Sống xanh

(CTG) Nhiều người trẻ đã dần “lột xác” sau đại dịch, hướng đến một lối sống xanh lành mạnh, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe…

Chia tay thói quen cũ

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, tối thứ Bảy nào cũng vậy, Thanh Hương (33 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) lại hẹn những người bạn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) đạp xe đạp. Sau khi làm các thao tác để “mở khóa”, thuê xe đạp công cộng, Hương sẽ đạp xe vòng qua nhiều địa điểm ở quận 1, quận 3… Hương cho biết, cô và các bạn thường đạp xe trong khoảng 2 giờ đồng hồ, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa hít thở khí trời, giải tỏa căng thẳng sau những ngày làm việc.

“Đại dịch COVID-19 là biến cố lớn để chúng ta tự nhìn lại và đánh giá cả sức khoẻ thể chất và tinh thần của mình. Trong đại dịch, thay vì buồn chán, ủ rũ, nhiều bạn trẻ đã chia sẻ, lan toả lối sống tích cực và việc rèn luyện thể thao để vượt qua bệnh tật. Tinh thần này được duy trì sau dịch, họ vẫn tiếp tục yêu bản thân và ý thức nhiều hơn về tầm quan trọng của việc rèn luyện sức khoẻ”. Nguyễn Kỳ Hoa, một cô gái 9X ở Thủ Đức.

Hương thuộc tuýp người đam mê công việc. Cô làm việc suốt tuần và thường làm việc đến 1-2 giờ sáng mỗi ngày. Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi từ sau khi Hương mắc COVID-19. Lúc này cô nhận ra, không gì quý hơn bằng sức khỏe, từ đó quyết định thay đổi giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi điều độ; tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn.

Thấm những giọt mồ hôi sau hành trình đạp xe trên phố, Hương tâm sự, dịch bệnh giúp cô thêm chú ý hơn đến sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể thao mỗi ngày. “Sau khi khỏi COVID-19, mình cảm nhận thấy sức khỏe đi xuống rõ rệt. Mình hay đau mỏi người, đặc biệt là vai gáy và đôi lúc cảm thấy bị hụt hơi. Vậy nên mình nghĩ nếu cứ tiếp tục duy trì các thói quen xấu như cũ, chắc chắn tình trạng sẽ tệ hơn” - Hương chia sẻ.

Người trẻ xê dịch (kỳ 3): Sống xanh ảnh 1

Cuối tuần nào Thanh Hương cũng thuê xe đạp công cộng, thả hồn khắp nhiều nẻo đường Sài thành.

Khoe hộp cơm xinh xắn với đa dạng thực phẩm từ rau củ, thịt cá… do chính tay mình chuẩn bị, Lê Thị Tú (25 tuổi, nhân viên kinh doanh, quê Cần Thơ) khẳng định: “Sức khỏe là vàng, mình không giữ “vàng” của mình thì ai giữ được”.

Cô cho biết, hiện đã bỏ hết tư tưởng ăn kiêng, giảm cân trước đây, thay vào đó là ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng. Không những thế, Tú còn bỏ thói quen thức khuya chơi game, xem phim. Cô đặt mục tiêu ngủ trước 23 giờ hàng ngày và dần dần sẽ cải thiện để thời gian ngủ còn sớm hơn nữa.

Là trưởng phòng tín dụng một chi nhánh ngân hàng ở thành phố Thủ Đức, anh Trần Văn Lê (39 tuổi) phải thường xuyên ngoại giao, tiếp khách nên không tránh khỏi rượu, bia mỗi ngày. Trong suốt thời gian ở nhà do dịch bệnh, đỉnh điểm là gần một tháng vào bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 đã làm anh Lê thay đổi hẳn lối sống.

“Không ít lần chứng kiến nhiều người tử vong do COVID-19, tôi càng quý trọng cuộc sống hơn. Tôi chăm chỉ luyện tập thể thao, ăn uống điều độ; bỏ hẳn rượu bia thay vào đó là các loại nước ép, trái cây có lợi cho sức khỏe. Tôi cũng khám sức khỏe định kỳ hàng năm, thấy có dấu hiệu mệt mỏi là đến bệnh viện ngay chứ không ỷ lại như trước” - anh Lê chia sẻ.

Lan tỏa năng lượng tích cực

Nhớ lại những kỷ niệm trong chuyến trekking (đi bộ dài ngày) ở Tà Giang (Khánh Hòa) vừa qua, cô gái 9X Nguyễn Kỳ Hoa (ngụ thành phố Thủ Đức) chia sẻ, muốn thử thách bản thân, trải nghiệm những điều mới lạ nhiều hơn. Vốn là người yêu thể thao, Kỳ Hoa chơi khá tốt nhiều môn như yoga, zumba, chạy bộ…, gần đây là leo núi nhân tạo, bơi lội, bắn cung, trekking. Do công việc bận rộn, Kỳ Hoa vẫn tranh thủ buổi trưa hoặc tối, ngày cuối tuần đến phòng tập. “Tập thể thao không chỉ giúp mình một cơ thể khoẻ mạnh, săn chắc hơn mà hơn hết là một tinh thần lạc quan, vui vẻ.

Bên cạnh đó, mình còn cố gắng duy trình lối sống và ăn uống lành mạnh. Điều này giúp mình thêm yêu bản thân, tinh thần lạc quan hơn” - Kỳ Hoa cho biết. Không chỉ tập một mình, Kỳ Hoa còn rủ nhiều người bạn tham gia nhóm thể thao để cùng rèn luyện sức khỏe.

Người trẻ xê dịch (kỳ 3): Sống xanh ảnh 2

Kỳ Hoa rèn luyện sức khỏe bằng chạy bộ, đi bộ du lịch dài ngày cùng bạn bè.

 

Sáng sớm cũng như chiều muộn, tại nhiều công viên Tao Đàn, 23/9 (quận 1), công viên Gia Định (quận Gò Vấp)… luôn có rất đông người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao. Người lớn tuổi tập dưỡng sinh, đi bộ dọc công viên; giới trẻ thì nhảy aerobic, nhảy rumba… Họ xem đó như là “chìa khóa vàng” để có sức khỏe tốt.

“Tôi tham gia nhóm dưỡng sinh gần nửa năm nay, tập 2 buổi/tuần. Trước đây tôi chỉ tập online tại nhà, từ sau dịch COVID-19, tôi thích những bài vận động ngoài trời lại có thêm bạn bè, người quen. Chúng tôi không chỉ động viên nhau siêng năng vận động, vừa chia sẻ kiến thức dinh dưỡng… Những năng lượng tích cực cứ thế lan tỏa, thu hút thêm nhiều người cùng tham gia” - chị Hoa Cương (nhân viên văn phòng ở quận 3) chia sẻ.

Nhóm thể thao 5h30 được lập trong những ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Khi mới khởi xướng, nhóm chỉ có hơn 2.000 thành viên, nay đã tăng lên gần 6.000. Trưởng nhóm Ngô Công Quang cho biết, khi mọi người ở nhà nhiều, hầu như ai cũng ôm điện thoại. “Nếu chúng ta kết nối để làm việc hữu ích thì sẽ tốt hơn. Các bài tập thể dục tại chỗ, giao lưu thách nhau trong các môn như plank, squat… sẽ làm mọi người lấp thời gian trống, khỏe mạnh hơn, xả stress rất tốt” - anh Quang chia sẻ.

Mở rộng mảng xanh

Nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe, vui chơi giải trí, từng bước cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố, từ sau khi mở cửa trở lại, TPHCM đã triển khai kế hoạch cải tạo, mở rộng các mảng xanh, kênh rạch, công viên, khu vực công cộng. Công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) là điển hình trong số đó, vừa đưa vào sử dụng hồi đầu năm 2022 với diện mạo mới.

Không gian rộng rãi, thoáng đãng, thảm cỏ đẹp, lại nằm ngay mặt sông Sài Gòn, đây là địa điểm thư giãn, dạo mát, tập thể dục của rất nhiều người dân thành phố và khách du lịch. Phường An Phú Đông, quận 12 cũng đang “thay da đổi thịt từng ngày” khi nhiều con hẻm, kênh rạch được chính quyền địa phương cải tạo rộng rãi, trở thành khu vui chơi, tập thể dục của người dân trong khu vực.

Dân cư các khu phố 2, 3, 4 phường Phú Thuận (quận 7) từng ám ảnh vì rác. Cứ mỗi mùa mưa đến, những địa điểm này thường xuyên bị ngập, rác thải trôi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối. Tuy nhiên hiện nay đều đã trở thành công viên sạch - xanh, với các dụng cụ tập thể dục, khu vui chơi thu hút rất đông trẻ em, người lớn. “Sau dịch, người dân càng ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tăng cường bảo vệ sức khỏe.

Cùng với chính quyền địa phương, chúng tôi chung tay xóa điểm đen về rác, đặt thêm chiếc ghế đá, trồng thêm khóm hoa… Mỗi ngày tôi đều đến đây hít thở không khí trong lành, vận động để tăng sức khỏe, trò chuyện cùng hàng xóm, bạn bè. Những thói quen trước đó tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng từ khi đối mặt giữa sự sống và cái chết, mình càng thêm trân quý những phút giây như thế.

Theo TP