Phong học hàm ngày càng tù mù, rối rắm!

(CTG) Những nhà khoa học chân chính luôn luôn là tài sản quý của quốc gia. Danh hiệu GS, PGS sinh ra nhằm để tôn vinh họ. Hãy làm điều này thật rõ ràng, minh bạch, đơn giản và nghiêm cẩn để các nhà khoa học cảm thấy vinh dự, còn xã hội thì yên tâm.


Học nước người không đến nơi đến chốn...

Dư luận xã hội đòi hỏi việc công nhận chức danh GS, Phó GS ngày càng chặt chẽ, nghiêm túc là một đòi hỏi lành mạnh, chính đáng vì GS, PGS là những danh hiệu cao quý. Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước hiểu được điều này, cố gắng đổi mới nhưng các quy định ngày càng rối rắm và tù mù. Hơn nữa, nay (khi thực hiện Quyết định 174/2008/QĐ-TTg) nảy sinh thêm một công đoạn là bổ nhiệm chức danh GS, PGS.

Trong khi tâm lý và hoạt động "xin- cho" còn khá phổ biến trong xã hội, thì việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS cũng lại tạo ra một địa hạt thuộc "xin- cho" mới: Những người đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS lại phải "xin" được bổ nhiệm.

Hơn nữa, việc "xin" này còn trở nên bức xúc hơn khi Quyết định 174/2008/QĐ-TTg chỉ rõ- "Đối tượng được bổ nhiệm chức danh GS, PGS: Nhà  giáo đã được được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS không quá 2 năm... ...Định kỳ 3 năm 1 lần, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học tiến hành rà soát, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao của các GS, PGS để xem xét việc giao nhiệm vụ tiếp theo."

Như vậy nếu sau  2 năm, những người được công nhận đủ tiêu chuẩn GS, PGS không được bổ nhiệm thì văn bằng coi như thành... giấy lộn. Quy định này có lẽ chỉ có ở Việt Nam.

Đây là hậu quả của việc học nước ngoài không đến nơi đến chốn. Hiện nay trên thế giới vẫn tồn tại nhiều quan niệm về giá trị và vị trí của chức danh GS. Một số nước công nhận những người đủ tiêu chuẩn là GS, không cần căn cứ vào vị trí người đó làm việc.

Một số nước khác lại cho rằng, hiệu trưởng, trưởng khoa là công việc quản lý ở trường đại học, có thể không cần phải chọn GS ở cương vị này. Còn GS là chức vụ được chọn từ  người trực tiếp giảng dạy có uy tín khoa học.

Trong một khoa (của trường đại học) chỉ có một số vị trí cần chức danh GS. Đó là những nhà khoa học đứng đầu chuyên môn về ngành nghề cụ thể ở đơn vị khoa học đó.  Khi vị GS đó về hưu, chuyển đi nơi khác, hoặc không xứng đáng nữa thì miễn nhiệm và tuyển chọn để bổ nhiệm người thay thế.

Việt Nam hiện nay làm một lúc cả hai dạng: Vừa công nhận đủ tiêu chuẩn chức danh, vừa bổ nhiệm. Đây là cách làm không giống ai, rất pha tạp, rối rắm và lại tạo điều kiện cho tiêu cực. Nếu những ai phải chạy để được công nhận GS, PGS thì phải chạy cả 2 cửa, công nhận và bổ nhiệm.

Trong 30 năm qua ( 1980 - 2010 ) ở Việt Nam đã xét phong, bổ nhiệm và công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS cho 1 407 nhà giáo, nhà khoa học; chức danh PGS cho 7569 nhà giáo, nhà khoa học.

GS suốt đời và GS...lo ngay ngáy

Cái câu: "GS, PGS là chức danh hay chức vụ?" được xem là câu đố khó vì chưa thấy ai trả lời rõ ràng, khúc chiết. Trong văn bản chính thức, khi thì gọi là "chức vụ khoa học", lúc gọi là "học hàm", bây giờ gọi là "chức danh".

Nay chức danh GS, PGS vừa phải được công nhận đạt tiêu chuẩn, vừa phải được bổ nhiệm nên mọi người lại càng không biết đó là chức danh hay chức vụ?!

Lại nữa, hiện nay tại Việt Nam đang tồn tại GS, PGS suốt đời và GS, PGS có thời hạn, bởi Quyết định 174/2008/QĐ-TTg chỉ rõ: "Các GS, PGS đã được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong, công nhận hoặc bổ nhiệm trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục giữ chức danh GS, PGS".

Nghĩa là GS, PGS được công nhận trước 2007 không cần phải bổ nhiệm, cũng chẳng ai giao nhiệm vụ, cũng không có chuyện bãi miễn nên họ là những GS, PGS suốt đời. Còn các GS, PGS được công nhận từ năm 2009 trở về sau, luôn luôn trong tình trạng lo ngay ngáy xem sau 3 năm có được bổ nhiệm lại hay không?

Điều này có ý tốt là buộc các GS, PGS phải nỗ lực liên tục, nhưng nó bất công ở chỗ có hàng ngàn GS, PGS khác chẳng cần phải làm gì vẫn giữ được chức danh.


Những đòi hỏi quá cao, phi thực tế...

Một trong những điểm rất yếu của các nhà khoa học Việt Nam là việc kém ngoại ngữ. Có lẽ muốn cải thiện điều này mà Quy chế quy định những điều phi thực tế. Trong quy định "Sử dụng thành thạo ngoại ngữ" chỉ rõ:"Ứng viên được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS phải thành thạo 1 trong 5 ngoại ngữ: Anh, Đức, Nga, Pháp, Trung.

Ứng viên xét đạt tiêu chuẩn chức danh PGS phải thành thạo 1 ngoại ngữ bất kỳ. Từ ngày 01/01/2011 trở đi, ứng viên xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS phải sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh".

GS, PGS được công nhận trước 2007 không cần phải bổ nhiệm, cũng chẳng ai giao nhiệm vụ, cũng không có chuyện bãi miễn nên họ là những GS, PGS suốt đời. Còn các GS, PGS được công nhận từ năm 2009 trở về sau, luôn luôn trong tình trạng lo ngay ngáy xem sau 3 năm có được bổ nhiệm lại hay không?

Điều này có ý tốt là buộc các GS, PGS phải nỗ lực liên tục, nhưng nó bất công ở chỗ có hàng ngàn GS, PGS khác chẳng cần phải làm gì vẫn giữ được chức danh.

Khái niệm "Sử dụng thành thạo ngoại ngữ" trong chuyên môn được xác định bởi các nội dung sau (cho cùng một ngoại ngữ): a. Đọc hiểu được các tài liệu chuyên môn viết bằng ngoại ngữ; b. Viết được các bài báo chuyên môn bằng ngoại ngữ; c. Trao đổi (nghe, nói) về chuyên môn bằng ngoại ngữ.

Khái niệm "giao tiếp được bằng tiếng Anh" được giải thích như sau:"Tức là diễn đạt được những điều muốn trình bày cho người khác hiểu bằng tiếng Anh và hiểu được người khác nói tiếng Anh".

Đây là đòi hỏi rất cao và rất khó; khó hơn đòi hỏi "đọc hiểu được các tài liệu chuyên môn", bởi khi đọc có thể sử dụng từ điển, còn khi giao tiếp thì không thể. Với kinh nghiệm của mình và những người bạn biết vài ngoại ngữ trở lên, tôi khẳng định: Người đạt được những kỹ năng này phải rất giỏi tiếng Anh.

Như vậy là quy chế đòi hỏi các ứng viên phải biết tới 2 ngoại ngữ!? Nếu thực hiện nghiêm điều này, tôi bảo đảm số người đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm nay sẽ giảm tới 80% so với năm 2010.

... Và không rõ ràng

Mặc dù trong Lời nói đầu "Văn bản pháp quy và tài liệu hướng dẫn về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2011" GS- TSKH Trần Văn Nhung viết: "Các văn bản pháp quy đã ban hành ngày càng được hoàn thiện", nhưng khi đọc kỹ, tôi có cảm giác những người soạn thảo, hoặc là muốn việc công nhận và bổ nhiệm GS, PGS thêm rối rắm, hoặc là hơi kém về biểu đạt trong văn bản nên làm cho mọi việc không rõ ràng.

Hiểu thế nào khi trong "Văn bản pháp quy" đòi hỏi: Vừa trao đổi được (nghe, nói) về chuyên môn bằng ngoại ngữ, vừa "giao tiếp được bằng tiếng Anh"? Vậy tiếng Anh với người Việt không phải là ngoại ngữ hay sao?

Thêm nữa, với người sử dụng thành thạo tiếng Anh trong chuyên môn, hoặc những người làm luận án tiến sỹ ở những nước nói tiếng Anh, có cần phải được công nhận "giao tiếp được bằng tiếng Anh" không?

Hay buộc họ phải "giao tiếp được bằng một thứ tiếng khác, ngoài tiếng Anh". Nếu Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước có ý định buộc GS, PGS biết 2 ngoại ngữ thì phải quy định như vậy. Song, trong "Văn bản pháp quy" lại không có điều đó.

Muốn điều tốt hơn nhưng kết quả luôn ngược lại

Trong vài chục năm trở lại đây, ngành giáo dục luôn luôn có những đổi mới với hy vọng mọi sự tốt đẹp hơn nhưng kết quả trên thực tế thường là ngược lại. Những đổi mới trong việc công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS cũng có thể chịu chung số phận như vậy.

Việc xét công nhận chức danh GS, PGS đã có nhiều chuyện tiêu cực, nay thêm công đoạn "bổ nhiệm" nữa nên chắc chắn còn phức tạp hơn. Bắt đầu từ năm 2009, tất cả những ai được công nhận đạt chuẩn GS, PGS nhưng vẫn phải chờ sự bổ nhiệm của một trường đại học nào đó có nhu cầu thì khi đó mới chính thức trở thành GS, PGS.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, quy định này trên thực tế bắt những người đạt tiêu chuẩn GS, PGS phải đi xin việc. Việc này tạo ra rất nhiều điều không hay. Ví dụ, có quan chức cùng một lúc xin bổ nhiệm ở 3 trường đại học. Lại có quan chức nộp hồ sơ xét GS, PGS ở một cơ sở đại học này nhưng khi xin bổ nhiệm lại ở một  trường đại học khác...

Quy định không rõ ràng, thực hiện không triệt để, thủ tục rườm rà, nặng nề sẽ làm nảy sinh những điều khuất tất. Điều này làm cho những nhà khoa học chân chính cảm thấy bị tổn thương, hoặc chán nản.

Sinh thời, Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến không bao giờ đề cập tới chuyện phong GS, PGS. Nhưng bạn bè, đồng nghiệp, học trò của ông nói rằng, ông đã từng nằm trong danh sách phong chức danh khoa học cao quý. Tuy nhiên, sợ thủ tục rườm rà và chuyện phải "xin" nên ông thôi.

Thế là cho đến khi rời bỏ thế giới này, Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến không có chức danh khoa học gì cả. Nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng gì tới sự nghiệp của ông. Để lại những tác phẩm, những công trình khoa học có giá trị, ông được mọi người kính trọng.

Những nhà khoa học chân chính luôn luôn là tài sản quý của quốc gia. Danh hiệu GS, PGS sinh ra nhằm để tôn vinh họ. Hãy làm điều này thật rõ ràng, minh bạch, đơn giản và nghiêm cẩn để các nhà khoa học cảm thấy vinh dự, còn xã hội thì yên tâm.


Theo Tuần Việt Nam