Sơn nữ trồng cây 'lạ'

(CTG) Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chị Trịnh Thị Thanh Hòa đã quyết định trở về quê khởi nghiệp với việc trồng những cây 'lạ' và giúp dân làm giàu.

 

Đưa cây sachi về Đà Bắc

Chị Trịnh Thị Thanh Hòa (dân tộc Tày), ở tiểu khu Mu, TT.Đà Bắc H.Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. H.Đà Bắc là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Hòa Bình, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với đời sống còn nhiều khó khăn.

Thấy địa phương có nhiều đồi núi trọc, trong khi nông dân trồng cây nông nghiệp cho giá trị không cao, chị Hòa đã mạnh dạn tìm hiểu loại cây trồng mới du nhập vào Việt Nam năm 2016 - 2017 có tên là sachi và mang về trồng thử nghiệm trên các đồi núi trọc ở quê nhà.

Sơn nữ trồng cây 'lạ' - ảnh 1

Chị Trịnh Thị Thanh Hòa với sản phẩm xơ sợi được chế biến từ cây gai. NVCC

“Sachi có tên khoa học là Plukenetia volubilis L, là loại thực vật thuộc họ Euphorbiaceae (thầu dầu), có nguồn gốc từ vùng rừng rậm Amazon. Hạt của sachi chứa tỷ lệ chất dinh dưỡng rất cao, được sử dụng trong rất nhiều ngành như công nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm. Nhưng diện tích trồng sachi ở Việt Nam còn khá khiêm tốn, trong khi sản phẩm từ sachi có thị trường tiềm năng ở các thành phố lớn”, chị Hòa chia sẻ. Vì vậy, chị tìm giống trồng thử và nhân rộng diện tích 15 ha trên những đồi trọc ở H.Đà Bắc.

Khi ấy người dân còn rất e ngại trồng loại cây này vì chưa bao giờ thấy trên quê hương. Năm 2017, chị bắt đầu thu hoạch những hạt sachi đầu tiên và được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, nên quyết định mở rộng vùng trồng. “Ban đầu trồng khó khăn vì là cây trồng mới, bà con chưa biết hiệu quả như thế nào. Khi chúng tôi trồng thử nghiệm thành công 15 ha đó, thì bà con mới yên tâm sản xuất", chị Hòa kể.

Năm 2018, cây sachi cũng chính thức được công nhận là giống cây dược liệu mới ở nước ta. Chị đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình, bắt đầu gây dựng vùng nguyên liệu, với diện tích trồng tăng lên trên 40 ha. Đồng thời để gia tăng giá trị sản phẩm và đáp ứng thị trường trong nước, chị Hòa và các cộng sự đã xây dựng xưởng chế biến sachi thành các mặt hàng: dầu ép lạnh, hạt sấy, trà túi lọc... Năm 2020, sản phẩm trà được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm hạt sấy đạt chứng nhận OCOP 3 sao tỉnh Hòa Bình. Đặc biệt, những phụ phẩm sau sơ chế, chế biến được tận dụng trồng nấm và ủ phân hữu cơ vi sinh bón trở lại cho cây trồng.

Cũng năm 2020, cây sachi đã mang về tổng doanh thu 3,8 tỉ đồng, tổng lợi nhuận xấp xỉ 800 triệu đồng và tạo việc làm cho 140 lao động. Mô hình trồng và chế biến từ cây sachi đã được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận Sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh.

Không ngừng đóng góp cho cộng đồng

Đến năm 2021, thấy cây sachi có hiện tượng bị bệnh và thoái hóa, không còn mang lại hiệu quả kinh tế như trước, chị đã nhanh chóng chuyển đổi diện tích trồng sachi sang trồng gai lai, một giống cây mới cũng chưa từng được trồng ở địa phương.

“Qua nghiên cứu loại cây trồng mới và tìm hiểu thị trường, cũng như nhận thấy khi nước ta thực hiện hiệp định thương mại tự do FTA, CPTPP thì kim ngạch ngành dệt may tăng nhanh chóng, sẽ kéo theo thị trường xơ nguyên liệu phát triển. Trong khi đó, nước ta vẫn nhập khẩu nguyên liệu là chủ yếu. Lượng xơ sợi nguyên liệu trong nước sản xuất chỉ chiếm một phần rất nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành dệt. Vì vậy, mình quyết định đầu tư trồng cây gai lai để làm nguyên liệu xơ sợi tự nhiên”, chị Hòa chia sẻ.

Để mở rộng vùng nguyên liệu, chị Hòa đã liên kết với các hộ dân có đất để sản xuất tại các xã trong huyện và hết tháng 4.2022 diện tích trồng gai đã đạt 76 ha. Bên cạnh đó, chị đầu tư cho các hộ dân mua máy móc chế biến sợi gai và các sản phẩm từ cây gai. Hiện sợi gai khô được bán cho Nhà máy dệt sợi An Phước (Thanh Hóa) để chế biến xuất khẩu và cung cấp cho các làng nghề truyền thống. Lá gai khô được cung ứng cho làng nghề bánh gai. Củ gai cung ứng cho công ty dược liệu. Thân lá phụ phẩm sau khi tuốt cung cấp cho trang trại chăn nuôi gia súc và cá lồng.

Đến nay, tổng doanh thu từ cây gai của HTX do chị Hòa làm chủ đã đạt 1,6 tỉ đồng. Dự kiến sau khi vùng nguyên liệu đi vào ổn định doanh thu bình quân/năm/vùng 50 ha đạt 4,2 - 4,5 tỉ đồng. Sau khi hoàn vốn đầu tư ban đầu, dự kiến lợi nhuận từ năm thứ 2 trở đi là 1,35 tỉ đồng; các hộ tham gia có thu nhập bình quân từ 80 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 lần trồng các nông sản khác.

Với mô hình trồng và chế biến cây gai, HTX đã tạo việc làm cho hơn 120 thanh niên, phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương. Các sản phẩm từ cây gai tiếp tục bảo vệ môi trường bởi phụ phẩm sau sơ chế, chế biến được tận dụng trồng nấm và ủ phân hữu cơ vi sinh bón trở lại cho cây trồng. Đồng thời, cây gai có tác dụng che phủ bề mặt đất, hạn chế xói mòn rửa trôi, tận dụng được đất đồi, chịu hạn khá tốt thích ứng biến đổi khí hậu.

Với nỗ lực của mình, năm 2021, chị Hòa trở thành nhà nông trẻ xuất sắc được tuyên dương trong Giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn tổ chức.

Theo TN