Tan ca, công nhân rủ nhau vào giờ học tiếng Hàn, tiếng Trung

(CTG) Cứ đều đặn ba tối mỗi tuần, khi tan ca, nhiều công nhân không về nhà ngay mà tíu tít rủ nhau vào giờ học tiếng Trung, tiếng Hàn ở lớp học ngay giữa khu công nghiệp.

 
Công nhân hồ hởi trong lớp học ngoại ngữ miễn phí ngay giữa khu công nghiệp tại Thái Nguyên - Ảnh: HÀ QUÂN
 Công nhân hồ hởi trong lớp học ngoại ngữ miễn phí ngay giữa khu công nghiệp tại Thái Nguyên - Ảnh: HÀ QUÂN
17h30 trời đã tối đen, trong khi từng đoàn công nhân nhanh chân ra xe buýt để kịp về nhà sau giờ làm thì một nhóm khác rẽ hướng, đi nhanh về phía lớp học ngoại ngữ tại Trung tâm dịch vụ khu công nghiệp Thái Nguyên (huyện Phú Bình).

Lớp học miễn phí có gần 90 công nhân và nhân viên các công ty theo học, ra đời sau cuộc đối thoại của Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải với công nhân.

Vài ngày học là mình đã biết chào hỏi, nói mấy câu đơn giản rồi. Mà sếp nghe mình chào bằng tiếng của họ lại rất vui, không khí làm việc cũng sôi nổi hẳn, vậy là thuận lợi cho công nhân rồi.

Chị PHẠM THỊ PHƯỢNG (nhân viên Công ty Alutec Vina)

Lớp học đặc biệt

Vừa bước vào lớp, anh Bùi Nguyên Sơn (ở Sóc Sơn, Hà Nội) hào hứng chào cô giáo bằng tiếng Trung. Câu chào của anh thật ngọt, khá đúng chuẩn. Nhưng với một công nhân sản xuất nhôm kính tại Công ty Hyundai Aluminum Vina nhiều năm, Sơn không nghĩ có ngày mình được học và nói tiếng Trung.

 

Như bao học viên khác, giọng Sơn vẫn còn lơ lớ song mỗi lần ai đó phát âm hay đọc câu nào lên tất cả đều vỗ tay động viên nhau. 

Lớp học bắt đầu lúc 17h45, kéo dài hai tiếng đến 19h45 để công nhân ở xa có thể đón chuyến xe buýt cuối trong ngày. Dù sau ngày làm việc khá mệt song ai cũng hứng khởi, chăm chú học.

"Từ bé đến giờ chỉ biết tiếng Trung qua bài hát, phim ảnh chứ có hiểu họ nói gì đâu. Nghe công ty thông báo có lớp ngoại ngữ miễn phí mình đăng ký ngay. Cả ngày làm ở xưởng rất bận, mình tranh thủ nghe lại bài giảng trên xe, về nhà là thời gian của gia đình" - Sơn bộc bạch.

Có con gái đang tuổi đi học nên mỗi tối hai bố con Sơn dành 30 phút cùng ôn ngoại ngữ. Vậy là anh vừa gần con, nhớ bài lâu mà con gái cũng bập bẹ nói tiếng Trung. "Ngày trước không có điều kiện đi học, giờ lớp có nhiều anh em cùng công ty nên ai cũng cố gắng đến học đầy đủ" - Sơn nói.

Chị Phạm Thị Phượng - nhân viên Công ty Alutec Vina - khoe cùng nhiều công nhân đăng ký lớp tiếng Hàn vì ban giám đốc đa phần người nước ngoài. Nhà máy toàn máy móc nhập khẩu từ Hàn Quốc nên khi có thông báo về lớp học tiếng Hàn, công nhân các xưởng hào hứng đăng ký vì biết tiếng ít nhiều cũng thuận lợi khi làm việc.

 

Biết ngoại ngữ, khi công ty có thông báo mới còn biết đọc sơ sơ, biết cách tìm từ trên mạng, nhất là biết những từ thường dùng hằng ngày. Chị Phượng nói trước đây công nhân muốn biết ý của sếp người Hàn dù rất đơn giản cũng chỉ cố đoán thôi. Nay nhờ học tiếng mà sếp nói những từ quen thuộc là có thể hiểu và làm được ngay.

Xem TikTok, YouTube duy trì đam mê ngoại ngữ

Biết công nhân vất vả sau ngày làm việc, cô giáo Nguyễn Thúy Quỳnh kiên nhẫn chỉ các học trò đặc biệt từ cách phát âm, luyến láy sao cho tiếng nói ra tròn vành rõ chữ. Cô Quỳnh nói ngoài ngữ pháp, phiên âm theo chương trình, giáo viên soạn riêng từ vựng liên quan đến công ty như chức vụ, phòng ban, ngành nghề sản xuất.

Nếu chịu khó, qua 5 - 10 buổi học viên có thể tự đọc phiên âm, tìm kiếm từ mới khi học. Cái khó duy nhất là công nhân tuổi lớn hơn học sinh nên học phát âm chậm hơn. Do vậy, giáo viên thường quay video nói mẫu, sửa cách phát âm, giao bài tập nhẹ nhàng kết hợp động viên mọi người ráng học.

Để ôn luyện tiếng và bài cũ, cô giáo Quỳnh khuyên công nhân mỗi ngày dành ít phút luyện nói với máy, xem TikTok, YouTube vừa giải trí vừa duy trì môi trường, giữ đam mê học ngoại ngữ. "Mới đầu học viên chỉ biết nói chào, cảm ơn, hỏi cô khỏe không bằng tiếng Trung. Độ nửa tháng là nhiều người có thể giới thiệu bản thân làm ở đâu, thích điều gì" - cô Quỳnh hào hứng khoe.

Anh Cao Đạo Duy (36 tuổi) - một quản lý tại Công ty Korea Electric Terminal - nói đơn vị có vốn Hàn Quốc nên ban giám đốc đều mong từ quản lý, tổ trưởng đến công nhân biết tiếng Hàn giao tiếp để công việc thuận lợi hơn. 

Công đoàn công ty và người lao động đã đề xuất có lớp ngoại ngữ để họ có thể trao đổi trực tiếp với lãnh đạo. Nên khi nghe tin Thái Nguyên mở thí điểm ba lớp ngoại ngữ cho công nhân, công đoàn công ty lấy ý kiến thống nhất giờ học, phương tiện đi lại.

Theo anh Duy, bận đi làm nên không phải ai cũng có thời gian đi học nên lớp ngoại ngữ thế này rất có lợi cho người lao động. Chẳng hạn lãnh đạo có thể trực tiếp hướng dẫn, bàn giao công việc mà không cần phiên dịch.

"Đơn hàng cung ứng linh kiện xe hơi cuối năm rất nhiều nhưng lãnh đạo công ty thấu hiểu, cố gắng sắp xếp công việc để công nhân có thời gian học ngoại ngữ sau giờ làm. Đây cũng chính là đầu tư lâu dài, nâng cao hiệu quả công việc" - anh Duy nói.

Doanh nghiệp ủng hộ

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên, từ chỉ đạo của bí thư Tỉnh ủy, các ngành giáo dục, lao động, ban quản lý các khu công nghiệp đã phối hợp xây dựng và mở ba lớp dạy tiếng Trung, tiếng Hàn cho người lao động tại Khu công nghiệp Điềm Thụy (huyện Phú Bình).

Doanh nghiệp có chủ, chuyên gia nước ngoài cũng quan tâm đến việc học ngoại ngữ của công nhân nên sắp xếp, tạo điều kiện, hỗ trợ về thời gian cho người lao động tham gia lớp vì có thể tăng năng suất, hiệu quả làm việc lâu dài.

Tuy nhiên cũng khá vất vả để duy trì lớp học vì phải sắp xếp thời gian làm việc, đi lại, sinh hoạt của công nhân do nhiều người ở xa, tan học đã tối muộn mà sáng hôm sau còn lên nhà xưởng sớm. Các lớp thí điểm này sẽ được đánh giá, tổng kết, tính toán mở rộng ra những nơi khác.

Theo TT