Sài Gòn, còn thương thì về

(CTG) Cuốn sách gồm 19 tản văn, 8 truyện ngắn viết về Sài Gòn - TP.HCM, mảnh đất đã “ấp yêu” tác giả hơn 30 năm. Đó cũng là những cảm xúc, “cảm thương đẹp đẽ” của một “thị dân chính gốc” đối với mảnh đất này.

Tình người trong mùa dịch ở TP.HCM

Cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng, những bữa cơm từ thiện, món đồ nhu yếu phẩm hàng ngày đang được trao đi trong mùa dịch.

Thành phố lại bắt đầu bước vào đợt cách ly nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình và cho xã hội.

Chiều nay, nhiều người bạn bắt đầu than vãn về sự bức bối và mệt mỏi khi phải bó gối ở nhà đã suốt 15 ngày. Tuy nhiên, ai cũng ý thức được sự quan trọng của việc lây lan cộng đồng nên đều thực hiện tiếp đợt cách ly mới. Tâm lý cũng dần quen với việc này.

 
Sach Sai Gon con thuong thi ve anh 1

Sách Sài Gòn, còn thương thì về!

Nhưng, thật ra trong câu chuyện vẫn đau đáu nỗi lo mưu sinh sau dịch. Với những bạn làm công việc trong môi trường tư nhân, đồng lương tích lũy không nhiều, thì nỗi lo thêm trĩu trịt trong lòng.

Sài Gòn đón nhiều lưu dân tứ xứ về đây mưu sinh. Mỗi người là một câu chuyện về số phận và hành trình. Nhưng đâu phải ai đem theo cái ước mơ sung túc đủ đầy về đây rồi cũng sẽ kiến tạo nó thành hiện thực được.

Vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh bôn ba khốn khó. Có nhiều bạn trẻ đồng lương mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng nhưng vẫn bám trụ đô thị phồn hoa đắt đỏ này. Bởi với họ, dù công việc và đồng lương như thế, vẫn đỡ hơn quay về quê, chẳng biết làm gì.

Miền Tây khát ngọt, dân miền Tây bỏ ruộng đồng theo dòng đời mà bon chen lên thị thành. Có những xóm trọ, toàn dân miền Tây, đùm bọc nhau mà sống. Mùa này, hai chữ thất nghiệp nó đeo mang nặng nề với họ lắm! Tâm lý họ vì thế đôi khi bất ổn và hoang mang rất nhiều.

 
Sach Sai Gon con thuong thi ve anh 2

 

Một nhóm từ thiện ở TP.HCM phát 250 phần cơm mỗi ngày cho người nghèo.

Tôi có nhiều bạn dân miền Tây, những con người chân chất, thật thà và đầy thiện lành. Họ có thể cực khổ gian lao, nhưng đều chắt chiu gởi về quê cho ba má dưới nhà. Họ có thể đầu tắt mặt tối nhảy hai hay ba công việc một lúc, nhưng chưa bao giờ than vãn.

Họ kiếm tiền, mải miết như thế, bởi vì vẫn còn đó nhiều mái nhà liêu xiêu tuềnh toàng theo mỗi mùa gió thổi. Những mái nhà chờ đồng tiền từ thành thị gởi về để gia cố, để cơi nới lại cho tươm tất.

Ruộng đồng khô hạn, mặn xâm thực. Mỗi một công đất trồng là 200.000 tiền mua nước ngọt tưới. Nhiều nhà khổ quá, đốt đồng không canh tác gì nữa. Nhiều người vụ mùa ra bông thì ngắt luôn chẳng để đậu trái.

Đau lòng, nhưng họ phải làm. Những người miền Tây, sáng áo sơ mi quần tây đóng thùng, ngồi bàn giấy, gõ phím lốc cốc. Nhưng chỉ sau 5h chiều, họ lại khoác lên mình chiếc áo xanh, đỏ, vàng mang logo của các hãng xe ôm thời công nghệ.

Họ rong ruổi phận mình kiếm thêm giữa thị thành đắt đỏ này. Mệt nhoài và rệu rã nhưng họ chẳng ngơi nghỉ ngày nào. Bỏ qua cái mặc cảm xe ôm, họ mưu sinh vì hai chữ bám trụ. Cơm áo gạo tiền thiện lương luôn nhọc nhằn và lắm cơ cực.

Mùa dịch này, việc văn phòng đóng băng, họ lại hoàn toàn sống bằng nghề xe ôm công nghệ, nhận giao thức ăn và hàng hóa.

Khi xã hội giãn cách, họ vẫn gắng mưu sinh. Lắm khi những chuyến giao hàng họ lại được cho thêm mười ngàn hay hai chục gọi là tiền bo. Ngày chịu khó chạy cũng kiếm ba bốn trăm ngàn.

Trên cái ghi-đông xe của họ nhiều khi còn có thêm một bao gạo từ thiện, và một hộp cơm của bếp ăn 0 đồng. Mùa dịch mà, tứ bề là thiếu thốn và khốn cùng. Còn chạy được là còn mừng.

Những người bạn miền Tây của tôi, vẫn bám trụ TP.HCM, vẫn cố gắng làm gì đó để kiếm ra tiền trong những ngày này, mót được đồng nào để sống, là chia ngay về dưới quê. Nghe xong, thấy thương rưng rức.

Có đứa đồng nghiệp, về quê tránh dịch được một tuần đã vội vã chạy lên TP.HCM để tìm công ăn việc làm. Một ngày ở không là một ngày đói. Lang thang đi kiếm việc. Vẫn không có, đành ngậm ngùi quay về.

Vẫn biết là quãng thời gian này làm gì có việc mà làm. Nhưng có những người, vẫn xao xác một niềm hy vọng mong manh. Đánh đu mình với cơn đại dịch.

Nghe mà xót quá chừng! Cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng, những bữa cơm từ thiện, những món đồ nhu yếu phẩm hàng ngày đang được trao đi một cách miệt mài.

Hành động ấy, ngày càng nở rộ như một mùa hoa thiện lành bát ngát trong cơn đại dịch.

Mùa dịch này, chắc chắn sẽ đi qua, nhưng cái nó để lại trong lòng, không chỉ là sự bàng hoàng của một vết xước trong cuộc đời, mà rất có thể, cơn đại dịch sẽ bắt đầu nhen lên trong lòng mỗi chúng ta, một ngọn lửa ấm áp về tình thương giữa người và người, với nhau!

Nguồn: Zing