếp thu được. Nhiều lúc viết sai loạn lên mình cũng không hề biết, phải nhìn sang bạn mới phát hiện ra.”

Chị Lương Kiều Thuý (ngoài cùng bên phải) - 1 trong 50 gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021

Học hết cấp 3, chị Thúy đã bước gần hơn với ước mơ trở thành nhà báo khi đã thi đỗ vào trường Cao đẳng truyền hình. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng, chị Thúy đành từ bỏ ước mơ của mình vì chị nhận ra rằng nghề báo không dành cho những người khiếm thính.

Năm 2018, chị Thúy bắt đầu làm photoshop tại một công ty xã hội. Tại đây, chị đã biết đến và tham gia dự án nghiên cứu việc làm cho người điếc. Và cũng thật tình cờ, sau khi kết thúc dự án, chị Thúy đã đến với công việc giặt là thông qua một người bạn khuyết tật. Sau khi trải nghiệm công việc tại 2 cơ sở giặt là bình dân và cao cấp, chị Thúy đã hạ quyết tâm xây dựng nên một cửa hàng giặt là của riêng mình. Với mô hình kinh doanh của mình, chị Thúy mong muốn có thể tạo công ăn việc làm cho những người điếc và giúp họ có thêm niềm vui, tự tin trong cuộc sống.

Đầu năm 2020, với ý tưởng “Giặt là sáng”, chị Thúy đã đạt giải “Cánh Én vàng” tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với đối tượng là phụ nữ khuyết tật. Tháng 10/2020, chị Thúy tiếp tục đạt giải Best Performance khi tham gia chương trình “Ươm tạo và khởi nghiệp, tạo tác động xã hội” do Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tổ chức.

Khi bắt đầu ý tưởng mở tiệm giặt là, chị Thúy đã gặp không ít khó khăn về vốn. Tuy nhiên với niềm đam mê mãnh liệt, chị vẫn kiên trì theo đuổi. Chị chia sẻ: “Mình dẫn theo 2 bạn cùng hoàn cảnh đi học nghề, gặp nhà đầu tư, tai thì nghe bập bõm. Không ít lần mâu thuẫn với nhà đầu tư nhưng mình chỉ có một niềm tin là nhất định ý tưởng này phải được làm, dù có theo cách nào đi nữa. Cuối cùng, cơ duyên kết nối với chủ thương hiệu nhượng quyền 'Giặt ký' nên mình đã quyết định kết hợp liên danh.”

Đến tháng 12/2020, "Tiệm giặt là của người điếc" đã chính thức ra đời. Nằm ở số 7 trên đường bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), tiệm giặt là này có quy mô khá khiêm tốn, hoạt động 24/7 với 1 quản lý, 2 nhân viên. Ban đầu, công việc của chị gặp khó khăn trong việc giao tiếp với khách hàng. “Nhiều người họ không hiểu chúng tôi nói gì nhưng chúng tôi biết kết hợp viết và dùng ngôn ngữ kí hiệu nhiều lần nên dần khách hàng cũng hiểu. Bây giờ trở ngại đó dường như đã được xoá bỏ" – chị kể.

Từ khi mở cửa hàng đến nay, đã có nhiều khách hàng quay lại tiệm giặt đến hơn 10 lần. Nhiều khách hàng biết chị là người khiếm thính nên đã dùng ngôn ngữ cơ thể, sử dụng điệu bộ, cử chỉ để giao tiếp. “Mình luôn nói với các bạn nhân viên rằng, dù mình có là người yếu thế thì khách hàng quay lại hay không vẫn là ở chất lượng dịch vụ”, chị Thuý chia sẻ.

Chị Thuý cũng bộc bạch rằng bản thân sẽ nỗ lực nghiên cứu, mở rộng mô hình này để dạy nghề cho người khiếm thính giúp họ làm chủ cuộc sống của chính bản thân mình. Ngoài mô hình kinh doanh "Tiệm giặt là cho người điếc", chị Thuý còn tích cực tham gia nhiều dự án, hoạt động hỗ trợ thanh niên khuyết tật với các vai trò như Phó ban Truyền thông CLB Thanh niên khuyết tật Thanh Xuân kết nối thành viên khiếm thính với các dự án của Hội Người khuyết tật Thanh Xuân được tài trợ bởi Abilis; Trưởng ban truyền thông Dự án “Thu hẹp khoảng cách giữa người Điếc và người nghe”; Quản lý Dự án “Nghiên cứu tình trạng việc làm của người Điếc”; Trưởng ban đối ngoại Dự án “Dạy kỹ năng mềm cho người Điếc tại Vụn Art”; Quản lý Dự án “Truyền thông về cơ hội việc làm cho người khuyết tật”... Nhờ sự năng nổ và nỗ lực phấn đấu, chị Thuý đạt giải Khuyến khích Cuộc thi tuyên truyền viên phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Giải thưởng Cánh Én Vàng cuộc thi Phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp năm 2020; Giải thưởng Best Performance chương trình Youth co:lab 2020.

Đặc biệt, dịp này, chị Thuý vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.

Diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12/2021, Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN tổ chức, nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.

Đồng thời mong muốn tạo sự lan toả và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam; tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả. Chương trình sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật tiêu biểu có thành tích đặc biệt.

Chương trình Gala “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 dự kiến được tổ chức vào ngày 12 - 13/12/2021 tại Thủ đô Hà Nội.