Nguyễn Kiều An, 22 tuổi, là sinh viên năm cuối ngành Khoa học chính trị, Đại học Okayama, Nhật Bản. Tháng 9 năm nay, An mới tốt nghiệp nhưng đã trúng ba học bổng thạc sĩ toàn phần, gồm Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu, học bổng Viện Nghiên cứu sau đại học Geneva (Thụy Sĩ) và Đại học Trung Âu (Áo).
Trước khi ứng tuyển, An kể đứng trước hai lựa chọn: tập trung xin thực tập và tìm việc ở Nhật Bản hay "tất tay" cho hồ sơ du học. Gia đình không có khả năng chi trả cho An du học, nên nếu không xin được việc ngay khi tốt nghiệp, lại không còn được hỗ trợ tài chính, cô sẽ gặp rắc rối lớn. Dù vậy, cô vẫn quyết định chọn vế thứ hai.
"Mình đã biến điều này từ áp lực thành động lực trong quá trình tìm học bổng", An nói.
Bố An là người Việt, mẹ gốc Campuchia, sinh sống ở Hà Nội. Trong bài luận (thư động lực) xin học bổng, An cho biết đặc điểm gia đình là lý do khiến cô muốn theo đuổi các lĩnh vực liên quan xã hội học trong môi trường quốc tế.
Thời gian đại học, được tiếp xúc các môn về di cư, quan hệ chính trị, An càng chắc chắn hơn về lựa chọn của mình. Quá trình nhận thức này được cô kể trong bài luận, cho rằng mình có thể đóng góp góc nhìn của một người mang hai dòng máu, cũng là du học sinh để chương trình học được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh.
"Xong bài luận chính, mình cảm giác như hoàn thành 50-60% hồ sơ du học", An cho hay.
Trong các yếu tố còn lại, cô đầu tư cho CV (Europass) và thư giới thiệu. Đây cũng là hai yếu tố mà ứng viên có thể chuẩn bị từ sớm.
An chủ động gặp thầy cô, chia sẻ về dự định của mình. Vì chưa tốt nghiệp, trường của An cũng chưa có xếp hạng sinh viên nên để có minh chứng về lực học, ngoài điểm trung bình 96/100 (thuộc top 2%), An nhờ giáo sư đề cập thứ hạng của cô trong môn mà họ phụ trách khi viết thư giới thiệu.
Xin học bổng khi chưa tốt nghiệp là điều khiến An lo lắng nhất. Bởi một số chương trình chỉ nhận ứng viên đã có bằng cử nhân, thậm chí đi làm tối thiểu hai năm.
Để gia cố hồ sơ, An làm nghiên cứu khoa học. Các bài nghiên cứu của An chủ yếu được phát triển từ tiểu luận hết môn. Bài đầu tiên được đăng trên website trường, viết về tác động của ký ức chiến tranh tới góc nhìn cuộc sống và quan điểm nuôi dạy con cái của những người di cư.
"Thấy một bài hơi ít, trong thời gian chuẩn bị hồ sơ, mình cố gắng hoàn thiện một bài nữa", An kể.
Lần này, cô chủ động trao đổi với giảng viên, mong được chữa bài và nhận gợi ý chi tiết để hoàn thành nghiên cứu cùng thời điểm kết thúc môn học. Trong nghiên cứu này, An viết về phụ nữ trong chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng được đăng trên website trường.
An nhìn nhận nếu không có nghiên cứu được công bố trên các tạp chí, diễn đàn khoa học, ứng viên có thể tận dụng kênh của trường hay câu lạc bộ chuyên môn. Nhiều chương trình học bổng vẫn chấp nhận điều này.
Ngoài ra, An là một trong 15 đại diện của Nhật Bản tham gia viết gợi ý chính sách di dân do biến đổi khí hậu dành cho thanh thiếu niên tại Tokyo, nhằm đóng góp các khuyến nghị cho COP28 - Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2023.
Là người tư vấn, anh Phan Quang Nghĩa, cựu du học sinh chương trình Erasmus Mundus khóa 2020-2022, đánh giá hồ sơ xin học bổng của An mạnh, có định hướng rõ ràng và thống nhất với hoàn cảnh cá nhân.
"Bài luận của An gọn gàng, đủ ý. Hồ sơ cũng thể hiện khả năng nghiên cứu học thuật. Bạn có gần hai năm làm trong tổ chức phi chính phủ The Climate Reality Project về biến đổi khí hậu, giúp hồ sơ thêm sức nặng, cho thấy có thể nghiên cứu từ góc độ tiếp cận chính sách", anh Nghĩa nói.
Kiều An cũng chủ động khi làm việc và chưa từng trễ hẹn. "Khi cần giúp đỡ, bạn luôn trình bày rõ nhu cầu, không đặt những câu hỏi chung chung. An là người thẳng thắn, tư duy mạch lạc".
Trong ba học bổng, An chọn Eramus Mundus, ngành Nghiên cứu toàn cầu (Global Studies). Cô sẽ trải qua hai năm học thạc sĩ tại Đại học Vienna (Áo) và Ghent (Bỉ), được miễn học phí (khoảng 1,5 tỷ đồng) và nhận hỗ trợ 1.400 euro mỗi tháng cùng tiền bảo hiểm.
Ngoài thời gian học, An muốn duy trì hoạt động tại The Climate Reality Project Japan, tham gia COP29 tại Azerbaijan, tìm thêm cơ hội nghiên cứu để xin học bổng tiến sĩ sau này.
Nhìn lại, cô thấy mình may mắn khi sớm cảm nhận được lĩnh vực muốn theo đuổi. Bởi khi hiểu bản thân, ứng viên mới xây dựng được hồ sơ phù hợp với các tiêu chí của chương trình.
"Mình không phải người có điểm số cao nhất, nhưng mình làm nổi bật được lý do và động lực muốn đi học", An nói. "Người được chọn không phải lúc nào cũng giỏi nhất, mà là người phù hợp nhất".
Theo Vnexpress |