Quyền lực của dân

(CTG) Điều đáng nói là các cấp HĐND và cả QH, đa số các đại biểu thường kiêm nhiệm, họ thường là các quan chức, nên chức năng đại diện, là tiếng nói của dân của họ bị lu mờ. Đó mới chính là vấn đề cần cải cách.


Sau hơn một năm thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp quận - huyện, phường tại 10 tỉnh, thành trên toàn quốc, vẫn còn nhiều bất cập và cả những tranh luận trong việc bỏ một thiết chế dân chủ như vậy.

Cuộc họp của Ủy ban Thường vụ QH ngày 18/9 bàn về vấn đề này cho thấy còn có những ý kiến khác nhau, từ đó QH buộc phải thận trọng, tiếp tục thí điểm và xin ý kiến của nhân dân.

Việc thí điểm bỏ HĐND cấp quận - huyệ,n phường là một bước chuyển biến trong cải cách hành chính và vẫn đảm bảo được quyền làm chủ của người dân. Đó cũng là một thực tế vì bấy lâu nay HĐND các cấp này bộc lộ tính hình thức, thiếu hiệu quả, thậm chí làm cho bộ máy hành chính thêm cồng kềnh. HĐND các cấp này thường chỉ “nghe” mà không giải quyết được vấn đề gì, dẫn đến việc giải quyết những vấn đề của dân chậm chạp.

Quả thực đây là một vấn đề nhạy cảm, đã tạo nên những phản ứng khác nhau. Có đại biểu cho rằng việc bỏ HĐND cấp phường như vậy là “xúc phạm” HĐND nói chung và HĐND quận - huyện, phường nói riêng. Đại biểu Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng cần phải nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện bộ máy nhà nước và nếu cho rằng HĐND là hình thức thì cũng cần xem lại mặt trận, các đoàn thể có hình thức hay không. Một số đại biểu nêu vấn đề thực tế là khi bỏ HĐND như vậy, ai sẽ giám sát việc lạm quyền của cán bộ địa phương khi mà công cụ giám sát đã không còn nữa? Đặc biệt khi bỏ HĐND, quyền lực tập trung về tay chủ tịch quận - huyện, phường, vậy các vị trí này cần được dân bầu trực tiếp hay cấp trên bổ nhiệm? 

Trên thực tế, qua một năm thực hiện thí điểm bỏ HĐND cấp quận - huyện, phường, một số địa phương đã đánh giá tốt mô hình này. Như TP HCM là địa phương thí điểm với quy mô lớn nhất cả nước, gồm tất cả 24 quận - huyện và 259 phường, khẳng định việc bỏ HĐND các cấp này làm cho bộ máy hành chính tinh gọn, tiết kiệm được ngân sách nhưng tính hiệu quả vẫn đảm bảo, thậm chí được tăng cường khi HĐND cấp thành phố được trực tiếp tiếp xúc với dân.

Các địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng cũng đều dánh giá tốt mô hình này và chỉ yêu cầu tăng cường cơ chế giám sát. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, chủ trương thí điểm bỏ HĐND cấp quận - huyện, phường trong thời gian qua cho thấy những ưu điểm là chủ yếu khi khoảng cách giữa chính quyền cấp tỉnh tới phường - xã được kéo gần hơn, công việc giải quyết nhanh hơn, cán bộ gần dân hơn… 

Nước ta là một nước dân chủ, người dân làm chủ thông qua lá phiếu bầu người đại diện của mình trong các cấp chính quyền. HĐND từ cấp xã, phường trở lên là những thiết chế dân chủ, để người dân trực tiếp tham gia vào việc điều hành đất nước thông qua người đại diện của mình. Thực ra, nếu mỗi đại biểu dân cử chỉ cần thực thi tròn trọng trách của mình thì quyền lực của nhân dân được thể hiện rõ ràng. Điều đáng nói là các cấp HĐND và cả QH, đa số các đại biểu thường kiêm nhiệm, họ thường là các quan chức, nên chức năng đại diện, là tiếng nói của dân của họ bị lu mờ. Đó mới chính là vấn đề cần cải cách.

Thực tế việc khiếu kiện đất đai vượt cấp nở rộ trong thời gian qua cho thấy HĐND các cấp và ngay cả các đại biểu QH cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình, hoặc họ thiếu quyền lực để thực thi trách nhiệm. Hàng loạt các vấn đề dân sinh, môi trường… liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân giải quyết rất chậm trễ khiến người dân thiếu tin tưởng vào người đại diện của mình. Đó là lý do có ý kiến cho rằng tính hình thức ở các cấp HĐND vẫn tồi tại. Và khi nào tính hình thức còn tồn tại thì quyền lực của nhân dân cũng mang tính hình thức.

Quyền lực tập trung ở chính quyền, nhưng nếu không có giám sát thì chính quyền dễ bị tha hóa, xa rời dân. Việc cải cách hành chính là cần thiết và mục tiêu cải cách hành chính cũng là để bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả, quyền làm chủ của nhân dân được thực thi. Thực tiễn ở nước ta, cho đến nay vẫn chưa có một mô hình nào tốt hơn HĐND để giám sát và kiểm soát quyền lực. Do vậy việc cải cách hành chính với thiết chế HĐND là vấn đề nhạy cảm, cần được thí điểm, tổng kết một cách khoa học để phát huy tốt nhất quyền làm chủ thực sự của dân.

Chưa đủ cơ sở để bỏ HĐND quận, huyện phường

Báo cáo với hàng loạt ưu điểm về chủ trương thí điểm bỏ HĐND của Chính phủ bị một số Ủy viên Thường vụ Quốc hội phản bác là vội vàng, chưa đủ cơ sở.

Trình bày trước Thường vụ Quốc hội ngày 18/9, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại 10 tỉnh, thành phố sau một năm rưỡi đã tạo được bước đột phá trong cải cách hành chính, góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó việc giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn quận, huyện, phường, quyền dân chủ của người dân được đảm bảo, dân chủ trực tiếp được tăng cường, kinh tế xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội... Nội dung này từng được Chính phủ báo cáo tại hội nghị toàn quốc tổ chức vào tuần trước.

 Căn cứ vào kết quả này, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 liên quan đến HĐND ngay tại kỳ họp cuối năm để thực hiện không tổ chức HĐND quận huyện phường trên phạm vi cả nước từ tháng 5/2011. Trong trường hợp phương án này không được lựa chọn, Chính phủ đề nghị mở rộng thực hiện thí điểm thêm 20 tỉnh, thành.

Tán thành tiếp tục thí điểm, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị chỉ thực hiện tại 10 địa phương, không mở rộng. Theo ông Thuận, việc thí điểm gần như mới bắt đầu, chưa trọn vẹn một năm ngân sách, thiếu mô hình đối chứng, nhiều đánh giá về kết quả đạt được mang tính chủ quan. “Chưa thể có căn cứ vững chắc cho bất kỳ quyết định nào, tiếp tục tổ chức hay không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường”, ông Thuận nói.

Đánh giá về hoạt động của HĐND, ông Thuận nói: “Tuy hoạt động còn mang tính hình thức nhưng HĐND là một thiết chế dân chủ không thể thiếu. Bỏ HĐND là bỏ đi một thiết chế dân chủ, đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, bỏ đi một diễn đàn quan trọng phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và tiếng nói tập trung của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân ở địa phương”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình cho rằng, nói bỏ HĐND mà quyền làm chủ của dân được tăng cường, hiệu lực bộ máy tốt hơn trước là chưa đủ cơ sở khoa học. Ngoài ra, về logic, thiết chế dân chủ HĐND bị bỏ đi mà bảo quyền làm chủ, quyền đại diện của người dân được tăng cường là không hợp lý.

“Nếu cho rằng bộ máy nhà nước cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật không nghiêm thì nên nghiên cứu tổng thể hoạt động của nhà nước hiện nay xem thế nào. Ví dụ, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, có hình thức không? Quốc hội hình thức ở chừng mực nào?”, ông Bình mở rộng vấn đề và đề nghị tăng thí điểm thêm một năm trước khi tổng kết, không đặt vấn đề sửa Hiến pháp.

Quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh được hầu hết ủy viên Thường vụ đồng tình. Theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, những đánh giá của Chính phủ đồng nghĩa với việc bấy lâu nay HĐND cản trở hoạt động của UBND.

Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên lại cho rằng kiểu đánh giá của Chính phủ là “cắt khúc, chưa đủ độ chín để có thể coi là tổng kết đáng tin cậy”. Ông cũng chuyển lời một số lãnh đạo các tỉnh miền núi phía Bắc đề nghị Chính phủ thận trọng với vấn đề này.



Theo Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, với những ưu điểm của việc thí điểm, nên nhân rộng ra các địa phương trong cả nước. Ảnh: N.H.


Riêng với con số ước tiết kiệm chi ngân sách 85 tỷ đồng mỗi năm từ việc thí điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển khẳng định là không đúng, vì “bỏ chỗ này thì phình chỗ kia”, không tiết kiệm được.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, cách thể hiện trong báo cáo của Chính phủ dễ làm nảy sinh suy nghĩ ngược, tức là nơi nào bỏ HĐND thì đạt được rất nhiều ưu điểm, còn không thì ngược lại. Bà đề nghị Chủ tịch Quốc hội báo cáo với Bộ Chính trị xem xét thêm và cho tiếp tục thí điểm.



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao đổi với lãnh đạo các địa phương trong Hội nghị toàn quốc về HĐND và UBND đầu tháng 9. Ảnh: N.H.


Đề xuất này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhất trí. Ông cũng đồng ý với nhận xét thí điểm một năm, lại chỉ ở những địa phương thuận lợi, giờ tổng kết là quá sớm. Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, không phải bây giờ mới đặt ra chủ trương này mà là từ 20 năm trước đã bàn nhiều lần. Có địa phương đã xung phong xin thí điểm. Hà Nội, TP HCM cũng từng xin thí điểm chính quyền đô thị với hàm ý không tổ chức HĐND cấp quận.

“Điều này chứng tỏ thực tiễn đã đặt ra từ lâu. Mặc dù vậy, khi tiến hành lại liên quan tới Hiến pháp, các luật, nhiều cơ quan nên rất phức tạp. Với nhiều ý kiến khác nhau như vậy chứng tỏ cần cân nhắc kỹ vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trước những ý kiến của Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn đồng ý với đề nghị tiếp tục thí điểm, song vẫn giữ quan điểm mở rộng số địa phương, chọn cả những địa bàn khó để có điều kiện tổng kết sâu hơn.




Theo Chúng ta