|
Dường như bộ trưởng bộ Giao thông vận tải đã bắt mạch được “tâm trạng” xã hội này, nên trong rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của cán bộ do mình quản lý, ông chọn nguyên nhân chơi golf để… cấm, thay vì (hay đáng lẽ ra) tính đến một chiến lược, kế hoạch tổng thể để nâng cao hiệu quả công việc với những giải pháp căn cơ mà có lẽ quan trọng nhất là có mô tả công việc rõ ràng và cơ chế thưởng – phạt phân minh.
Theo một dẫn dụ có thể hiểu, tâm trạng đó đang được xả qua việc “ủng hộ” ông Đinh La Thăng cùng lệnh cấm chơi golf của ông.
Nhưng, cho dù có trong bối cảnh chờ đợi những tín hiệu tích cực từ một Chính phủ nhiệm kỳ mới mà ông nổi lên như một thành viên quyết liệt hành động, thử đặt một câu hỏi nữa: liệu người dân có thật sự tin rằng việc cấm cán bộ chơi golf sẽ làm cho cán bộ liêm chính, mẫn cán hơn, vì thế mà bức xúc của họ sẽ được giải quyết?
Vấn đề thực ra ở chỗ con người và hệ thống kiểm soát những con người đó. Nói đến hệ thống, không thể xây dựng nó từ viên đá nền móng mang tên vượt rào luật lệ và giải quyết phần ngọn – mà lệnh cấm chơi golf là một trường hợp. Chỉ có thể cấm và xử lý nếu việc chơi golf diễn ra trong giờ làm việc, trong chiến dịch công tác, sử dụng xe công hay ngân quỹ. Nghi vấn về một nguồn tiền bất chính nào đó biểu hiện ở việc chơi golf có thể truy ngược từ chính bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ trong ngành hay nghiệp vụ điều tra chuyên sâu hơn. Người dân cần câu trả lời về sự liêm chính và mẫn cán của cán bộ, cơ quan nhà nước phải đảm bảo tính hợp quy của phương pháp rút ra câu trả lời đó. Cũng chỉ trên cơ sở này, sự trừng phạt (phải được đưa ra) mới đúng người, đúng tội.
Chuyện cấm chơi golf đã vượt ra ngoài phạm vi bàn luận về công việc của một bộ trưởng mà là chuyện về tâm trạng xã hội, về sự suy giảm niềm tin và yêu cầu được lấy lại niềm tin. Bài toán này, một mình ông Đinh La Thăng, cho dù có phương pháp đúng, có thể giải nổi không?
Theo SGTT