Phóng viên nhí chống biến đổi khí hậu ở Avao

(CTG) CLB phóng viên trẻ em phòng chống thiên tai là một trong rất nhiều dự án về bảo vệ môi trường và con người mà tổ chức Plan đang phối hợp cùng nhiều các tổ chức phi chính phủ khác thực hiện tại dải đất miền trung quanh năm bão lũ.


Hồ Là Hơi, cậu học sinh lớp 8 dân tộc Vân Kiều tại xã Avao, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, có nước da sẫm màu, vóc người nhỏ thó trông chỉ như một cậu bé 8 tuổi. Nhưng nổi bật trên khuôn mặt sạm nắng là đôi mắt nâu lanh lợi, thông minh nhất là khi Hồ Là Hơi thay mặt Câu lạc bộ (CLB) phóng viên trẻ em của Trường THCS Thuận mô tả về những tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đến bản làng.



Các phóng viên nhí Avao tác nghiệp khi lũ về.

“Lũ không phải do Giàng”…

CLB phóng viên trẻ em phòng chống biến đổi khí hậu tại Avao có 6 thành viên, được tuyển chọn từ những học sinh xuất sắc nhất của Trường THCS Thuận, xã Hướng Hóa, huyện Quảng Trị. Với sự tài trợ của tổ chức Plan, các em đã tập làm quen với máy quay phim, trực tiếp viết kịch bản và dựng một bộ phim ngắn về thảm họa thiên tai tàn phá môi trường.

“Trước khi tham gia CLB phóng viên trẻ em, em chỉ nghĩ rằng cứ đến mùa là phải chạy lũ. Em chỉ biết người lớn nói lũ là do Giàng tạo ra”, Hồ Là Hơi nói. “Nhưng sau khi được tập huấn, được nghe các anh chị tại dự án Plan nói chuyện, em đã hiểu lũ lụt ở bản làng em ngày càng nhiều là do người dân chặt phá rừng và do biến đổi khí hậu”, Hồ Là Hơi cho hay.

Theo anh Nguyễn Hoàng Sung - cán bộ dự án Plan tại Quảng Trị, nơi tài trợ và huấn luyện cho câu lạc bộ - phải mất nhiều ngày làm quen, các nhân viên dự án mới phá được vỏ bọc e dè của các em. Nhưng khi đã quen rồi, các thành viên trong CLB phóng viên trẻ em Avao đã rất tích cực và năng nổ trong việc học hỏi và làm quen với những khái niệm mà có lẽ trước đó các em chưa từng bao giờ nghe tới: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nước sạch…

Hồ Thị Ngam – nhóm trưởng của CLB – cho biết, ban đầu tất cả đều rất lóng ngóng vì đó là lần đầu tiên được nhìn thấy máy quay phim. Nhưng sau một tuần tập huấn, các em đều đã rất tự giác phân công nhau các vị trí tạo ánh sáng, quay phim, phỏng vấn, đọc lời bình, viết kịch bản. Bộ phim được các em dựng cảnh đúng vào ngày mưa lớn tràn xuống bản làng, làm sạt cả một góc đường.

“Khi đứng quay, em vừa vui, vừa run. Em vui vì sẽ giúp dân làng hiểu ra nguyên nhân gây lũ lụt, nhưng run vì sợ làm hỏng máy quay và sợ bị té xuống suối”, Hồ Minh Trường – người được phân công vị trí quay phim cho biết.

CLB phóng viên trẻ em Avao đã hoàn tất bộ phim trong vòng tổng cộng 2 tuần một cách rất chân thực và chuyên nghiệp, gây ngạc nhiên đối với ngay cả các cán bộ Plan – những người luôn sát cánh bên đội phóng viên nhí.

Bộ phim ngắn khoảng 4 phút được mở đầu bằng lời kể về trận lũ lịch sử từng xảy ra ở chính xã Thuận nhỏ bé của các em. Các em trổ tài “họa sĩ” vẽ những bức tranh sinh động về cảnh mưa lũ cuốn trôi nhà cửa, lợn gà, còn trẻ em vùng vẫy trong làn nước dữ. Như những phóng viên chuyên nghiệp, các em phỏng vấn dân bản về những nỗi đau khi cơn lũ qua đi, khi làng bản vốn đã nghèo càng trở nên hoang tàn, xơ xác.



Thực hiện các cảnh quay.

Bộ phim đã được Đài truyền hình Quảng Trị phát sóng nhiều lần, được trình chiếu tại hơn 20 trường trong tỉnh, tại các hội thảo và sự kiện cấp tỉnh và cấp quốc gia như tại Hội thảo quốc gia về biến đổi khí hậu, tuần lễ Giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở Việt Nam hồi tháng 5.2011.

“Khi xem phim xong, có nhiều bạn của em rơi nước mắt. Nhưng cũng nhiều bạn bảo phim không hay”, Hồ Là Hơi hồn nhiên. “Còn bố mẹ em bảo đã hiểu lũ lụt không phải do ông trời mà là do chặt phá rừng. Bố mẹ còn bảo, từ nay nếu em ốm sẽ đưa đến bệnh xá xin thuốc, chứ không cúng như trước nữa”.

“Các em đã tham gia quá trình làm phim một cách hoàn hảo, từ khi bắt đầu cho đến khi hoàn thành bộ phim. Dù phim chỉ dài 4 phút, nhưng các em đã đưa ra những thông điệp rất hữu ích cho cộng đồng. Các em đã hiểu được tác hại cũng như tác động của thiên tai đối với cuộc sống. Tôi tin tưởng rằng, thông điệp của bộ phim sẽ được truyền tải mạnh mẽ đến bố mẹ, dân bản và bạn bè của các em”, bà Sasinapa Asavaphanlert - đại diện Cơ quan viện trợ nhân đạo thuộc Ủy ban châu Âu (ECHO) – bày tỏ sau khi xem phim.

Phòng hơn chống

CLB phóng viên trẻ em phòng chống thiên tai chỉ là một trong rất nhiều dự án về bảo vệ môi trường và con người mà tổ chức Plan đang phối hợp cùng nhiều các tổ chức phi chính phủ khác đang thúc đẩy thực hiện tại dải đất miền trung quanh năm bão lũ.

Ông Bằng – Phó Chủ tịch UBND  xã miền núi Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, Đồng Hới, Quảng Bình – cho biết hiện nay tất cả các thôn trong xã đều đã thành lập đội xung kích chống bão lũ, lập các đội cứu trợ giúp người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai. Do địa bàn khắc nghiệt “chảo lửa mùa hè, rốn lũ mùa mưa”, 100% dân số hơn 6.500 người tại xã Thạch Hóa đều bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hàng năm, trong đó 60% bị ngập sâu, có nơi đến 3 mét dưới nước lũ.

Ông Hoàng Hữu Điền - 61 tuổi, người đã có thâm niên 2 thập kỷ đảm nhận chức Trưởng thôn Đạm Thủy 3, xã Hướng Hóa - cho biết thôn của ông năm nào cũng ba lần lụt lớn. “Với sự giúp đỡ của dự án Plan, chúng tôi đã tổ chức 2 lớp tuyên truyền về kỹ năng phòng chống và giảm nhẹ thiên tai cho 60 người, trong đó có 12 trẻ em”, ông nói.

“Việc thay đổi nhận thức của người dân về cách phòng chống thiên tai không đơn giản. Vì cuộc sống còn quá khó khăn, với 74% là hộ nghèo, nên người dân Đạm Thủy 3 phải lo vất vả kiếm ăn hàng ngày. Họ thường chủ quan, chậc lưỡi nghĩ nước đến thì chạy cũng kịp”, ông nói.

Theo ông, những hạn chế lớn nhất khi thực hiện tuyên truyền giảm nhẹ thiên tai là trình độ nhận thức của người dân chưa đồng đều. Bên cạnh đó, trụ cột gia đình – những người đảm đương việc chống lũ – thường xuyên không tham gia do mải làm ăn xa và chỉ về khi có thiên tai. “Trước đây ai cũng nghĩ lũ lụt là do trời. Giờ chúng tôi hiểu đó là do biến đổi khí hậu và chặt phá rừng. Thông qua các dự án này, người dân có thể thay đổi nhận thức về thiên tai và học cách phòng chống để bảo vệ mình tốt hơn”, ông nói.

Theo