Trương Thanh Thủy được cộng đồng công nghệ ở Việt Nam gọi bằng nickname Thủy Muối. Cô từng được báo nước ngoài ca ngợi là “Nữ hoàng khởi nghiệp” và được tạp chí Forbes Vietnam vinh danh trong danh sách “Forbes 30 Under 30” năm 2015.
Sau khi tốt nghiệp đại học Nam California (USC) năm 2009, cô quay về Việt Nam thành lập chuỗi cửa hàng Parallet Frozen Yogurt. Năm 2013, Thủy Muối trở thành giám đốc điều hành công ty GreenGar Inc, đưa công ty đến Silicon Valley gia nhập chương trình 500 startup Accelerator.
Đầu năm 2014, sau thất bại với GreenGar, Thủy làm lại từ đầu với công ty Tappy và được công ty Weeby.co mua lại đầu năm 2015.
Vào đầu năm 2016, Thủy một mình lái xe vòng quanh nước Mỹ trước khi quay về Việt Nam bắt tay vào thực hiện những dự án mới. Trong khi đang tham gia sản xuất một bộ phim ở Việt Nam, Thủy bắt đầu cảm nhận những cơn đau kinh khủng trong cơ thể, qua vài cuộc xét nghiệm, cô nhận kết quả ung thư phổi giai đoạn cuối. Dù mới 31 tuổi, nhưng đây không phải lần đầu tiên Thủy nhận “bản án” ung thư.
Năm 21 tuổi, cô đã trải qua một cuộc phẫu thuật để cắt bỏ một khối u. Từ đó, cô đã hứa rằng sẽ sống mỗi ngày như thể là ngày cuối cùng của cuộc đời. Và Thủy đã làm được điều đó. Khởi nghiệp ba công ty, đi phượt một mình qua cả nước Mỹ và xuất bản cuốn sách “Bánh răng khởi nghiệp” (Gear Up), Thủy đã sống tiếp một thập kỉ nữa của cuộc đời mình theo cách mà không mấy ai làm được.
Tháng 4/2017, Thủy đã tổ chức một Hackathon đầu tiên (buổi gặp gỡ để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư) tại trường đại học University of Southern California (USC). Buổi gặp gỡ đã thu hút hơn 50 cơ quan và đại diện của các tổ chức sức khỏe và y tế trên toàn thế giới.
Thủy kể lại, cô đã có những tháng ngày sống hạnh phúc hơn, kể từ khi bị bệnh. Để đánh dấu cột mốc "tái sinh" sau 365 ngày kể từ khi đặt bút viết "Con số 0" đầu tiên, Thủy đã kể lại hành trình này trên blog cá nhân của cô. Những bài viết của cô lúc nào cũng khiến người đọc phải suy ngẫm và âm thầm ngưỡng mộ.
Sau nhiều lần thử nghiệm và có gặp sai sót, Thuỷ đã thành công trong việc triển khai lớp Yoga và chăm sóc bệnh nhân ung thư thiếu nhi hàng tuần tại Sài Gòn và Hà Nội vào tháng 9. Qua thời gian, nhiều người ví Thủy và nguồn cảm hứng cho bệnh nhân ung thư, tuy nhiên cô lại cảm thấy chính những bệnh nhân ung thư mà cô gặp hàng ngày mới là người mang lại động lực cho bản thân mình. Sáng kiến ung thư đã cho cô sức mạnh lớn để bước đi con đường đầy chông gai trong suốt hơn 1 năm qua.
"Tôi tuyển dụng và sàng lọc hàng trăm tình nguyện viên để tìm được một số lãnh đạo trẻ tài năng. Nhóm nghiên cứu tại Việt Nam tổ chức thường xuyên các cuộc gặp gỡ, các sự kiện giao lưu. Họ phát triển rất nhanh và mạnh. Chúng tôi đã tổ chức thành công diễn đàn bệnh nhân ung thư Việt Nam với hơn 500 người tham gia. Nhìn vào mắt của những bệnh nhân và những người đến dự sự kiện, tôi biết rằng tôi có một sứ mệnh lớn hơn để sống cuộc đời không chỉ vì bản thân tôi" - Thủy Muối chia sẻ trên trang cá nhân.
Dù mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng cô gái đầy nghị lực ấy vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Thủy vẫn tích cực giữa chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư. Những nỗ lực của Thủy với USC Michelson Center đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của hiệu trưởng trường đại học này. Michael Quick - Hiệu trưởng Trường USC cho biết: “Trường đại học Nam California rất vinh dự khi được giúp một phần sức lực trong cộng đồng giúp đỡ bệnh nhân ung thư ở Việt Nam của Thủy Trương. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tạo điều kiện giúp đỡ tổ chức của Thủy!”.
"Tôi vẫn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối, và tôi vẫn yêu thương bằng cả trái tim mình" - Thủy Muối chia sẻ.
Nhìn lại những lời cuối cùng Thủy Muối viết trên trang cá nhân, ai cũng sẽ nhớ mãi nữ chiến binh dũng cảm, tài giỏi và giàu lòng nhân ái.
Gần 30 năm trong cuộc đời, tôi tự trách mình cho hàng ngàn việc xảy ra chung quanh mình: "Mình chưa đủ tốt, mình chưa đủ giỏi, mình chưa đủ xinh đẹp, hiếu thảo, ngoan hiền! Vì mình mà...".
Thậm chí khi có được một số thành công nhỏ nhỏ, được vinh danh vào Forbes 30U30 chẳng hạn, tôi cũng tự cảm thấy hổ thẹn vì những gì mình làm được vẫn còn quá nhỏ bé, quá ít ỏi so với những bạn bè còn lại. Thay vì vui sướng, tôi mang một cảm giác nặng nề vì cảm thấy mình chưa xứng đáng!
Nhưng cũng vào năm 30 tuổi, tôi đón nhận cái tin ung thư như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt. Khi đó, tôi buộc phải chấp nhận rằng tôi chẳng còn đủ thời gian để xin lỗi, chẳng còn đủ thời gian để hối hận, vì tháng ngày sau này chắc chắn là ngắn hơn phía trước. Tôi, dẫu sao cũng đã có một tuổi thanh xuân rực rỡ hơn rất nhiều người, hà cớ gì mà cứ phải cân đo đong đếm bản thân!
Ung thư, bằng cách nào đó, dạy cho tôi cách mở lòng mình nhiều hơn, nhìn cuộc sống với một góc nhìn khác. Tôi thôi không còn so sánh mình với ai khác, mà chỉ tự so sánh với chính bản thân của mình ngày hôm qua - từ những việc nhỏ nhất như hôm nay đi nhiều hơn hôm qua 200 bước chân, hay là hôm nay ăn được thêm một bát cháo, hay đọc được thêm một bài báo khoa học liên quan đến căn bệnh của mình.
Tôi cũng đã từng mặc cảm vì căn bệnh của mình, coi nó là một điều khiếm khuyết, không trọn vẹn! Nhưng...
Hai chữ "viên mãn" cũng chính do con người viết ra thôi mà...
Nguồn: Tổng hợp
T.LN