Có thể đấy là những trường hợp ngoài quy định nên cần xin thủ tướng. Người ta còn nhớ vài tháng trước Hà Nội trình Thủ tướng phê duyệt phương án thay đổi giờ làm việc để giảm ách tắc giáo thông, hoặc việc nợ nần giữa hai doanh nghiệp cũng đẩy lên Thủ tướng để xin chỉ đạo.
Theo tôi, những việc như vậy không phải, không thể và không nên là việc của Thủ tướng mà là việc của các Bộ, các chính quyền địa phương, của tòa án, của các doanh nghiệp. Nếu Thủ tướng phải giải quyết những việc không phải của mình như vậy, thì còn đâu thời gian, sức lực để giải quyết công việc trọng đại của đất nước.
Và còn có vô vàn việc khác mà người ta luôn phải trình, hay muốn đẩy lên cấp trên, khiến cho sự chủ động, năng động của cấp dưới bị triệt tiêu hay để tránh trách nhiệm khi có vấn đề. Xem ra kiểu tư duy “nhà nước lo từ cái kim sợi chỉ cho dân” của thời bao cấp vẫn còn dấu ấn hay chỉ biến dạng.
|
Có thể các quy định hiện hành bắt cấp dưới phải trình, phải xin phép những việc mà thực ra họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm hay có quyền quyết định. Phải sửa các quy định như vậy. Phải phá cái cơ chế tạo cho cấp dưới có thể ỷ lại và buộc cấp trên phải ôm đồm. Về mặt kỹ thuật và tổ chức việc phân công, phân quyền quyết định và cùng với nó là phân trách nhiệm, là việc không khó. Nhưng việc thực hiện có thể bị các nhóm lợi ích khác nhau chi phối và có thể dẫn đến tình trạng bế tắc.
Các cơ quan nhà nước, các chính quyền địa phương thường hay “xin cơ chế” để được chủ động hơn, nhưng cũng nhiều trường hợp họ vin vào “cơ chế” để đẩy trách nhiệm lên trên khi gặp các vấn đề khó giải quyết của chính họ.
Trường hợp “xin cơ chế” thoáng hơn, để bên dưới, để địa phương chủ động hơn, nhiều quyền hơn nghe có vẻ hợp lý. Nhưng nếu mỗi nơi, mỗi ngành, mỗi tổ chức chính trị-xã hội “xin cơ chế” đặc thù cho riêng mình thì sẽ loạn.
Mà không chỉ có các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, mà ngay cả các doanh nghiệp tư nhân đôi khi cũng có nếp nghĩ như vậy. Tôi nhớ cách đây khoảng 15 năm, lúc bắt đầu giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Phan Văn Khải đã có sáng kiến tổ chức gặp giới doanh nhân hàng năm. Đó là một sáng kiến hay và đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh doanh. Nhưng trong các cuộc gặp ấy, đã có một số doanh nghiệp “xin phép” được làm những việc của chính họ hay yêu cầu thủ tướng giải quyết những việc không phải và không thể là việc của thủ tướng. Và đôi khi thủ tướng cũng giải quyết hay lệnh cho các cơ quan giải quyết thật. Tôi đã nói đùa với một phó chủ nhiệm ủy ban, người tháp tùng thủ tướng tham dự cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy, rằng cứ cách này thì cô quét dọn sẽ phải xin phép quét nhà bằng loại chổi nào và quét ra sao. Gần 15 năm sau vẫn có đại gia xin Thủ tướng gợi ý cho doanh nghiệp nên làm thế nào ở diễn đàn Quốc hội và cũng may là câu “chất vấn” ấy đã không được Thủ tướng trả lời. Hãy bỏ qua khả năng suy diễn rằng họ muốn lấy lòng ai đó, hãy coi các đề xuất, câu hỏi của họ là chân thật. Kiểu tư duy như vậy rõ ràng là kỳ quặc.
Tôi đã nhiều lần viết về phân công lao động, về chuyên môn hóa, về người (cơ quan) nào làm việc của người (cơ quan) ấy và không làm lẫn việc của nhau. Vì làm được thế thì năng suất lao động sẽ tăng, còn ngược lại thì làm ăn không hiệu quả và còn gây bao hậu quả không hay khác.
Đáng tiếc, cái cơ chế tạo điều kiện ỷ lại ấy, kiểu tư duy ỷ lại ấy vẫn còn đầy rẫy. Và nó ngày càng ít đi trong khu vực tư nhân (đơn giản vì sự cạnh tranh trên thương trường đằng nào cũng đào thải các doanh nghiệp như vậy), nhưng vẫn khá phổ biến ở các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan nhà nước. Có cơ chế tạo ra các khuyến khích để loại bỏ, hay vô hiệu hóa cách làm ăn ỷ lại là việc xã hội và nhà nước cần tìm ra hay học hỏi và áp dụng từ kinh nghiệm của các nước khác (tương tự như cạnh tranh thị trường làm trong khu vực tư nhân).
Phân công lao động, chuyên môn hóa, phân rõ quyền hạn, trách nhiệm cho các cấp dưới,… là những vấn đề không có gì mới trong “công nghệ quản lý”. Thay đổi cách tổ chức, cách quản lý, chọn người phù hợp với công việc sao cho ai làm việc của người ấy và phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, để mọi bộ phận chủ động, năng động, tránh chồng chéo, là cách làm tăng hiệu quả hoạt động rất hữu hiệu và ít tốn kém.
Làm được thế sẽ giúp chúng ta phát triển bền vững hơn nhiều.
Theo Lao Động