Học và khởi nghiệp là quan hệ tương hỗ
Việt Nam có không ít chủ doanh nghiệp khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên và hiện tại họ vẫn rất thành công. Anh Lý Hoài Sơn, CEO & Nhà sáng lập Công ty 24 Livestream Sự kiện Hội họp Hội nghị Bán hàng trực tuyến là ví dụ. Anh bắt đầu khởi nghiệp khi còn đang là một sinh viên ngành Truyền thông marketing trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lúc đó, với đam mê chụp ảnh, anh đã cùng nhóm bạn mở một studio.
Cũng giống như các bạn trẻ khác, khi mới khởi nghiệp, anh Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Đến năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, cơ sở của anh bị ảnh hưởng nặng nề. Anh và các bạn phải chuyển sang một hướng mới, gắn bó đến hiện tại. Sau rất nhiều khó khăn, thách thức, hiện anh đã có thể tạo ra được công việc cho các bạn trẻ có cùng đam mê, không chỉ là các bạn cử nhân mà ngay cả sinh viên cũng có thể vào làm việc.
Anh Lương Đức Trung thành công trong việc đem đến các chương trình ngoại khóa dành cho đa dạng lứa tuổi học sinh |
“Muốn khởi nghiệp, các bạn trẻ, các sinh viên phải bước ra khỏi vùng an toàn. Hiện nay, các bạn trẻ rất sợ thất bại, nên rất khó để các bạn khởi nghiệp. Bởi vì, khởi nghiệp đồng nghĩa với việc học thêm sự thất bại”. Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia |
Anh Sơn chia sẻ: “Từ thời sinh viên, mình đã có mục tiêu khởi sự kinh doanh. Từ đó, mình sẽ có cách học khác. Mình học thêm về quản trị kinh doanh, học kiến thức về doanh nghiệp, nghe những câu chuyện startup để trau dồi kiến thức. Để bắt đầu hành trình khởi nghiệp, chúng ta sẽ phải trang bị cho bản thân ít nhất ba thứ, đó là: kỹ năng về tài chính, kỹ năng kinh doanh và kỹ năng quản lý nhân sự. Tìm kiếm cho mình những người anh em cùng chí hướng không khó nhưng quan trọng là họ có sẵn sàng chịu khó chịu khổ vượt qua những khó khăn cùng mình hay không? Khi còn đang là sinh viên các bạn trẻ nên học kỹ năng mềm, ngoại ngữ, khả năng thuyết trình... đó là những thứ quan trọng mà các bạn nên trang bị cho mình từ sớm”.
Anh Lương Đức Trung, CEO của Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ giáo dục toàn cầu BKTECH (một công ty phát triển hệ sinh thái giáo dục STEAM made in Việt Nam) khởi nghiệp từ năm 2019. Hiện tại, dự án khởi nghiệp của anh đã thành công trong việc tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt phục vụ cho nền giáo dục STEAM.
Ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia |
“Bản thân tôi là một sinh viên khởi nghiệp từ rất sớm nên nhìn rất rõ những giá trị mà khởi nghiệp sớm mang lại, cũng như những khó khăn, vất vả đi kèm. Để tránh được thất bại, mình cần hiểu bản chất của kinh doanh, hãy phân tích thật kỹ về lợi thế cạnh tranh, sự khác biệt, tìm hiểu thị trường và lập kế hoạch kinh doanh thật chi tiết. Cuối cùng là tìm kiếm đội ngũ nhân sự chất lượng để thực hiện dự án. Và không thể thiếu được, đó là dự phòng rủi ro”, anh Trung chia sẻ.
Về mối tương quan giữa việc học và khởi nghiệp, anh Sơn và anh Trung cho rằng đó là mối quan hệ tương hỗ, không hề mâu thuẫn. Theo đó, học tập ở bất cứ lĩnh vực gì đều hỗ trợ cho tốt khởi nghiệp và khởi nghiệp mang lại nhiều bài học quý báu mà chưa chắc trên giảng đường đã có.
Sợ thất bại, khó khởi nghiệp
Ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia từng trải qua nhiều lần thất bại nên thấu hiểu khó khăn của các sinh viên mang hoài bão khởi nghiệp. Ông khuyên các bạn trẻ, các bạn sinh viên nên khởi nghiệp từ sớm và muốn khởi nghiệp trước hết phải thay đổi tư duy một cách mãnh liệt.
“Muốn khởi nghiệp, các bạn trẻ, các sinh viên phải bước ra khỏi vùng an toàn. Hiện nay, các bạn trẻ rất sợ thất bại, nên rất khó để các bạn khởi nghiệp. Bởi vì, khởi nghiệp đồng nghĩa với việc học thêm sự thất bại”, ông Thắng phân tích và khuyên: “Các bạn trẻ cần trang bị thêm các công cụ để xây dựng những mô hình kinh doanh, tìm kiếm những giải pháp hữu ích cho khách hàng. Học và khởi nghiệp không có gì mâu thuẫn cả. Học là việc bắt buộc chúng ta phải làm nếu muốn khởi nghiệp”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, cô Phan Hồng Giang, giảng viên giảng dạy môn Khởi nghiệp, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho rằng, sinh viên có rất nhiều ý tưởng kinh doanh nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào, làm gì trước, làm gì sau? Sinh viên hay thích một thứ gì đó nhưng không giỏi về nó nên không tự tin để khởi nghiệp…
“Vậy không có cách nào khác là bắt tay vào để làm, vừa làm vừa học. Qua việc tham gia một số dự án khởi nghiệp, sinh viên sẽ biết cách để quản lý thời gian một cách hiệu quả hơn, có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, kỹ năng giải quyết vấn đề… Chính từ đó sinh viên có thể phát triển bản thân và đặt mục tiêu cao hơn cho cuộc đời mình”, cô Giang nói.
Theo TP