Tôi từng nghe được một câu nói: “Cuộc sống đã trao cho ta một số phận không thể nào khác, thế nhưng số phận đó vẫn tươi đẹp biết bao”. Câu nói này thể hiện được tinh thần lạc quan, nhưng với tôi, để có lạc quan thì phải có sự trải nghiệm, vượt qua khó khăn để trưởng thành và Đoàn đã giúp tôi trải nghiệm và trưởng thành.
10 năm trưởng thành
Trở thành đoàn viên năm 2003 rồi được tập thể tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn ngay sau đó, thấm thoát đến nay đã 19 năm làm cán bộ Đoàn, trong đó tôi vinh dự và tự hào với 10 năm giữ vai trò Bí thư Đoàn trường (từ 2012 đến nay).
Sau khi tốt nghiệp ra trường năm 2011, bạn bè tôi, những người em của tôi mỗi người có một chí hướng khác nhau, có bạn đã trở thành doanh nhân, có bạn thành nhà khoa học, có bạn vươn ra thế giới để tìm cho mình một môi trường mới... Công việc, gia đình, cuộc sống... mỗi người khác nhau làm cho tôi và bạn bè có người tiếp tục khoác lên mình màu xanh, có bạn chia tay Đoàn để tiếp tục theo đuổi hành trình ước mơ của mình. Nhưng tôi tin rằng bất cứ ai trong chúng tôi, những người đã và đang khoác chiếc áo xanh, đều nhận được rằng thời gian công tác Đoàn là khoảng thời gian để chúng tôi trau dồi, rèn luyện và trưởng thành. Thông qua các hoạt động tình nguyện, các thế hệ đoàn viên, thanh niên có cơ hội rèn luyện, học tập, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, góp phần nâng cao kiến thức và tay nghề.
Chúng tôi hiểu được thế nào là buồn, vui, là tình thương, sự chính trực. Chúng tôi không ngần ngại khi tranh luận, để rồi sau đó hiểu ra rằng chúng tôi “mến” nhau đến như vậy. Chúng tôi có cơ hội để học kỹ năng, để tự tin hơn, mạnh dạn hơn khi phát biểu. Chúng tôi cũng biết cách để thiết kế một chương trình, hoạch định một kế hoạch nhỏ. Và chúng tôi có một hành trang lớn lao khi bước ra khỏi ngưỡng cửa đại học để vào đời lập nghiệp.
Đoàn - “Người bạn lớn” giúp anh Trương Văn Đạt (thứ 2 từ trái sang) được trải nghiệm và trưởng thành. NVCC |
Có lúc công tác Đoàn sẽ làm bạn cảm thấy mệt, cảm thấy quá sức, cảm thấy sao khuôn mẫu, nhưng vậy thì sao chứ, công tác Đoàn cho mình thử thách, để mình đủ bản lĩnh vượt qua những khó khăn lớn hơn sau này. Cảm ơn Đoàn, cảm ơn “Người bạn lớn”. Cảm ơn tất cả chúng ta đã cùng nhau có một thời tuổi trẻ sôi nổi.
Nơi trao niềm tin cho tuổi trẻ trước thế giới đầy biến động
Thế giới chúng ta đang thay đổi quá nhanh, trong đó thường xuyên phải đối mặt với những vấn đề khẩn cấp toàn cầu mà vừa qua là đại dịch Covid-19. Để thành công, buộc mỗi người trẻ phải thay đổi nhiều hơn và nhanh hơn bao giờ hết, đặc biệt trong thế giới biến động, phức tạp này. Hoạt động của Đoàn cần hướng đến việc giáo dục cho đoàn viên, thanh niên về tư duy lãnh đạo, sẵn sàng ứng phó với mọi sự thay đổi của thế giới. Điều đó có thể là có tầm nhìn tốt để hiểu rõ ràng về tổ chức, công việc và cuộc sống, phát huy điểm mạnh và giảm thiểu điểm yếu trong bối cảnh môi trường thay đổi nhanh chóng.
Trên con đường tự thân lập nghiệp, chắc hẳn bạn trẻ nào cũng gặp phải nhiều khó khăn. Khi đó, chương trình hành động của Đoàn giúp các bạn trẻ có tư duy phản biện một cách tích cực, dựa trên niềm tin, dựa trên sự đồng thuận để nhằm có thêm thông tin vượt qua khó khăn. Bên cạnh các hoạt động rèn luyện các kỹ năng thực hành xã hội, thì tư duy phản biện là một trong những yếu tố mà Đoàn cần trang bị cho đoàn viên, thanh niên.
Phát triển mô hình “chợ khởi nghiệp”
Đại học khởi nghiệp là mô hình không quá xa lạ và thật sự thành công với nhiều đại học trên thế giới, nhưng ở VN còn khá mới mẻ. Trên tiến trình tự chủ đại học, việc xây dựng môi trường khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ ghế nhà trường là một điều tất yếu.
Theo mô hình “Đại học khởi nghiệp”, sinh viên là mối quan tâm hàng đầu của nhà trường. Các dịch vụ trong nhà trường đều hướng đến phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt của sinh viên. Với sứ mệnh là người bạn lớn của thanh niên, Đoàn thanh niên cần xây dựng các kênh thông tin để luôn lắng nghe sinh viên bằng đôi tai, cảm nhận bằng trái tim và làm mọi thứ vì sinh viên và khởi nghiệp trên đôi chân mình.
Đoàn tiên phong khởi xướng các không gian khởi nghiệp, trong đó có khu vực dành cho những người chỉ mới chớm có ý tưởng để khởi nghiệp, có thể vào tra cứu tài liệu, tìm kiếm lời khuyên hoặc người đồng sáng lập. Một khu vực sẽ là nơi các nhóm đã bắt đầu hình thành dự án, có đường đi tương đối rõ ràng, sẽ phải tham gia các chương trình đào tạo, huấn luyện và các thử thách khác nhau để được nhận các gói hỗ trợ của nhà trường. Và khu vực thứ ba là nơi doanh nghiệp đã thành hình, có sản phẩm và bắt đầu con đường chinh phục thị trường.
Đoàn có thể phát triển mô hình “chợ khởi nghiệp” trong nhà trường, nơi mà mỗi doanh nghiệp trong trường được cấp một phòng riêng để kinh doanh; đồng thời tiếp nhận, chuyển giao các sản phẩm của sinh viên. Đoàn cần xây dựng chính sách giúp sinh viên ứng dụng chuyển giao công nghệ, có tham gia vào quá trình hoạch định nghiên cứu khoa học, theo đuổi những yêu cầu mới của thị trường để các công trình nghiên cứu có thể mang tính ứng dụng cao nhất.
Theo TN