Nguyễn Văn Luận cùng những khoảnh khắc của Sài Gòn được ghi lại - Ảnh: Q.NG.
Chàng trai quê Bình Phước ấy đã đặt tên cho dự án là Sài Gòn tử tế. Nguyễn Văn Luận chia sẻ: "Tôi được nhận rất nhiều điều tử tế khi đặt chân lên thành phố này trọ học, rồi đi làm và giờ sống tại đây.
Tôi nhớ mãi câu chuyện cô bán bánh mì lâu ngày gặp lại nhưng vẫn nhớ hỏi thăm sức khỏe mẹ tôi vì đã từng nghe tôi kể. Trời ơi, sao họ đối xử với tôi tử tế thế! Và tôi muốn chia sẻ nhiều câu chuyện tử tế mình gặp với người xung quanh".
Chúng ta hay đọc được chuyện tử tế trên mạng xã hội, tôi muốn nhiều người được thấy, “chạm” vào những điều tử tế, có địa chỉ xác thực trong chính cuộc sống hằng ngày. NGUYỄN VĂN LUẬN
Sài Gòn đã tử tế lâu rồi!
* Sao lại là "Sài Gòn tử tế"?
- Lúc ấy tôi hợp tác cùng nhóm Humans of Saigon chuyên ghi lại những khoảnh khắc của Sài Gòn từ nhiều góc ảnh khác nhau. Trong đó phần nhiều ảnh ghi lại chân dung, câu chuyện về thân phận người, những con người rất bình dị nơi mảnh đất này. Tôi cùng họ làm tập sách ảnh chỉ mong được chia sẻ những bức ảnh đó đến với nhiều người hơn. Tôi đã đọc nhiều câu chuyện, xem nhiều bức ảnh về Sài Gòn và chọn Sài Gòn tử tế làm tên gọi cho dự án.
Cũng có người nói dùng tên Sài Gòn dễ gợi nhắc về xưa cũ. Tôi không nghĩ vậy. Sài Gòn đã là cách gọi quá thân thuộc với vùng đất này. Chưa kể chuyện tử tế nơi đây nói không quá rằng đã được minh chứng theo thời gian, trở thành điều đương nhiên, được khẳng định rồi.
Chúng tôi không kể chuyện xưa cũ mà nói về nhịp sống Sài Gòn hiện tại, dung dị và đời thường. Một cách nào đó, dự án của tôi đang hưởng lợi từ "sự tử tế" của mảnh đất Sài Gòn.
* Chặng đường mà anh cùng các bạn đã đi qua, đã kể về một Sài Gòn tử tế là gì?
- Dự án ra đời hơn một năm, hoạt động vẫn còn khiêm tốn lắm. Ngoài tập sách ảnh, một vài triển lãm ảnh đã làm, chúng tôi có tổ chức đêm nhạc, bán một vài mặt hàng lưu niệm, hoạt động gây quỹ. Số tiền có được từ những nguồn ấy chúng tôi dùng chia sẻ với bất kỳ ai thật sự cần được giúp.
Chúng tôi hoàn thành một MV, bản audio Sài Gòn vẫn thế (nhạc sĩ Hồ Tiến Đạt sáng tác), một vài giọng hát khác nhau thể hiện. Rồi quán cà phê Touch Saigon cafe ra đời, như một nét văn hóa cà phê vốn thân quen ở Sài Gòn. Quán như địa điểm để chúng ta cùng chia sẻ những câu chuyện tử tế của Sài Gòn, cũng là nơi diễn ra một vài hoạt động của dự án.
Tấm thiệp sẻ chia mà dự án “Sài Gòn tử tế” của Luận thực hiện để giúp người bán vé số trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: Q.NG.
Từ thiện là sẻ chia
* Tức đích đến cuối cùng sẽ là những hoạt động từ thiện?
- Trong dự định ban đầu, dự án này không chuyên tâm làm từ thiện. Với người Sài Gòn, việc làm từ thiện gần như trở thành điều hiển nhiên hằng ngày, đặc biệt là những lúc gặp chuyện khó khăn. Tuy vậy, tôi không thích cách nghĩ làm từ thiện là đem cho ai thứ gì đó mà nên là chia sẻ lại điều mình có, đã được nhận với ai đó đang thiếu và cần.
Mỗi ngày chúng ta đều nhận được từ những người xung quanh cả điều hay lẫn chưa hay mà mỗi người tùy nhận thức, quan niệm sống để chọn lựa, chắt lọc các giá trị cho riêng mình.
Thực tế có rất nhiều người, nhiều nhóm vẫn âm thầm làm rất nhiều việc hay, tử tế ở đâu đó giữa thành phố này mà chắc chắn chúng ta không thể biết hết được. Điều dự án mong muốn là được san sẻ, kể về những câu chuyện đẹp, chuyện tử tế ấy của Sài Gòn và làm sao để chúng lan tỏa đến nhiều người hơn.
* Còn tấm thiệp chia sẻ dành cho những người bán vé số ở Sài Gòn giữa cơn dịch COVID-19 mới đây thế nào rồi?
- Tôi gọi đó là tấm thiệp sẻ chia. Được thiết kế cách điệu dựa trên hình ảnh tờ vé số, tấm thiệp có hình của một người bán vé số khuyết tật dù vất vả mưu sinh nhưng lại cười rất tươi. Tôi thấy mình cần phải làm điều gì đó cho những người bán vé số ở Sài Gòn, có thể không được nhiều vì sức mình có hạn thôi nhưng phải làm nên tôi bắt tay làm ngay.
Mỗi tấm thiệp có giá 100.000 đồng, có thể gửi tặng nhau như món quà lưu niệm. Khi mua bạn đã ủng hộ số tiền tương ứng và dự án chuyển toàn bộ thành quà đến người bán vé số.
Chúng tôi xin phép gửi một phần nước uống từ chính quán cà phê của mình, nhưng có nhiều người mua thiệp mà không chịu nhận nước.
Chúng tôi kỳ vọng gửi đi 500 tấm thiệp sẻ chia nhưng cuối cùng con số này là 579. Những phần quà đầu tiên đã được trao tận tay những người khó khăn, và chúng tôi đang tìm để trao số quà còn lại.
Theo TTO