Rmah Mich và tình yêu văn hóa truyền thống

(CTG) Với tình yêu và nỗi lòng trăn trở với văn hóa truyền thống dân tộc, anh Rmah Mich, Phó Bí thư Đoàn xã, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đã đi tìm gặp các già làng để học hỏi, sưu tầm một số loại hình văn hóa, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng của dân tộc Ba Na có nguy cơ mai một, sau đó anh thành lập các đội cồng chiêng và truyền dạy cho thanh niên.

Rmah Mich (thứ tư từ phải qua) và đội chiêng làng Hek đang tập luyện đánh chiêng

Vốn yêu thích nghệ thuật từ nhỏ, Rmah Mich đã cố gắng học tập với mong muốn được phát triển trên con đường nghệ thuật sau này. Nhờ quá trình nỗ lực, chàng trai trẻ người Ba Na đã được theo học khoa Thanh Nhạc của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai). Đến năm 2013, vì điều kiện gia đình khó khăn, cha mẹ đau ốm, Rmah Mich phải bỏ học để về làm kinh tế phụ giúp gia đình. Cũng từ đây, anh bắt đầu tìm lại các vốn văn hóa cổ và “truyền lửa” sự đam mê và quý trọng văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ trong làng.

Nói về cái duyên đến với văn hóa truyền thống, Rmah Mich bộc bạch: “Như các làng khác, làng Hek cũng rơi vào tình trạng mai một các giá trị văn hóa truyền thống. Một phần vì những người thuộc các bài chiêng cổ đã đi về thế giới kia gần hết. Phần vì âm nhạc hiện đại cũng đã xâm nhập vào làng khiến cho người trẻ không mấy mặn mà với bản sắc văn hóa dân tộc mình. Sợ dân tộc mình mất đi bản sắc văn hóa, mất dần các bài chiêng, điệu hát khan, nên mình đã quyết định đi tìm học để lưu giữ bản sắc dân tộc”.

Kể từ đó, tranh thủ lúc nông nhàn, Rmah Mich lại tìm đến già làng Đinh Nhoeng, Đinh Mập để học. Các già đều là những người am hiểu về văn hóa dân tộc như đánh chiêng, hát khan, các tập tục, lễ nghi văn hóa truyền thống của người làng Hek. Ngoài nghiên cứu, tìm tòi học tập đánh chiêng, Mich còn học đánh đàn ting ning, tơ rưng với hi vọng có thể truyền dạy lại cho thanh niên nam, nữ ở làng.

“Càng tìm hiểu kỹ mình càng thấy rằng, văn hóa của người Ba Na là một kho tàng rất quý báu. Nếu văn hóa cứ bị mai một từng ngày thì sẽ không còn gì để lưu truyền lại cho các đời sau. Khi ấy người làng sẽ không còn biết cội nguồn, gốc rễ, văn hóa truyền thống của mình như thế nào. Khi đã hiểu được giá trị của bản sắc dân tộc thì mình càng có thêm quyết tâm để vực lại và nhân rộng nó ra”, anh Rmah Mich cho biết thêm.

Già Đinh Nhoeng, người đã có công truyền dạy đánh cồng chiêng cho anh Rmah Mich kể: Ở làng này, người trẻ ít ai đến tìm để học đánh chiêng cổ lắm. Từ khi Mich về làng, khi nào rảnh thì Mich tìm già để học đánh cồng chiêng. Nhiều ngày Mich lên rừng để chặt lồ ô về nhờ già làm đàn và dạy lại cho nó. Đến giờ thì cồng chiêng, đánh đàn, hát khan Mich đều thành thạo cả rồi.

Rmah Mich (ngồi giữa) đang truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ trong làng tại nhà rông

Truyền lửa đam mê

Năm 2018, được sự ủng hộ, động viên của các già làng, Rmah Mich bắt đầu đi vận động thanh, thiếu niên trong làng học đánh chiêng cổ. Cứ thế, khi làn khói lam chiều bắt đầu tỏa lên trên các nóc nhà của người dân làng Hek, Mich lại đến thăm từng nhà để thuyết phục đám trai, gái trong làng học đánh bài chiêng, điệu xoang cổ. Ngoài ra, Mich còn chủ động đưa thanh niên làng Hek đi xem các hội thi, hội diễn cồng chiêng để khơi dậy tình yêu văn hóa trong mỗi người.

“Trai, gái trong làng chỉ thích đánh chiêng hiện đại chứ không thích đánh các bài chiêng cổ. Vì các bài chiêng hiện đại rất dễ đánh, tiết tấu vui và gần gũi với họ hơn. Các bài chiêng cổ thì khó đánh nên để vận động họ tìm học là cả một quá trình dài. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực vận động, đội chiêng ban đầu chỉ có 12 người, đến nay đã lên tới 30 người. Mình còn truyền dạy cho 25 em học sinh cấp I của Trường Tiểu học PTDT Bán trú Nay Der”, Mich chia sẻ.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Mich hào hứng cho biết: “Khi đội cồng chiêng làng Hek được thành lập đã lan tỏa tới các làng lân cận. Các làng cũng lấy đó làm động lực để thành lập các đội chiêng. Mình chủ động tập hợp thanh niên đánh chiêng giỏi của 4 làng Pông, Pênh, Hek, Trớ để đi tham dự Festival cồng chiêng Tây Nguyên vào cuối năm 2018".

Cứ thế cho đến nay, khi chuẩn bị cho các hội diễn, hội thi cồng chiêng thì đám trai, gái trong làng Hek lại nô nức kéo nhau về nhà rông để tập luyện. Với sự nỗ lực của Mich và sự cố gắng học hỏi của các thành viên mà đội chiêng làng Hek đã gặt hái được nhiều thành tích như: Giải Nhất diễn xướng cồng chiêng, thể loại hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ trong Hội thi Văn hóa- Thể dục thể thao các DTTS huyện Phú Thiện (năm 2019). Giải A thể loại dân ca, giải B biểu diễn nhạc cụ tại Liên hoan Cồng chiêng, hát dân ca, độc tấu nhạc cụ dân tộc thanh, thiếu niên tỉnh Gia Lai (năm 2019).

Không chỉ tích cực trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống, Rmah Mich còn là một Phó Bí thư Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) xã năng nổ, gương mẫu

Ngoài việc tích cực trong việc học tập và truyền dạy văn hóa, Rmah Mich gương mẫu trong các công tác hoạt động phong trào của Hội như xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện Đề án xây dựng 4 làng căn cứ kháng chiến thuộc xã Chư A Thai gồm: Pông, Pênh, Hek, Trớ và tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại địa phương.

Ông Nguyễn Chí Cẩn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai nhận xét: “Rmah Mich là một Phó Bí thư Đoàn xã gương mẫu, nhiệt tình và có trách nhiệm trong công tác . Đồng thời, Rmah Mich còn là một tấm gương tiêu biểu trong hoạt động gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương”.

Cuối tháng 12/2020, Rmah Mich vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc tiêu biểu, năm 2020, do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội.

Nguồn: BDT&PT