Chậm nhất 17 giờ ngày 19/8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn đại học và thông báo kết quả thí sinh trúng tuyển đợt 1. Trong giai đoạn này, các sĩ tử đang trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ vui mừng, háo hức đến lo lắng, thấp thỏm.
Tham gia hoạt động xã hội
Sau mọi nỗ lực và cố gắng, khoảng thời gian chờ đợi điểm chuẩn là giai đoạn hồi hộp nhất đối với bất kỳ ai. Cảm giác bất an, căng thẳng khiến không ít sĩ tử mơ hồ về lựa chọn của mình.
Mặc dù vậy, Hoàng Nguyễn Diễm Quỳnh (SN 2006, trường THPT Chuyên Quang Trung, Bình Phước) vẫn kiên định với lựa chọn và tự tin vào những nỗ lực mà bản thân đã bỏ ra. Diễm Quỳnh cho biết: “Mình đạt được 27,68 điểm tổ hợp D15 và mình cảm thấy khá hài lòng với kết quả này. Mình có dự định theo học ngành Sư phạm Anh, đây là ngành khá hot và cạnh tranh cao. Tuy nhiên, mình vẫn luôn hy vọng may mắn sẽ mỉm cười với mình”.
Trong thời gian chờ đợi điểm chuẩn, thay vì lo lắng Quỳnh tập trung nhiều vào hoạt động xã hội và chuẩn bị con đường học tập sắp tới. “Mình đã và đang tiếp tục trau dồi những kỹ năng mềm và giữ gìn sức khỏe. Bên cạnh đó, bồi dưỡng thêm kiến thức đã có ở cấp 3 để có tâm thế chủ động nhất trước khi bước chân vào giảng đường đại học. Ngoài ra, mình cũng tham gia một số hoạt động tình nguyện tại địa phương để giữ tinh thần thoải mái”, cô bạn tâm sự.
Bạn Hoàng Nguyễn Diễm Quỳnh. |
Còn Lê Gia Bảo (SN 2006, trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM) cũng đang hồi hộp chờ công bố điểm chuẩn đại học.
“Mình khá lo lắng về điểm thi khi biết kết quả không được như mong đợi. Mình lo lắng sẽ không thể đỗ vào ngành yêu thích, căng thẳng khiến mình mất tập trung và chỉ ru rú trong phòng ngủ suốt mấy ngày liền. Mình mong có thể đậu vào được một trường công để bớt được phần nào gánh nặng học phí cho gia đình. Mình đã đăng ký 7 nguyện vọng cho 2 ngành là Kỹ thuật hóa học và Công nghệ thực phẩm vào các trường đại học tại TPHCM”, Gia Bảo chia sẻ.
Dưới sự động viên của người thân, Gia Bảo điều chỉnh cảm xúc và tận dụng thời gian cho các hoạt động khác. “Hiện tại, mình đang học để thi lấy bằng lái xe máy và sắp tới cũng sẽ tìm một công việc làm thêm ở cửa hàng tiện lợi để phụ giúp gia đình”, Bảo bộc bạch.
|
Lê Gia Bảo tận dụng thời gian học thi bằng lái xe trong khi chờ điểm chuẩn. |
Tranh thủ học ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp
Khác với tâm trạng lo lắng khi đợi điểm chuẩn, nhiều sĩ tử đang háo hức chờ ngày nhập học khi đã cầm chắc “tấm vé vàng” vào đại học nhờ các phương thức xét tuyển như tuyển thẳng, xét tuyển học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực,...
Tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm thế tự tin, Đặng Phương Mai (SN 2006, trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, Ninh Bình) cho biết đã trúng tuyển ngành Hệ thống thông tin quản lý của Đại học Bách khoa Hà Nội, bằng kết quả xét tuyển dựa theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn và đang chuẩn bị cho kỳ thi tiếng Anh đầu vào của trường.
“Mình tận dụng thời gian này để học tiếng Anh cho kỳ thi đầu vào của trường, trau dồi kỹ năng giao tiếp và lên kế hoạch học tập kỹ lưỡng tại môi trường mới. Bên cạnh đó, mình cũng đã nhờ người thân sắp xếp nơi ở gần trường để thuận tiện hơn cho việc di chuyển”, Mai nói.
Phương Mai vui vẻ, tự tin khi đã đậu nguyện vọng theo sở thích. |
Nên làm gì khi chờ điểm chuẩn?
Trong thời gian chờ đợi điểm chuẩn, nhiều sĩ tử không tránh khỏi trạng thái lo âu, thấp thỏm. Thạc sĩ Quản lý giáo dục Đỗ Như Hảo - Giám đốc điều hành Học viện Thành Công cho biết, để giảm bớt những tâm lý này và chuẩn bị tốt cho chặng đường mới, các em học sinh nên thư giãn và nghỉ ngơi, tận dụng thời gian rèn luyện kỹ năng cá nhân và lập kế hoạch dự phòng.
“Hãy cho phép bản thân thư giãn, dành thời gian cho các hoạt động yêu thích. Đồng thời, hãy chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng trong trường hợp kết quả không như mong đợi. Hiện nay có nhiều hình thức đào tạo ngoài đại học mà các em có thể lựa chọn như chương trình học liên kết quốc tế hoặc các khóa học nghề uy tín”, Thạc sĩ Hảo chia sẻ.
Cũng theo Thạc sĩ Đỗ Như Hảo, việc chuẩn bị hành trang để bước vào giảng đường đại học là điều cần thiết. Rèn luyện các kỹ năng mềm sẽ là công cụ hữu ích hỗ trợ trong quá trình học tập và làm việc sau này.
“Việc học đại học chỉ là một bước trong hành trình phát triển của các em. Vì thế, mỗi bạn cần có sự chủ động, lên kế hoạch trong mọi tình huống có thể xảy ra. Điều quan trọng là duy trì thái độ tích cực, tin tưởng vào bản thân và luôn có sự chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống”, Thạc sĩ Hảo nhấn mạnh.