Sinh viên F0 khỏi bệnh tiếp tục tham gia tình nguyện chống dịch

CTG- Đó là câu chuyện về sinh viên Trần Hồ Anh Thư, sinh năm 2000, lớp trưởng lớp 18DS111, Khoa Dược, Trường Đại học Lạc Hồng, Đồng Nai. Tham gia tình nguyện và bị nhiễm Covid-19, nhưng ngay sau khi khỏi bệnh hoàn toàn, Thư lại tiếp tục xung phong đi tình nguyện.

Anh Thư đang sinh sống cùng với gia đình tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu và tham gia học tập tại trường Đại học Lạc Hồng. Thư là sinh viên rất năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn trường và Hội Sinh viên trường tổ chức.

Từ khi đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 bùng phát trên địa bàn tỉnh, nhất là vào tháng 7/2021 cao điểm, Anh Thư đã giấu gia đình tham gia các hoạt động tình nguyện hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh tại Đoàn phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa với các nhiệm vụ hỗ trợ khai báo y tế, hỗ trợ xét nghiệm diện rộng tại phường. Không những thế, sau khi hỗ trợ cho Đoàn phường, buổi tối khi không đến ca trực, Anh Thư  lại tham gia hỗ trợ Đội hậu cần phân phát rau củ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Thực phẩm yêu thương” của Tỉnh đoàn.

 

 

Cô gái nhanh nhẹn, hoạt bát luôn xông xáo trong mọi hoạt động

 

Anh Thư chia sẻ: “Em nghĩ gia đình sẽ không ngăn cản chuyện tham gia phòng, chống dịch, vì đây là trách nhiệm, là bổn phận thiêng liêng. Nhưng chắc chắn không thể không lo. Đây là tâm lý chung của mọi người, nhất là bậc làm cha mẹ”.

Nhưng thật sự mức độ nguy hiểm của virus này không thể lường trước được, trong một lần tham gia xét nghiệm diện rộng tại phường Bửu Long, em đã bị nhiễm Covid-19. Ngày 02/8/2021, sau hai lần xét nghiệm nhanh Covid-19 với kết quả dương tính, cả người Anh Thư bủn rủn, tâm trạng có một sự lo lắng nhẹ. Nhưng với sự quan tâm, động viên của Đoàn trường, Đoàn phường, Anh Thư đã dũng cảm, kiên cường đối diện với nó như chính ý chí ban đầu mà em tham gia tình nguyện.

Cũng chính trong ngày hôm đó, 02/8, em được đưa đi cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa. Trong nhật ký cách ly của Thư đã thấy em luôn giữ tinh thần lạc quan, luôn vui vẻ, tập thể dục, vận động để “chiến đấu” với con virus này; Cộng với sự động viên tinh thần to lớn từ thầy cô nhà trường, từ những món quà, lời chúc gửi đến em như nguồn sức mạnh to lớn giúp Thư vững tin tiếp tục chiến đấu.

“Ở nơi cách ly, có nhiều cán bộ y tế, công an, quân đội phơi nhiễm như em, nhưng dường như mọi người đều hiểu, cảm thông và hỗ trợ lẫn nhau. Có bệnh nhân khi biết chúng em bị phơi nhiễm trong quá trình chống dịch hỏi thăm, nhường đồ ăn… nên, dù bị nhiễm Covid-19, nhưng em chưa bao giờ cô đơn…” - Những dòng tâm sự tại khu cách ly của Anh Thư thấy được khi gian khó, người Việt Nam, người Đồng Nai mình vẫn luôn yêu thương, chia sẻ cho nhau.

“Khi biết tin em bị nhiễm bệnh, không kịp chuẩn bị đồ đạc, quần áo, em có gọi cho gia đình để chuẩn bị đồ mang vào giúp, ba mẹ em lo lắng, khóc ròng 02 ngày trời, nhưng em sẽ và vẫn sẽ luôn lạc quan chiến đấu, không sao đâu, virus không thắng nổi tinh thần của mình đâu” - Anh Thư bộc bạch. Đúng như vậy, mặc dù cũng trải qua đủ các cảm giác mất khướu giác, vị giác, đau đầu, buồn nôn, thậm chí không ăn uống được gì nhưng với những kiến thức được cập nhật, tinh thần lạc quan của mình, ngày 10/8, em đã có kết quả âm tính lần 1, đến ngày 21/8/2021 em đã được trở về nhà tiếp tục cách ly 14 ngày. 

Sau khi khỏi hẳn bệnh với 03 lần xét nghiệm đều âm tính, Anh Thư lại tiếp tục đăng ký tham gia tình nguyện viên, được sự phân công nhiệm vụ tham gia hỗ trợ tại Khoa Dược, Trung tâm Y tế Biên Hòa từ ngày 08/9/2021 cho đến khi dịch bệnh tại địa phương cơ bản được ổn định. 

Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh), khi bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏe và được xuất viện, họ có thể dành thời gian giúp sức các lực lượng phòng, chống dịch, các lực lượng hỗ trợ tại địa phương, bởi lúc đó họ đã nằm trong số những người “an toàn” nhất trước đại dịch. Các nghiên cứu cho thấy kháng thể trong người các F0 đã khỏi bệnh rất mạnh, mạnh hơn người tiêm đủ hai mũi vaccine. Hơn lúc nào hết, sự trở lại của các F0 trong “trận chiến” này là vô cùng cần thiết và mang ý nghĩa nhân văn./.
 

Phương Thảo