Công tác thanh thiếu niên CTĐ là một trong các mặt công tác vận động, giáo dục TTN. Trong những năm qua, Hội CTĐ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức công tác thanh thiếu niên CTĐ trong trường học và ở địa bàn dân cư, góp phần tích cực trong việc trang bị cho thanh thiếu niên kiến thức, kỹ năng cần thiết về chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu ban đầu, ứng phó với các tình huống khẩn cấp; vận động và tổ chức cho thanh thiếu niên tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ bạn nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, qua đó giáo dục lòng nhân ái cho thanh thiếu niên.
3 bên ký kết chương trình phối hợp
Tính đến nay, toàn quốc có 3.672.956 TTN CTĐ (trong đó có 1.597.269 thanh niên); 32.874 đội thanh niên CTĐ xung kích trong trường học và địa bàn dân cư, so với năm 2006 chỉ có 11.407 đội, đã tăng gấp 2,8 lần ; 24.238 chi hội/Hội cơ sở trường học trên tổng số 27.798 trường học trong cả nước chiếm 87,1%...
Phát huy kết quả đạt được qua giai đoạn hợp tác trước đó (2006-2010), ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội CTĐ Việt Nam, ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng bà Lâm Phương Thanh, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đại diện cho 3 đơn vị cùng ký kết chương trình phối hợp trong công tác TTN CTĐ giai đoạn 2011-2015.
Theo tinh thần cam kết của 3 bên, nội dung phối hợp giai đoạn 2011-2015 sẽ tập trung vào: phối hợp tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục lòng nhân ái; tổ chức hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường; giáo dục kỹ năng hoạt động TTN CTĐ; tổ chức các hoạt động nhân đạo; củng cố và phát triển tổ chức Hội CTĐ.
Theo đó, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam sẽ có trách nhiệm: Cung cấp các tài liệu tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác nhân đạo và Hội CTĐ Việt Nam; tuyên truyền về Luật nhân đạo quốc tế và Phong trào CTĐ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; các tài liệu hướng dẫn kỹ năng hoạt động TTN CTĐ; Chủ trì hướng dẫn và tổ chức định kỳ “Trại hè thanh thiếu niên CTĐ” ở cấp tỉnh và cấp Trung ương; Hướng dẫn thực hiện và kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” trong các trường học; hướng dẫn xây dựng góc CTĐ, tủ thuốc CTĐ, vườn cây thuốc nam trong các trường học; Hướng dẫn xây dựng tổ chức và hoạt động CTĐ trong trường học; chủ trì xây dựng Quy chế TTN CTĐ, quy định đồng phục, phù hiệu, thẻ, nghi thức hoạt động TTN CTĐ; Chủ trì tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa TTN CTĐ trong nước và quốc tế.
Phía Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ chịu trách nhiệm: Chỉ đạo tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong các trường học tích cực tham gia công tác CTĐ, đưa nội dung công tác CTĐ vào sinh hoạt chuyên đề thuộc tổ chức mình; Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội chủ trì và làm nòng cốt trong xây dựng các đội thanh niên xung kích CTĐ; Vận động TTN hưởng ứng và tham gia cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và các hoạt động nhân đạo khác do Hội CTĐ Việt Nam tổ chức; Phối hợp cùng Hội CTĐ Việt Nam trong tổ chức định kỳ “Trại hè thanh thiếu niên CTĐ” ở cấp tỉnh và cấp Trung ương; hướng dẫn nghi thức hoạt động thanh thiếu niên Chữ thập đỏ và các kỹ năng hoạt động thanh thiếu niên CTĐ; Phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động hiến máu, hiến giác mạc nhân đạo và xây dựng lực lượng hiến máu dự bị ở cơ sở.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm: Chỉ đạo các cơ sở thuộc ngành Giáo dục phối hợp với Hội CTĐ cùng cấp phát triển tổ chức Hội CTĐ trong các trường học; tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Hội CTĐ hoạt động có hiệu quả; Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nội dung và thời gian hoạt động TTN CTĐ trong chương trình ngoại khóa; quy định đội ngũ phụ trách công tác TTN CTĐ trong trường học; Phối hợp tổ chức “Trại hè thanh thiếu niên CTĐ” ở cấp tỉnh và cấp Trung ương; vận động học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên hưởng ứng và tham gia cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” và các hoạt động nhân đạo khác do Hội CTĐ Việt Nam tổ chức; Phối hợp chỉ đạo tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa trong chương trình ngoại khoá của lớp học.
Cũng theo nội dung phối hợp hoạt động, các cấp của 3 ngành xây dựng nội dung chương trình và ngân sách hoạt động hàng năm. Chương trình này được thực hiện theo năm học, bắt đầu thực hiện từ năm học 2010-2011. Giao cho Ban Tuyên truyền - Thanh thiếu niên - Trung ương Hội CTĐ Việt Nam; Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ban Công tác thiếu nhi và Ban Thanh niên trường học - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là cơ quan thường trực, tham mưu cho lãnh đạo 3 ngành tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp này. Chương trình được đánh giá định kỳ hàng năm và tổng kết vào năm 2015.
Kết thúc lễ ký kết, đại diện của 3 bên đều bày tỏ nhất trí cao và cam kết sẽ đảm bảo triển khai đúng, đủ các nội dung phối hợp đồng thời phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong từng cấp cơ sở của 3 ngành để chương trình phối hợp đạt hiệu quả cao, thực sự triển khai nhiều hoạt động TTN CTĐ trong trường học và ở địa bàn dân cư, góp phần tích cực trong việc trang bị cho TTN kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng, ứng phó với các tình huống khẩn cấp; vận động và tổ chức cho TTN tham gia các hoạt động nhân đạo, giúp đỡ bạn nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, qua đó giáo dục lòng nhân ái cho TTN.
Theo Đảng Cộng sản điện tử |